Tên lửa S-400 Nga như "cái gai" trong mắt Mỹ: Tại sao?

Anh Tú |

Các nhà phân tích cho rằng, việc một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ mua một thiết bị quân sự tiên tiến như S-400 của Nga là điều chưa từng có tiền lệ.

Các bộ phận đầu tiên của hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến S-400 do Nga chế tạo đã tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Sáu (12/7).

Đây là một thời khắc mà các quan chức Mỹ đã dự đoán từ nhiều tháng qua. Họ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc mua hệ thống này sẽ khiến Ankara đứng trước nguy cơ mất đi cơ hội tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất. Giờ đây Washington đang phải tính toán biện pháp đáp trả.

S-400 có sức mạnh gì?

Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 là một trong những vũ khí phòng không tối tân nhất của Nga. Đây là phiên bản nâng cấp của S-300, được coi như lời đáp trả của Liên Xô với hệ thống tên lửa Patriot mà Mỹ đưa vào sử dụng thời Chiến tranh Lạnh.

Điều khiến S-400 (hay SA-21 Growler theo cách gọi của NATO) khác biệt so với với các hệ thống cũ là khả năng ngắm bắn và tấn công nhiều máy bay ở khoảng cách trung bình 250 km với độ cao khoảng 82.000 feet.

S-400 được thiết kế để hoạt động như một hệ thống xương sống trong mạng lưới phòng không có nhiều lớp phòng thủ như các tên lửa tầm ngắn bố trí xung quanh nó.

Nhiều nhà quan sát quân sự - quốc phòng ví S-400 như một loại "tên lửa ma thuật" để đối phó với các loại máy bay tàng hình như tiêm kích F-35 của Mỹ.

Tên lửa S-400 Nga như cái gai trong mắt Mỹ: Tại sao? - Ảnh 1.

Các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đang được chuyển tới sân bay quân sự Murted ở Ankara ngày 12/7. Ảnh: AP

Tại sao Mỹ lo lắng?

NATO đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và xây dựng các hệ thống phòng không của mình và hiện chưa rõ liệu S-400 có thể dễ dàng tích hợp với mạng lưới sẵn có của Ankara hay không. Tuy nhiên, điều khiến Mỹ lo ngại hơn cả là vấn đề an ninh của các thông tin nhạy cảm trên máy bay F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua khoảng 100 chiếc tiêm kích phản lực tiên tiến này của Mỹ. Ankara cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất và bảo trì dòng máy bay này.

Lầu Năm Góc lo ngại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cần tới các chuyên gia kỹ thuật Nga huấn luyện sử dụng S-400 và trong quá trình này rất có thể Nga sẽ tìm hiểu được vô số thông tin giá trị về F-35 mà Ankra biết nhưng lại là thứ mà Mỹ luôn muốn giữ bí mật.

Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ liên tục đe dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 nếu như Ankara vẫn tiếp tục thương vụ mua S-400 từ Nga.

Ngoài những mối lo ngại về kỹ thuật, hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng buộc Mỹ phải đặt ra một loạt câu hỏi về địa chính trị và chiến lược.

Các nhà phân tích cho rằng, việc một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ mua một thiết bị quân sự tiên tiến như vậy từ Nga là điều chưa từng có tiền lệ.

Nhiều chính phủ ở các nước thành viên NATO xem Nga là một mối đe dọa ngày càng lớn với phương Tây và do đó Nga không thể nào lại là một nhà cung cấp đáng tin cậy, nhất là với các hệ thống phòng thủ tối quan trọng như vậy.

Tên lửa S-400 Nga như cái gai trong mắt Mỹ: Tại sao? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với phi công lái F-35 tại căn cứ không quân Luke ở Arizona. Ảnh: The New York Times

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua bằng được S-400?

Hoạt động can thiệp của Mỹ vào Iraq và Syria đã gia tăng thêm sức mạnh cho các nhóm vũ trang người Kurd, lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là các phần tử ly khai khủng bố đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ và cũng là mối lo ngại an ninh cấp thiết nhất của nước này.

Vì vậy, theo một số nhà phân tích, đây chính là nguồn cơn bất tín của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ và khiến Ankra quay sang tăng cường hợp tác với Nga.

Hơn nữa, từ nhiều năm qua Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn tìm cách lấp đầy khoảng trống phòng thủ bằng việc đề nghị mua hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo nhưng quá trình đàm phán với Washington đã không đạt được thỏa thuận nào.

Mặc dù NATO đã triển khai Patriot trên đất Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ năm 2011 nhưng Ankara vẫn muốn sắm riêng cho mình một hệ thống như vậy.

Khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria và Nga được xem như một cường quốc khu vực trỗi dậy trở lại thì dường như Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh cược với ván bài của mình. Ankara và Moscow đã cố tránh để xảy ra đụng độ ở Syria và cùng hợp tác thúc đẩy tiến trình đối thoại 3 bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran.

Tất nhiên, thương vụ S-400 cũng đang bộc lộ rủi ro cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khi ông vẫn quyết tâm theo đuổi sở hữu vũ khí Nga bất chấp các cảnh báo từ Mỹ. Hậu quả từ đòn đáp trả của Mỹ có thể sẽ rất khó lường.

S-400 được vận chuyển lên máy bay vận tải Nga lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại