Sau thảm kịch IL-20, nhằm tăng cường an ninh hơn nữa cho các quân nhân Nga đang tham gia cuộc chiến chống khủng bố, cũng như hỗ trợ Syria nâng cao năng lực phòng không, Bộ Quốc phòng Nga quyết định cung cấp hệ thống tên lửa S-300 tiên tiến cho Damascus.
Ngoài ra, Moscow cũng sẽ chuyển giao cho Syria thêm một số hệ thống phòng không tầm gần – trung.
Đáng chú ý, trong số đó bao gồm cả tên lửa S-125-2M Pechora-2M – phiên bản cải tiến từ hệ thống phòng không S-125 Pechora (NATO định danh là SA-3) do Liên Xô (cũ) sản xuất.
Buk hay Tor thì đã rõ, nhưng tại sao Nga lại chuyển giao Pechora-2M cho Syria. Dù cho đó là thế hệ tên lửa đã qua nâng cấp nhưng dẫu sao, mức độ hiện đại của chúng cũng không thể sánh với Buk, phải chăng nước Nga có ý đồ gì?
Thắng là có thêm tiền!
Có thể nói, ngoài việc giúp đỡ đất nước Syria trước họa khủng bố, dù muốn dù không cũng phải nói rằng qua cuộc chiến này đem lại cho nước Nga nhiều hợp đồng quân sự đem lại nguồn tiền đáng kể.
Chiến trường Syria kể từ năm 2015 đã trở thành nơi để Quân đội Nga thử nghiệm hàng loạt công nghệ vũ khí mới như xe tăng T-90, máy bay Su-30/34/35, trực thăng Mi-28NE. Qua đó, Moscow giành được không ít hợp đồng vũ khí.
Thử nghiệm thành công trên chiến trường thực địa được coi là "cú hích" quan trọng để giúp bán được thêm các loại khí tài.
Thật vậy, không chỉ mặt hàng vũ khí mà mọi hàng hóa trên thế giới, chưa trải qua thử nghiệm rõ ràng sẽ khiến các "thượng đế" luôn phải băn khoăn và đắn đo. Thế nên, sau khi vượt qua bước thực chiến, nếu thắng lợi rõ ràng nó sẽ trở thành một cơ sở giúp các khách hàng đi tới quyết định cuối cùng một cách nhanh chóng nhất.
Anten hệ thống radar điều khiển hỏa lực Pechora-2M.
Trở lại với Pechora-2M – đây là gói nâng cấp lớn của Nga dành cho hệ thống phòng không S-125 Pechora (NATO gọi là SA-3) ra đời từ những năm 1960. Tới tận bây giờ nó vẫn còn được hàng chục quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi. Do đó, "thị trường nhu cầu nâng cấp hiện đại hóa SA-3" là rất lớn.
Nó tạo ra vô số cơ hội lớn cho nơi sản sinh ra S-125 Pechora – Nga và một vài nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Hiện nay ngoài Nga cung cấp gói Pechora-2M, còn có Belarus cạnh tranh với gói Pechora-2TM, Ba Lan có gói Newa SC trong khi Ukraine tung ra phiên bản S-125-2D Pechora. Tuy nhiên, chúng đều chưa trải qua thực chiến bao giờ.
Vì vậy, nếu Pechora-2M có thể lập nên công trạng ở chiến trường Syria mà cụ thể nhất là bắn rơi được máy bay Israel hay Mỹ, dù chỉ là một chiếc cũng tạo ra hợp đồng hàng trăm triệu USD cho công nghiệp quốc phòng Nga.
Ngắn nhưng không ngán "con chim, mũi tên" nào!
Theo catalogue của Công ty cổ phần Rosoboronexport, S-125-2M Pechora-2M thiết kế để bảo vệ các trung tâm hành chính, căn cứ quân sự trước cuộc tấn công đường không của máy bay (theo ROE thì gồm cả máy bay tàng hình), trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
So với S-125 Pechora, tổ hợp mới có đến 90% thiết bị điện tử mới. Linh kiện hiện đại mức những năm 2000 đáp ứng những yêu cầu hiện đại, từ các vi mạch được dùng trong máy tính điện tử đến màn hình màu tinh thể lỏng hiển thị tình hình không phận.
Radar điều khiển hỏa lực SNR-125 Low Blow nâng cấp với angten UNV-2M mới, cung cấp 2 kênh dẫn hướng riêng biệt cho 4 tên lửa tấn công 2 mục tiêu cùng lúc.
Việc bổ sung thêm kênh dẫn hướng TV và kênh ảnh nhiệt nâng cao khả năng theo dõi và tiêu diệt mục tiêu, cho phép phóng tên lửa tấn công trong trường hợp mất liên lạc với radar điều khiển hỏa lực.
Bệ phóng Pechora-2M của Syria.
Đạn tên lửa của Pechora-2M gồm 5V27D và 5V27DE có tầm bắn ngắn so với nhiều loại tên lửa tầm trung-cao hiện nay - 22km với mục tiêu bay ở trần bay 500m và lên tới 32km với trần bay mục tiêu 5-20km, nhưng được nâng cấp mạnh các phần khác đảm bảo nó đủ sức tiêu diệt mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất.
Cụ thể, nó được trang bị ngòi nổ vô tuyến và đầu đạn phân mảnh mới, được dẫn đường kỹ thuật số và bổ sung kênh truyền hình (TV) và ảnh nhiệt, có thể tấn công mục tiêu trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.
Theo công bố, tên lửa mới có khả năng tiêu diệt máy bay F-16 ở cự ly 30km và các mục tiêu lớn hơn ở cự ly 35km, với tầm cao lên đến 20km. Xác xuất tiêu diệt mục tiêu của tên lửa đạt đến 98%
Đáng chú ý, bệ phóng tên lửa thay vì đặt cố định khi tác chiến thì nay được thiết kế đặt trên khung gầm xe MZKT-8022 với 2 đạn/bệ để tăng khả năng cơ động cũng như giảm thời gian triển khai và thu hồi từ 2-3 giờ xuống còn từ 20-30 phút.
Đây là một yếu tố rất quan trọng trong tác chiến hiện đại, khả năng cơ động cao sẽ tránh được các đòn phản công của đối phương.
Nhìn chung, trên lý thuyết thì S-125-2M Pechora-2M thừa sức bắn hạ mọi loại máy bay hiện đại nhất của Israel gồm cả tiêm kích tàng hình F-35I.
Tính năng là vậy, tuy nhiên yếu tố quyết định thành bại ở đây là con người. Phải lưu ý rằng, Quân đội Syria từ trước đó đã có Pechora-2M nhưng họ sử dụng chưa thành công lắm.
Việc Nga đem Pechora-2M gửi tới Syria lần này xem ra sẽ khác, không loại trừ khả năng các cố vấn của Moscow sẽ trực tiếp có trong cabin điều khiển để cùng hợp tác tác chiến hiệu quả.
Quân đội Syria sử dụng tên lửa S-125-2M Pechora-2M.