Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên: Mạnh nhất, xa nhất, cao nhất, Mỹ rất khó đánh chặn

Trung Phạm |

Đánh giá về vụ phóng thử mới nhất của Triều Tiên, nhiều chuyên gia quốc phòng cho rằng đây là loại tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên ngày hôm nay (29/11) tuyên bố nước này đã phóng thử thành công Hwasong-15, một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ lục địa.

"Đó là ICBM mạnh nhất, đáp ứng mục tiêu hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên" - Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố.

Theo KCNA, tên lửa Hwasong-15 mới "có nhiều ưu điểm hơn về các thông số kỹ thuật cũng như các tính năng kỹ thuật".

Nữ phát thanh viên Triều Tiên Ri Chun-hee còn nhấn mạnh: Tên lửa Hwasong-15 có thể tấn công "toàn bộ lục địa Mỹ" và đủ khả năng mang theo "một đầu đạn siêu lớn".

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Hwasong-15 đã bay xa 950 km trong thời gian 53 phút và đạt tới độ cao 4.475 km, tức gấp 10 lần độ cao của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Hwasong-15 rất khó bị đánh chặn

Bình luận về động thái mới nhất này của Triều Tiên, nhiều chuyên gia quốc phòng cho rằng tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng sáng sớm ngày 29/11 là "loại mạnh nhất từ trước tới nay".

Các chuyên gia này nhấn mạnh, vụ phóng chứng tỏ Bình Nhưỡng đã hội tụ được "sức mạnh và tầm bắn của một chiếc ICBM đầy đủ chức năng", có thể bay hơn 10.000 km và đưa toàn bộ nước Mỹ cũng như phần lớn lãnh thổ trên trái đất vào tầm bắn.

Phát biểu với báo chí ngay sau vụ phóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng phải thừa nhận: Vụ thử chứng tỏ Triều Tiên "về cơ bản có thể đe dọa bất cứ đâu trên thế giới. Tên lửa này bay cao hơn so với bất kỳ tên lửa nào mà Bình Nhưỡng đã thử trước đây".

Nhà vật lý David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu của Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (UCS) đánh giá: "Nếu các số liệu là chính xác, và nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn thay vì quỹ đạo cao hơn bình thường (lofted trajectory) thì quả tên lửa này có thể đạt tầm bắn trên 13.000 km".

Dựa vào thời gian bay và khoảng cách của tên lửa được công bố hôm nay, chuyên gia David Wright cho rằng: "Tầm bắn này xa hơn nhiều so với các vụ thử tên lửa trước đây của Triều Tiên, thường chúng chỉ bay ở quỹ đạo cao hơn bình thường trong 37 phút (vụ phóng ngày 4/7) và 47 phút (vụ phóng ngày 28/7)".

"Một quả tên lửa như vậy sẽ thừa tầm với để vươn tới thủ đô Washington DC, mà thực tế là bất cứ địa điểm nào trên nước Mỹ lục địa", David Wright nhấn mạnh.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên có thể bay bao xa?

Koh Yoo-hwan, Giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên của Đại học Dongguk thì cho rằng: "Vụ phóng thử này có vẻ như Triều Tiên muốn thử nghiệm các công nghệ hồi quyển (re-entry) vì họ đã chứng tỏ được khả năng tấn công bất cứ địa điểm nào ở nước Mỹ lục địa trong các vụ phóng trước đây".

"Họ sẽ phân tích các vụ phóng vào cuối năm nay và có thể tuyên bố hoàn thiện công nghệ trong bài phát biểu đầu năm mới".

Theo KCNA, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố, Triều Tiên "cuối cùng cũng đã hiện thực hóa được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia".

Trong bài viết đăng tải trên tờ Business Insider, biên tập viên quân sự và chính sách đối ngoại Alex Lockie cho rằng: "Thời điểm và tốc độ nhanh chóng của vụ phóng thử lần này cho thấy Triều Tiên đã đặt ưu tiên cho việc luyện tập một vụ tấn công hạt nhân thực thụ vào Mỹ chứ không chỉ là diễn tập".

Trước đây, Mỹ thường phát hiện được công tác chuẩn bị của Triều Tiên cho mỗi lần thử nghiệm nhưng vụ phóng thử lần này diễn ra vào ban đêm dường như đã làm lu mờ đi khả năng này của Mỹ.

"Kiểu phóng như lần này sẽ rất khó cho Mỹ phát hiện hay đánh chặn được", Alex Lockie kết luận.

Video vụ phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên ngày 28/8/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại