Moscow tuyên bố S-500 sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2016 hoặc 2017 và đã nêu ra một loạt những khả năng của hệ thống tên lửa này. S-500 có thể đánh chặn các mục tiêu ở tầm cao từ 185 đến 200km, qua đó cho phép nó bắn rơi các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các vệ tinh tầm thấp.
Tầm bắn tối đa của tên lửa là 600km, xa hơn S-400 200km. Chỉ huy Không quân Nga Viktor Bondarev khẳng định S-500 sẽ đối phó được với 10 tên lửa cùng lúc, với thời gian phản ứng vào khoảng 3 đến 4 giây.
Giống như Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, tên lửa 776N-N và 776N-N1 của S-500 dùng động năng để tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương thay vì phụ thuộc vào đầu đạn nổ. 776N sẽ di chuyển với tốc độ siêu thanh, vào khoảng 5 đến 7 km/s, qua đó chúng có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa đạn đạo nào.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết S-500 sẽ là một hệ thống tương tự các loại pháo tự hành, có thể dễ dàng "vừa bắn vừa chạy" để tránh bị không kích. Mỗi hệ thống S-500 sẽ đi kèm nhiều loại xe hỗ trợ chiến đấu, trong đó có 4 loại xe radar khác nhau, môt trong số đó được thiết kế để phòng chống các loại tên lửa đạn đạo.
Tuy vậy, các quan chức quốc phòng Nga vẫn chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về thông số kỹ thuật của hệ thống S-500. Mặc dù việc thử nghiệm đã bắt đầu, kết quả của các hoạt động này vẫn chưa rõ. Hiện tại, rất khó để xác định liệu S-500 có lợi hại như các quan chức Nga đã tuyên bố hay không.
Truyền thông Nga nhấn mạnh rằng, S-500 sẽ rất khó bị đối phương phát hiện. Cụ thể, hệ thống này có những thiết bị bảo vệ, cho phép nó không bị phát hiện bằng các vệ tinh có các thiết bị cảm biến hiện đại. Có hãng tin còn khẳng định S-500 sẽ có một mạng lưới liên lạc an toàn để phòng chống các loại thiết bị gây nhiễu của đối phương.
Nhiều người cho rằng S-500 sẽ có thể phòng chống các loại máy bay tàng hình tốt hơn so với những người anh em đi trước.
Tuy nhiên có nguồn tin cho rằng S-500 không chú trọng vào việc phòng chống máy bay tàng hình, và dựa trên những thông tin có được, hệ thống này sẽ không vượt trội hơn so với S-400 về khả năng chống tàng hình. Rất có thể S-500 được thiết kế chủ yếu để ngăn chặn các loại tên lửa đạn đạo.
Tuy vậy, với tầm bắn xa hơn các hệ thống tên lửa phòng không trước đây, nó là loại vũ khí hữu hiệu để tiêu diệt các mục tiêu cỡ lớn. Các phi cơ cảnh báo sớm hoặc máy bay gây nhiễu điện tử sẽ phải đối mặt với môt mối đe dọa lớn hơn so với trước đây và có thể sẽ luôn luôn phải hoạt động ở ngoài tầm bắn của S-500.
Dự kiến, các hệ thống phòng không S-500 đầu tiên sẽ được triển khai đến gần thủ đô Moscow và các vùng lân cận. Một phiên bản hệ thống S-500F dành cho tàu chiến lớp Lider cũng đang được chế tạo để đưa vào lắp đặt vào khoảng năm 2023 đến 2025.
Trong tương lai, S-500 sẽ thay thế các hệ thống S-300 và sẽ hoạt động song song với S-400, thường có nhiệm vụ phòng vệ trước các loại máy bay quân sự và đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ban đầu Nga có ý định chế tạo 10 tiểu đoàn S-500, song sau đó các quan chức Nga cho biết 5 tiểu đoàn sẽ được đi vào hoạt động trước năm 2020.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chương trình chế tạo S-500 đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, hai nhà máy sản xuất tên lửa N776 cho S-500 hiện vẫn chưa thể đi vào hoạt động hoàn toàn.
Bản thân thời điểm S-500 được đưa vào sử dụng trong quân đội cũng đã nhiều lần bị lùi lại. Trước đó, Nga tuyên bố rằng nó sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2016 hoặc 2017. Nhiều chuyên gia ước tính rằng hệ thống phòng không này sẽ chưa thể sẵn sàng trước năm 2020.
Với việc Nga đang gặp khó khăn trong việc chế tạo tên lửa đánh chặn, S-500 trước mắt sẽ sử dụng tên lửa 40N6M, hiện đang được trang bị cho S-400. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng của S-500 sẽ giảm đi đáng kể so với những tuyên bố của Nga.
Có thể thấy rằng S-500 là một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao để bảo vệ lãnh thổ Nga, và tầm bắn xa của nó cho phép Nga có thể dễ dàng thiết lập một vùng chống xâm nhập rất hữu hiệu. Nó cũng được thiết kế để có thể di chuyển linh hoạt và khó bị xâm nhập vào hệ thống mạng.
Tuy nhiên, hiện rất khó để có thể xác định khả năng thực sự của S-500 và hệ thống này nhiều khả năng sẽ chưa thể đi vào hoạt động trong tương lai gần.