Triều Tiên "nghỉ" phóng tên lửa 2 tháng vì binh sĩ bận... thu hoạch nông sản?

QS |

Kết quả quan sát cho thấy trong những năm gần đây, Triều Tiên có xu hướng ít thử tên lửa vào quý 4 của năm.

Hôm nay (29/11), quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa đạn đạo từ tỉnh Nam Pyongan. Các quan chức Hàn Quốc chưa tiết lộ thông tin về loại tên lửa được phóng đi, chỉ cho biết rằng tên lửa di chuyển về phía đông.

Trong khi đó, theo thông báo của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV), Bình Nhưỡng đã phóng thử nghiệm mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất có tên Hwasong-15 và đạt được "thành công mỹ mãn".

Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa gần nhất của Triều Tiên trước thời điểm này đã diễn ra từ giữa tháng 9, tức là cách đây hơn 2 tháng.

Điều này làm dấy lên câu hỏi: Tại sao Triều Tiên lại ngừng thử nghiệm tên lửa trong 2 tháng?

Câu hỏi này càng trở nên bí ẩn khi vào mùa hè năm nay, Triều Tiên vẫn thử tên lửa với nhịp độ dồn dập – 7 vụ phóng từ tháng 7 cho tới cuối tháng 8.

Triều Tiên nghỉ phóng tên lửa 2 tháng vì binh sĩ bận... thu hoạch nông sản? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng tên lửa. (Ảnh: KCNA)

Một số suy đoán cho rằng đó là do nguyên nhân địa chính trị. Có lẽ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ trút "lửa và thịnh nộ" xuống Triều Tiên để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân đã khiến Bình Nhưỡng phải tạm ngừng lại để suy xét về hành động của mình.

Tuy nhiên sau đó, ông Trump lại liệt Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, đồng thời tăng cường thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới để bóp nghẹt nền kinh tế vốn đã chịu nhiều o ép của Triều Tiên. Điều đó khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảm thấy phải đáp trả. Kết quả chính là vụ phóng tên lửa ngày hôm nay.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng có những nguyên nhân "thực tế hơn" để lý giải cho sự im ắng bất thường của Triều Tiên.

Kết quả quan sát cho thấy trong những năm gần đây, Triều Tiên có xu hướng ít thử tên lửa vào quý 4 của năm. Đôi lúc cũng có 1-2 vụ phóng nhưng nhìn chung tần suất thử nghiệm vào cuối năm không dồn dập như các thời điểm trước trong năm.

Shea Cotton, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Monterey (Mỹ) cho biết, Triều Tiên đã đẩy mạnh chương trình thử nghiệm tên lửa vào năm 2014. Mặc dù chững lại một chút trong năm 2015 nhưng nước này đã có bước bật vọt trong năm 2016 với 24 vụ phóng lớn.

Tính đến thời điểm này trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành 19 vụ phóng thử nghiệm. Vụ phóng ngày hôm nay là vụ phóng đầu tiên diễn ra trong quý 4 năm 2017.

Việc Triều Tiên bắt đầu giảm tần suất thử nghiệm tên lửa từ tháng 9 không có gì bất ngờ. Tần suất thử nghiệm trong 3 quý đầu của năm gần như nhau, trung bình từ 4,1-4,8 vụ phóng, được duy trì từ năm 2012. Trong khi đó, tần suất thử nghiệm trung bình trong quý 4 thấp hơn hẳn, chỉ 0.8 vụ.

Việc Triều Tiên thường xuyên "im ắng" vào giai đoạn cuối năm cho thấy nguyên nhân có thể do tác động từ yếu tố bên ngoài và yếu tố này năm nào cũng tái diễn. Theo suy đoán của Cotton, đó là "chu kỳ nông nghiệp".

Thời điểm thu hoạch thường bắt đầu vào tháng 9 hàng năm. Tại Triều Tiên, nguồn nhân lực và nhiên liệu khan hiếm có thể sẽ được ưu tiên cho mùa vụ. Chẳng hạn, binh lính sẽ được điều động để thu hoạch ở các cánh đồng xung quanh căn cứ quân sự.

Theo một số chuyên gia khác, Triều Tiên có thể sẽ khôi phục tần suất thử tên lửa vào tháng Hai năm sau, bởi khi đó, Hàn Quốc tổ chức Olympic mùa đông 2018 tại huyện Pyeongchang, cách biên giới với Triều Tiên chỉ 60 dặm.

Olympic mùa đông 2018 có thể sẽ cho thấy những bước tiến về kinh tế, cũng như mức độ ổn định xã hội của Hàn Quốc so với Triều Tiên. Vì thế, việc phóng đi một vài tên lửa đa tầng ra biển có thể sẽ là cách mà Bình Nhưỡng lựa chọn để phá đám "bữa tiệc" thể thao quốc tế này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ "xử lý vấn đề Triều Tiên" sau vụ phóng tên lửa ngày 29/11/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại