Bài học từ cây tre và câu chuyện giúp trẻ nghe một lần, lợi cả đời bố mẹ nào cũng nên biết

Trần Quỳnh |

Những câu chuyện ngắn dễ hiểu nhưng đúc kết nhiều chân lý quý giá trong cuộc sống dưới đây sẽ giúp con trẻ nhà bạn được hưởng lợi cả đời.

Câu chuyện thứ nhất: Kiên trì tích lũy

Loài tre bương phải mất ròng rã 4 năm mới đạt được chiều cao 3 cm. Nhưng bước sang năm thứ 5, tốc độ sinh trưởng của loài cây này lại chóng mặt tới nỗi khiến nó có thể cao thêm 30 cm mỗi ngày.

Cứ như vậy, chỉ vẻn vẹn trong 6 tuần ngắn ngủi, tre bương có thể đạt tới chiều cao xấp xỉ 15 mét. Thế nhưng ít ai biết rằng, trong khoảng thời gian 4 năm đầu đời, dù loài tre ấy chỉ cao 3cm, nhưng phạm vi mà bộ rễ của nó cắm trong lòng đất có thể đạt tới diện tích vài trăm mét vuông.

Bài học rút ra: Mỗi khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, chớ nên lo lắng việc mình bỏ ra sẽ đem về kết quả thế nào. 

Bởi lẽ thứ mà chúng ta "đầu tư" cũng giống như loài tre bương cắm rễ sâu vào lòng đất, chờ đến khi thời cơ chín mùi, nó sẽ giúp ta leo lên những đỉnh cao khiến người khác phải ngước nhìn.

Câu chuyện thứ hai: Tình bạn

Bài học từ cây tre và câu chuyện giúp trẻ nghe một lần, lợi cả đời bố mẹ nào cũng nên biết - Ảnh 1.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Mèo và heo là hai người bạn thân. Một ngày nọ, mèo không may ngã xuống hố sâu. Thấy bạn rơi vào hiểm cảnh, heo vội vàng tìm đến một sợi dây. Mèo kêu heo đem sợi dây thả xuống, kết quả là chú heo ấy lại ném cả cuộn dây xuống dưới hố.

Thấy vậy, mèo không khỏi buồn rầu mà than rằng:

"Cậu đã ném cả cuộn dây xuống đây rồi thì làm sao có thể kéo tớ lên?".

Heo nói:

"Nếu không thì tớ phải làm thế nào mới đúng?".

Mèo trả lời:

"Lẽ ra cậu nên cầm một đầu của sợi dây rồi mới thả xuống".

Nghe xong, heo liền không chút do dự nhảy xuống hố sâu, cầm một đầu sợi dây rồi nói với mèo:

"Bây giờ tớ có thể kéo cậu lên trên rồi phải không?".

Lúc ấy, mèo không khỏi dở khóc dở cười, thế nhưng nó chẳng có nửa lời oán trách mà chỉ ôm người bạn ngốc nghếch của mình một cách đầy cảm kích.

Bài học rút ra: Trên thế giới này, có một số người không phải quá thông minh, nhưng họ là những người xứng đáng khiến ta trân trọng cả một đời.

Câu chuyện thứ ba: Giữ và bỏ

Trong tiết học, thầy giáo đưa ra một câu hỏi cho cả lớp:

"Có người muốn đun một nồi nước sôi, nhưng đang đun đến nửa chừng thì phát hiện củi không đủ. Vậy theo các em người đó nên làm gì?".

Nghe vậy, các học sinh ở dưới lớp thi nhau đưa ra câu trả lời. Có em cho rằng người đó nên tranh thủ ra ngoài kiếm củi, cũng có em kiến nghị người này nên đi mượn, đi mua.

Thế nhưng thầy giáo lại đưa ra một đáp án hoàn toàn khác:

"Thay vì chạy vạy tìm cách kiếm thêm củi, tại sao chúng ta lại không đem nước ở trong nồi đổ đi một chút?".

Bài học rút ra: Trên thế gian này, có không ít việc chẳng thể nào diễn ra theo ý nguyện của ta. Vì thế đôi khi ta nên biết bỏ đi một vài thứ thì mới có thể đem về thu hoạch.

Câu chuyện thứ tư: Lo lắng

Có người nọ hỏi một người nông dân:

"Ông đã trồng lúa chưa?".

Người nông dân đáp:

"Vẫn chưa, tôi sợ trời không mưa!".

Người kia lại hỏi:

"Vậy ông có trồng cây bông không?".

Nông dân trả lời:

"Không! Tôi lo cây bị sâu ăn mất".

Người nọ hỏi tiếp:

"Vậy ông trồng cái gì?".

Người nông dân đáp:

"Tôi chẳng trồng gì cả, vì tôi muốn đảm bảo an toàn".

Bài học rút ra: Băn khoăn quá nhiều, suy nghĩ quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng "bó tay bó chân", như vậy thì ngay tới việc nhỏ cũng chẳng thể hoàn thành. Thay vì khiến bản thân đắm chìm trong lo lắng, sợ hãi, có đôi khi nên thử liều lĩnh làm điều mình cho là đúng, biết đâu bạn lại sẽ thu về kết quả bất ngờ.

Câu chuyện thứ năm: Lựa chọn

Bài học từ cây tre và câu chuyện giúp trẻ nghe một lần, lợi cả đời bố mẹ nào cũng nên biết - Ảnh 2.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Có lần, hòa thượng hỏi đồ đệ của mình một câu:

"Nếu như con tiến về phía trước một bước là đường chết, lùi về phía sau một bước cũng là đường chết, vậy con sẽ đi đường nào?".

Đồ đệ nghe xong liền không chút do dự mà trả lời:

"Con sẽ đi con đường ở bên cạnh, như vậy thì chẳng cần cân nhắc chuyện tiến lùi ở con đường cũ, cũng không lo bị mất mạng nữa rồi".

Bài học rút ra: Cổ nhân có câu "trời sinh voi sinh cỏ", cũng có câu "ông trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ".

Trên đường đời của mỗi người, sẽ có nhiều lúc chúng ta lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Những lúc gặp phải tình thế nguy nan như vậy, hãy thử thay đổi góc độ suy nghĩ, rất có thể bạn sẽ tìm thấy lối ra thoát khỏi hiểm cảnh.

Câu chuyện thứ sáu: Được và mất

Trên một con đường nọ, có ông lão đang gánh hai thúng hàng chở toàn đồ gốm sứ đi bán. Đột nhiên, một chiếc chén trong số đó không may rơi xuống đường và vỡ tan.

Dù vậy, ông lão vẫn chẳng hề quay lại nhìn mà tiếp tục gánh hàng đi về phía trước. Chứng kiến cảnh ấy, có người đi đường không khỏi ngạc nhiên và hỏi:

"Tại sao ông quay lại nhìn xem cái chén vừa bị rơi kia thế nào?".

Ông lão trả lời:

"Nếu tôi vội vàng quay lại nhìn nó, rất có thể tất cả số hàng trong hai thúng của tôi đều sẽ bị vỡ hết cũng nên".

Bài học rút ra: Đối với những thứ đã mất đi, ta nên học cách buông bỏ, chấp nhận. Bởi trên thế gian này có rất nhiều chuyện sẽ không vì sự bi thương của chúng ta mà thay đổi kết quả vốn có.

Tổng hợp


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại