Chế độ nghỉ lễ Tết dài 'lê thê' trong lịch sử của người Trung Quốc

Trần Quỳnh |

Chế độ nghỉ lễ Tết thoải mái của người Trung Quốc trong quá khứ chắc hẳn sẽ khiến người thời hiện đại chúng ta bất ngờ.

Ngày nay vào mỗi dịp năm hết Tết đến, một trong những điều được nhiều người mong chờ nhất chính là kỳ nghỉ lễ đón năm mới, sum họp bên gia đình.  Thế nhưng, ít ai biết rằng, chế độ nghỉ Tết không chỉ có trong xã hội hiện đại, mà đã được quy định bởi nhà nước phong kiến từ thời xa xưa ở Trung Quốc. 

Chế độ nghỉ lễ rộng rãi thời nhà Đường

Chế độ nghỉ lễ Tết dài lê thê trong lịch sử của người Trung Quốc - Ảnh 1.

Mặc dù không phải là triều đại đầu tiên bố trí các ngày nghỉ lễ Tết, nhưng vương triều này lại được xem là triều đại đầu tiên chính thức ban hành luật định quy định rõ ràng về chế độ trên. Ảnh minh họa.

Từ thời nhà Đường, vua Đường Huyền Tông đã đặc biệt ban bố "Giả Ninh lệnh" nhằm quy định rõ về các ngày nghỉ lễ đặc biệt trong năm. Trong luật này có ghi rõ: "Nguyên chính, đông chí và các dịp đặc biệt khác được nghỉ 7 ngày".

"Nguyên chính" được nhắc tới trong đạo luật này vốn là ngày mùng một tháng giêng âm lịch, cũng chính là dịp Tết Nguyên Đán. Kể từ sau khi lập quốc, bách tính Đường triều vào mỗi dịp đầu xuân hàng năm và đông chí đều được nghỉ chẵn 1 tuần. 

Điều đáng nói nằm ở chỗ, cuốn "Đường hội yếu" từng khẳng định chế độ nghỉ lễ của Đường triều đã có nhiều lần được điều chỉnh. Ví dụ như vào năm đầu của thời Đường Đức Tông, lịch nghỉ 3 ngày của Tết Hàn Thực được tăng lên thành 7 ngày.

Vào giai đoạn bấy giờ, bách tính Đường triều mỗi năm được hưởng 3 "Tuần lễ vàng", tức là 3 đợt nghỉ dài, mỗi đợt kéo dài 7 ngày.

Bên cạnh đó còn có nhiều đợt nghỉ ngắn hạn khác trong năm như hạ chí, trung thu, ngày mồng tám tháng chạp, ngày sinh Thái Tông, ngày sinh Huyền Tông, ngày sinh và mất của Thái hậu thân sinh ra vua Huyền Tông…, mỗi dịp này người dân đều được nghỉ 3 ngày.

Ngoài những dịp đặc biệt kể trên, bách tính của vương triều này còn có 21 dịp lễ khác được nghỉ một ngày.

Thời nhà Tống sau đó về cơ bản cũng tiếp tục sử dụng nhiều quy tắc nghỉ lễ của Đường triều. Tới thời nhà Nguyên thì số ngày nghỉ Tết bị giảm bớt và tiếp tục được các vua Minh – Thanh kế thừa, điều chỉnh.

Kỳ nghỉ Tết kéo dài tới cả tháng vào thời Minh - Thanh

Chế độ nghỉ lễ Tết dài lê thê trong lịch sử của người Trung Quốc - Ảnh 2.

Mặc dù tổng số ngày nghỉ vào giai đoạn Minh - Thanh không nhiều như các triều đại trước. nhưng kỳ nghỉ Tết của bách tính vào thời bấy giờ lại đặc biệt dài. Tranh minh họa.

Tới giai đoạn Minh – Thanh, các Hoàng đế đã bắt đầu cắt giảm nhiều đợt nghỉ lễ trong năm, thậm chí còn bãi bỏ luôn chế độ nghỉ theo "tuần hưu" (nghỉ 10 ngày) được truyền lại từ thời Tây Hán.

Như vậy theo quy định hiện hành lúc bấy giờ, người dân chỉ có 3 dịp nghỉ dài ngày trong năm, đó là đầu xuân, đông chí và sinh nhật của nhà vua.

Nếu tính tổng cộng tất cả các ngày nghỉ lễ tết trong 1 năm, bách tính thời Minh – Thanh chỉ có khoảng hơn 50 ngày không phải làm việc, ít hơn nhiều so với các triều đại trước đó.

Tuy nhiên chế độ cắt giảm ngày nghỉ nói trên đã đưa tới sự phản đối gay gắt của đại đa số quan viên trong triều. Vì vậy ngoài 3 đợt nghỉ dài hạn như đã quy định, các Hoàng đế đã áp dụng chế độ nghỉ đông. 

Nếu đem nghỉ đông gộp với nghỉ xuân, lại thêm kỳ nghỉ cho dịp Nguyên tiêu, người dân khi đó sẽ có kỳ nghỉ đón Tết kéo dài tới gần 1 tháng.

Cuộc sống người xưa trong kỳ nghỉ: Không nhàn hạ như hậu thế tưởng tượng!

Chế độ nghỉ lễ Tết dài lê thê trong lịch sử của người Trung Quốc - Ảnh 3.

Được xem là những người hưởng lợi nhiều nhất nhờ chế độ nghỉ lễ, nhưng cuộc sống của các quan lại thời xưa trong ngày nghỉ khó có thể xem là nhàn hạ. Tranh minh họa.

Mặc dù có rất nhiều kỳ nghỉ lễ dài hạn cũng như ngắn hạn, nhưng đối với một số người đảm nhiệm chức quyền vào thời xưa, việc được hưởng một dịp nghỉ trọn vẹn vốn là chuyện xa xỉ.

Theo một số tài liệu ghi lại, vào thời nhà Đường các bá quan văn võ trong triều và quan lại cao cấp tại địa phương đều phải thượng triều để chúc Tết Hoàng đế trong sáng ngày mồng 1. Bên cạnh đó, vương triều này cũng đặt ra quy định các trưởng quan tại địa phương không được phép rời nha môn trong dịp Tết.

Ngoài ra đối với những quan viên thời phong kiến, bất luận là đảm nhiệm chức vụ ở địa phương hay các cơ quan trực thuộc trung ương, họ đều phải tiến hành phân bố lịch trực không khác gì so với trực ban thời hiện đại.

Điều đáng lưu ý là lịch trực này chủ yếu chỉ do các quan viên mới nhậm chức đảm nhiệm thay cho những quan lại lớn tuổi.

Nếu như quan viên trẻ nào có kinh tế khá giả, chủ động dâng lên lễ vật thì mới có hy vọng được miễn giảm trực ban ngày lễ.

Điều lệ "luật bất thành văn" trong giới quan trường thời xưa này vốn đã manh nha từ thời Tây Hán, đến thời nhà Đường thì dần trở nên công khai.

Trong trường hợp quan viên trẻ tuổi không khá giả, nhưng trong nhà lại có việc đột xuất buộc phải xin nghỉ, họ sẽ phải trực bù vào những dịp nghỉ lễ khác trong năm.

Chế độ nghỉ lễ Tết dài lê thê trong lịch sử của người Trung Quốc - Ảnh 4.

Sự thực là dù chế độ nghỉ lễ Tết thời xưa có thay đổi ra sao thì cuộc sống của những người dân lao động vẫn không có quá nhiều xáo trộn. Tranh minh họa.

Thế nhưng ngay cả khi phải trực ban thì quan lại thời phong kiến vẫn là những người được hưởng lợi nhiều nhất thông qua chế độ nghỉ lễ.

Đối với những người lao động như nông dân, thợ thủ công hay thương nhân, việc thay đổi các ngày nghỉ nói trên không đem tới thay đổi gì quá lớn đối với cuộc sống của họ. Bởi thực chất, phần đông nhóm người này vẫn làm việc đều đặn hàng ngày để mưu sinh.

Bên cạnh đó, những người dân lao động cũng tự đặt ra một số ngày nghỉ riêng liên quan tới nghề nghiệp của mình.

Ví dụ như những người làm nông thường sẽ có nhiều ngày nghỉ vào giai đoạn chưa phải cấy gặt hoặc và ngày cúng tế thổ địa. Tương tự như vậy, những người thợ thủ công hay thương nhân cũng sẽ nghỉ vào những ngày giỗ Tổ nghề để tiến hành tế lễ.

Từ đó có thể nói, những người dân lao động mặc dù có cuộc sống vất vả hơn so với các quan viên, nhưng họ lại được hưởng quyền tự do trong việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại