Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Tên lửa Kinzhal là một loại hỏa tiễn phóng từ máy bay và vì vậy chúng ta cần phải nhìn vào khả năng của chúng khi được trang bị trên các loại máy bay khác nhau.
Đối với Tu-22M3, tầm gây sát thương của tên lửa tối đa sẽ là trên 3.000 km, bao gồm tầm hoạt động tối đa của máy bay và tầm bắn của tên lửa”. Đối với MiG-31, tầm bắn của tên lửa được các chuyên gia xác định là 2.000 km nếu được trang bị cho loại phi cơ này.
Thực tế, theo một số báo cáo tình báo của Mỹ, loại vũ khí này mới đây được thử nghiệm đối với một mục tiêu có tầm bắn vào khoảng 805 km. Điều này cũng là dễ hiểu khi Kinzhal được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo Iskander, có tầm bắn 500 km.
Thêm vào đó, trái với tuyên bố của Nga rằng Kinzhal được thử nghiệm hơn 250 lần, báo cáo của Mỹ nói rằng con số này chỉ là khoảng vài chục lần.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tu-22M3 có thể triển khai được tên lửa Kinzhal hay không bởi nó không nhanh và không bay cao được bằng MiG-31.
Tướng không quân Nga đã nghỉ hưu Mikhail Oparin cho biết: “MiG-31 có thể đạt tốc độ siêu thanh cao hơn Tu-22M3 nhưng lúc này khi việc thử nghiệm tên lửa trên một máy bay có tầm hoạt động rộng trở thành hiện thực, chúng ta phải tiến hành nó. Điều này sẽ có thể nâng cao khả năng chiến đấu của không quân Nga”.
Mặc dù việc trang bị Kinzhal cho Tu-22M3 sẽ rất hữu ích cho không quân Nga, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại rằng Tu-22M3 sẽ không thể giúp tên lửa tăng tốc độ tối đa. Với tốc độ Mach 1.88, vận tốc của nó không bằng MiG-31 khi nó có thể đạt tốc độ Mach 2.35 (cho dù đã mang theo tải trọng tối đa) và độ cáo tối đa mà MiG-31 có thể đạt được là vào khoảng 20.500 m.
Nga khẳng định rằng tên lửa Kinzhal gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện nay nhờ khả năng xoay trở linh hoạt sau khi được phóng đi. Thêm vào đó, Moscow cho biết tên lửa này cũng có thể công kích nhiều loại mục tiêu khác nhau.
“Đây là một loại vũ khí chính xác được lắp đặt các công nghệ hỗ trợ tác chiến, giúp nó có thể công kích các mục tiêu cố định và di động. Cụ thể, tàu sân bay và các tàu chiến hạng nặng, tàu khu trục sẽ là những mục tiêu mà tên lửa này có thể phá hủy”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Yuri Borisov cho biết.
Theo một số nguồn tin, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cho thử nghiệm tên lửa Kinzhal trên máy bay Tu-22M3 trong thời gian tới. Với tầm bắn trên 1.200 hải lý và tốc độ tối đa là Mach 10, Kinzhal sẽ nâng cao khả năng oanh kích của oanh tạc cơ này, cho phép nó có thể tập kích các mục tiêu trên đất liền và trên biển tại Châu Âu, Trung Đông, Châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Mặc dù các chuyên gia phương Tây lo ngại về mức độ sẵn sàng hoạt động của tên lửa Kinzhal vào lúc này, song Nga khẳng định rằng tên lửa này đã có thể được dùng trên máy bay MiG-31K. Moscow cho biết các phi công MiG-31 đã tiến hành 250 chuyến bay huấn luyện với loại tên lửa mới này.