Sarmat - tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất mới nhất của Nga có thể bay qua Cực Bắc và Cực Nam cũng như theo các hướng khác, Thượng tướng Sergei Karakaev - chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga cho hay.
"Do tỷ lệ công suất trên trọng lượng của hệ thống tên lửa mới này, hướng đi của nó có thể thay đổi. Từ hướng qua Cực Bắc nếu cần thiết nó có thể chuyển theo hướng qua Cực Nam và về nguyên tắc thì hiện nay, nó không thể bị ngăn chặn. Ngoài ra, tên lửa này cũng có khả năng di chuyển theo những hướng khác khi được phóng vào không gian", ông Karakaev nhận định trên kênh truyền hình Zvezda.
Ảnh minh họa: Sputnik
Ông cũng cho biết, trong hàng thập kỷ qua, hầu như không có bất kỳ hệ thống nào đánh chặn được tên lửa Sarmat.
"Hiện nay, không tồn tại hệ thống phòng không ngăn chặn tên lửa Sarmat và có lẽ cũng sẽ không có hệ thống như vậy trong những thập kỷ tới".
Ông cũng tiết lộ một trong những lý do khiến tên lửa Sarmat khó bị đánh chặn là trong khi nó sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng thì nó có thể tăng tốc với vận tốc nhanh như các động cơ tên lửa nhiên liệu rắn hạng nhẹ. Nga đã thử nghiệm tên lửa Sarmat năm nay và quân đội sẽ bắt đầu nhận được các tên lửa này vào mùa thu năm 2022, Dmitry Rogozin, người đứng đầu tập đoàn vũ trụ do nhà nước điều hành Roscosmos cho hay.
Hơn nữa, theo ông Sergei Poroskun, phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược, tên lửa Sarmat sẽ phục vụ trong quân đội ít nhất 50 năm nữa.
"Đây là một hệ thống tên lửa đầy hứa hẹn sẽ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong 50 năm nữa", ông Poroskun nhận định.
Vào cuối tháng 4, Roscosmos cho biết tập đoàn này có kế hoạch bắt đầu triển khai hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga vào mùa thu này.
Sarmat là một hệ thống tên lửa lớn với tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu lỏng nặng 200 tấn. Hệ thống này được thiết kế để thay thế các tên lửa Voevoda của Nga, còn được gọi là Satan. Roscosmos cũng có kế hoạch sản xuất 46 tên lửa Sarmat nhằm đáp ứng các nhu cầu của quân đội Nga./.