Tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMUR) tiên tiến “Izdeliye 305” (sản phẩm 305). Ảnh tài khoản bmpd.livejournal
Ngày 1/8, truyền thông mạng xã hội Nga đăng 1 video về cuộc tấn công tên lửa chính xác vào chiếc cầu phao, được quân đội Ukraine sử dụng trong một cuộc tấn công vượt sông Inhulets gần khu định cư Velyke Artakove.
Tên lửa LMUR đặc biệt được phát triển cho các máy bay trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52M nâng cấp. Theo những nguồn thông tin mở của Nga, mỗi máy bay trực thăng có thể mang tới 8 tên lửa loại này.
Tên lửa hạng nhẹ đa năng LMUR do Cục Cơ khí Thiết kế Kolomna (KBM) phát triển. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, thiết bị dò tìm quang ảnh nhiệt và liên kết dữ liệu bảo mật hai chiều. Tầm bắn tối đa của tên lửa này khoảng 14,5 km. Tên lửa mang một đầu đạn phân mảnh thuốc nổ mạnh, nặng 25 kg.
Tên lửa độ chính xác cao “Izdeliye 305” phá hủy cầu phao của quân đội Ukraine ở Kherson. Video tài khoản Telegram Sashakots.
Trong tên lửa "Izdeliye 305" lắp đặt 1 thiết bị dò tìm quang ảnh nhiệt 9B-7755, do Viện ZAO MNITI ở Moscow phát triển. Hệ thống định vị bao gồm một máy điều khiển tự động quán tính, một thiết bị đo độ cao bằng vô tuyến, một khí tài thu tín hiệu định vị vệ tinh BNAP-305 với ăng-ten trên đầu tên lửa. BNAP-305 hoạt động liên kết với cả 2 hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga và GPS của Mỹ. 2 trong số bốn cánh ổn định phía sau là ăng-ten liên kết dữ liệu.
Phương pháp sử dụng đơn giản nhất, tên lửa LMUR phóng vào mục tiêu trong tầm nhìn. Trắc thủ - hoa tiêu trong buồng lái của trực thăng thấy được ảnh mục tiêu từ thiết bị dò tìm quang ảnh nhiệt trong khi tên lửa vẫn treo dưới cánh. Trắc thủ khóa mục tiêu, đầu dò tìm sẽ ghi nhớ. Sau khi tên lửa được phóng đi, trực thăng có thể đổi hướng bay, đầu tìm kiếm tên lửa tự động khóa và bám mục tiêu cho đến khi phát nổ (cơ chế bắn - quên).
Theo phương pháp gián tiếp, tên lửa có thể tấn công một mục tiêu khuất tầm nhìn hoặc được ngụy trang kín đáo. Tên lửa bay đến khu vực mục tiêu, điều khiển bằng hệ thống lái tự động quán tính với các hiệu chỉnh định vị vệ tinh.
Hình ảnh địa hình được từ đầu tìm kiếm truyền qua liên kết dữ liệu tới buồng lái trực thăng, trắc thủ hoa tiêu đưa các lệnh dẫn đường truyền trở lại tên lửa. Hoa tiêu trực thăng quan sát ảnh địa hình, chọn mục tiêu và chỉ điểm cho tên lửa. Trắc thủ có thể thay đổi mục tiêu hoặc hủy bỏ.
Trong một số video cho thấy, khi sử dụng LMUR, phi công chỉ định chuyển mục tiêu chuyển từ một tòa nhà này sang tòa nhà khác vài giây trước khi tên lửa đánh trúng mục tiêu.
Trực thăng liên kết với tên lửa bằng thiết bị AS-UAV (Thiết bị liên lạc trên máy bay không người lái) do văn phòng thiết kế Công ty Cổ phần KB Luch ở Rybinsk phát triển với nhiều phiên bản khác nhau. Liên kết dữ liệu hai chiều hoạt động trên băng tần S (dải tần 2-4 GHz; bước sóng 7,5-15 cm), có thông lượng 5,4 Mbps và tầm bắn 31 dặm (50 km).
Trên trực thăng Ka-52M, thùng chứa hệ thống điều khiển treo dưới cánh ngắn bên trái. Đối với trực thăng Mi-8MNP-2, ăng-ten kênh vô tuyến đặt trong phần lồi mũi trực thăng. Trực thăng Mi-28NE (xuất khẩu) cũng lắp đặt tương tự.
Phiên bản dành cho trực thăng Mi-28NM, ăng ten không lắp đặt ở phần mũi, hệ thống điều khiển được lắp đặt trong một thùng container tương tự như loại treo trên Ka-52M.
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các video cho thấy LMUR chỉ tấn công các mục tiêu cố định như trận địa phòng ngự bộ binh, trung tâm chỉ huy và kho vũ khí. Nhưng tên lửa cũng có thể tấn công các mục tiêu mặt đất đang cơ động di chuyển với độ chính xác cao.
LMUR mới bắt đầu sản xuất dây chuyền vào năm 2021, hiện chỉ có một số lượng giới hạn trực thăng nâng cấp có thể phóng tên lửa này. Trên cơ sở hiệu quả tác chiến, Nga đang mở rộng sử dụng loại tên lửa này, sẽ trở thành vũ khí trang bị chính cho những trực thăng tấn công của Nga.