Tên lửa của Triều Tiên nguy hiểm và khiến các nước lo lắng tới mức nào?

Bảo Lam |

Việc Triều Tiên sở hữu các tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân khiến các nước phải nghiêm túc và gấp rút xem xét lại những nguyên tắc xây dựng các hệ thống phòng thủ.

Học thuyết quân sự của Triều Tiên cũng như chính sách đối ngoại cô lập và cách hành xử cứng rắn đối với những nước láng giềng đã nhiều lần gây lo ngại và sự tranh cãi gay gắt.

Đáng tiếc, phương thức đối thoại ngoại giao truyền thống trong bối cảnh này gần như không thể thực hiện được, hậu quả là hàng loạt các nước tăng cường sử dụng chính sách trừng phạt trong nhiều năm qua.

Căn cứ vào đặc điểm quản lý nhà nước, việc thường xuyên thực hiện các chiến dịch tuyên truyền cũng như thường xuyên tăng cường tiềm lực quân sự, phát triển tích cực chương trình hạt nhân của mình, Triều Tiên khiến cộng đồng thế giới phải quan ngại.

Lần phóng thành công và phản ứng của thế giới

Thông thường, trong bối cảnh bị quốc tế cô lập và tình hình kinh tế khó khăn, các chuyên gia Triều Tiên không thể chế tạo các loại vũ khí thực sự có khả năng vượt qua được hệ thống phòng không của đối thủ tiềm tàng mà không sử dụng những công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm ngày 12/2 vừa qua cho thấy khả năng chiến đấu khá cao của những nguyên mẫu tên lửa đạo đạo xuyên lục địa. Như các chuyên gia nhận định, trên lý thuyết, bán kính hoạt động của tên lửa mới được thử nghiệm có thể đạt tới mức tối đa 2.000 km. Ngoài ra, nó có thể trang bị cả đầu đạn hạt nhân.

Đặc điểm không kém phần quan trọng đó là lần phóng được thực hiện từ bệ phóng cơ động bánh xích – điều thực sự gây khó khăn cho việc đánh chặn nó.

Tên lửa của Triều Tiên nguy hiểm và khiến các nước lo lắng tới mức nào? - Ảnh 1.

Tên lửa đất đối đất của Triều Tiên tham gia duyệt binh.

Đương nhiên, hiện nay chưa có bất cứ thông tin đáng tin cậy nào về khả năng của loại vũ khí này có thể vượt qua được hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Và khả năng thực hiện được nhiệm vụ này có thể phức tạp gấp nhiều lần hơn là chế tạo tên lửa.

Tuy nhiên, sự phát triển vũ khí nhanh chóng của Triều Tiên khiến chúng ta ngay từ bây giờ có thể dự đoán về sự xuất hiện thêm một cường quốc hạt nhân đúng nghĩa.

Diễn biến tình hình này đi ngược với nhiều hiệp ước quốc tế, khiến Hội đồng bảo an LHQ phải tổ chức họp phiên bất thường do Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khởi xướng. Hiện vẫn chưa rõ những cơ chế nào sẽ được lựa chọn để giải quyết vấn đề này bởi vì không có đòn bẩy ngoại giao hiện hành nào.

Cho đến nay, những lần phóng thử nghiệm thành công nhất liên quan tới các tên lửa tầm trung không đe dọa phần lớn các quốc gia. Những nỗ lực nhằm có được tên lửa tầm xa đều chấm dứt bằng sự thất bại.

Từ giờ, việc sở hữu các tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân không chỉ khiến các nước phải xem xét lại những nguyên tắc xây dựng các hệ thống phòng thủ, mà có thể, phải nhìn nhận cả ý kiến của Triều Tiên trên cấp độ quốc tế.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trước tiên là tối thiểu hóa những rủi ro tiềm ẩn đối với các nước láng giềng cũng như chuyển phương thức giải quyết vấn đề này sang lĩnh vực ngoại giao.

Theo ý kiến của chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị Nga, Đại tướng Leonid Ivashov, các tên lửa đạn đạo từng được thử nghiệm không hề gây ra bất cứ mối hiểm họa nào đối với Nga.

Theo ông, bước đi hợp lý duy nhất đó là giành cho Triều Tiên sự đảm bảo chủ quyền và an ninh toàn diện từ phía Trung Quốc, Mỹ và Nga để triển khai đối thoại hợp pháp và mang tính xây dựng.

Mong muốn áp đặt các điều kiện hoặc khả năng phòng thủ chiến lược?

Ban lãnh đạo Triều Tiên, chắc chắn, sẽ xem xét việc sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng chiến đấu như một sự đảm bảo duy nhất cho an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh những tuyên bố hung hăng của hàng loạt các nhà hoạt động quân sự.

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Hàn Quốc, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã đưa ra tuyên bố về khả năng thực hiện "cuộc tấn công hủy diệt" nhằm vào Bình Nhưỡng nếu như các nghiên cứu quân sự vẫn tiếp tục được triển khai.

Trong bối cảnh những tuyên bố như vậy được đưa ra từ các quan chức quân sự cấp cao của một trong những quốc gia hàng đầu thế giới, nói một cách nhẹ nhàng, chính sách khó lường của Bình Nhưỡng không quá mức hung hăng như phương Tây thường chỉ trích.

Tên lửa của Triều Tiên nguy hiểm và khiến các nước lo lắng tới mức nào? - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo Pukkuksong-2 của Triều Tiên.

Anthony Rujero, một chuyên gia về những biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ, đã đề xuất loại bỏ Triều Tiên ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế, cũng như thắt chặt kiểm soát đối với những tổ chức có mối quan hệ hợp tác với quốc gia này.

Đó, tất nhiên, là những biện pháp khá cực đoan, nhưng không nên quên rằng Bình Nhưỡng đã nhiều năm nằm dưới sức ép của nhiều loại biện pháp trừng phạt khiến họ phải xây dựng một mô hình kinh tế chuyên biệt.

Ý kiến này cũng được giáo sư Đại học Tổng hợp Moscow Andrei Manoylo ủng hộ khi ông này lấy ví dụ của Iran, quốc gia cũng bị loại khỏi hệ thống SWIFT nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.

Theo lời của ông Manoylo, không nên quên mối quan hệ hợp tác thân thiết của Triều Tiên với Trung Quốc, quốc gia sẽ giúp cho nền kinh tế đứng vững.

Ngoài ra, như thực tiễn cho thấy, lý do để áp dụng các biện pháp trừng phạt rất dễ tìm thấy, nhưng để bãi bỏ, các nước đưa ra sáng kiến trừng phạt có thể sẽ yêu cầu nhiều hơn những gì họ nêu ra ban đầu.

Liên quan tới khả năng chiến đấu thực thụ thì các chuyên gia có tầm đều nghi ngờ. Vấn đề ở chỗ Bình Nhưỡng đã nhiều lần tuyên bố sở hữu những loại vũ khí mà trên thực tế họ không hề có.

Theo những tuyên bố của các chuyên gia Triều Tiên, ngoài lần phóng thành công gần đây nhất với khoảng cách tới mục tiêu là 500km, trong quá trình thử nghiệm đã tiến hành thành công cả những bài kiểm tra về khả năng tránh được các hệ thống đánh chặn. Có nghĩa là cần phải đoán xem họ đề cập tới những hệ thống nào.

Ngoài ra, vẫn còn chưa rõ tại sao lại lựa chọn mục tiêu ở khoảng cách không xa như thế để thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa? Hàng loạt các chuyên gia cũng đưa ra phỏng đoán rằng lần phóng đã thất bại và ban đầu mục tiêu kế hoạch xa hơn nhiều.

Việc những tính năng của tên lửa bị thổi phồng được chứng minh bằng việc không chỉ tình báo quân sự nắm được thông tin về cuộc phóng thử nghiệm mà còn từ những tuyên bố chính thức của các đại diện nhà nước Triều Tiên.

Ngoài ra, các lần thử nghiệm thành công và quá trình ứng dụng thực tế là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, cho nên việc sở hữu nguyên mẫu hiện có, mà khó có khả năng vượt qua được các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại, vẫn chưa đưa năng lực quốc phòng của Bình Nhưỡng lên một tầm cao mới.

Căn cứ vào những điều ở trên sẽ xuất hiện một câu hỏi về mục tiêu của Triều Tiên khi thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào sự kiện nêu trên.

Nếu làm lý do để áp dụng tiếp các biện pháp trừng phạt thì sự kiện này hoàn toàn phù hợp, nhưng làm công cụ thực sự của chính sách gây áp lực đối ngoại thì vài quả tên lửa phóng thử nghiệm với những tính năng đáng ngờ khó có thể giúp cho Bình Nhưỡng đạt được mục đích.

Nhiều khả năng, "những thành tựu" kiểu này sẽ củng cố đáng kể quyền lực của ban lãnh đạo bên ở trong nước, nhưng những hậu quả gây ra có thể làm mất đi hiệu ứng cần thiết.

Liên quan tới sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc thì đối với Bình Nhưỡng ở đây mọi thứ không đơn thuần chỉ có vậy bởi vì lợi ích kinh tế của Bắc Kinh từ việc hợp tác với những quốc gia trung bình là không lớn.

Tất cả đều biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã lên án hành động của Triều Tiên và cam kết sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả cương quyết, trong khuôn khổ chiến dịch vận động bầu cử từng hứa sẽ đưa hoạt động sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ.

Tên lửa của Triều Tiên nguy hiểm và khiến các nước lo lắng tới mức nào? - Ảnh 3.

Tên lửa của Triều Tiên.

Và lý do để hành động một cách tích cực theo hướng này có thể chính là sự từ chối tham gia vào các biện pháp trừng phạt mới từ phía Bắc Kinh. Cho nên những mối quan hệ kinh tế đối ngoại hiếm hoi của Bình Nhưỡng hiện đang bị đe dọa.

Mối hiểm họa thực sự đó là đối với Hàn Quốc, quốc gia láng giềng và nếu không có sự hỗ trợ cần thiết của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự thì Seoul khó có thể chường mặt đối đầu quân sự với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, với tất cả sự cương quyết của mình, ban lãnh đạo Triều Tiên nhận thức rất rõ rằng một cuộc tấn công chính xác chỉ khiến cho lực lượng quân sự quốc tế đưa quân tới can thiệp và hậu quả là không còn đất nước Triều Tiên như hiện nay.

Tóm lại, nói về sự nguy hiểm khi sử dụng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân từ phía Triều Tiên là quá sớm.

Nhiều khả năng, dù đang bị áp dụng các biện pháp trừng phạt, hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm sẽ vẫn tiếp tục diễn ra cho tới khi ra được mẫu vũ khí có năng lực chiến đấu thực sự.

Bởi vậy, các biện pháp hiệu quả nhất hiện giờ đó là triển khai các hệ thống phòng thủ cũng như thúc đẩy đối thoại ngoại giao mang tính xây dựng trên cơ sở cùng nhượng bộ của các bên liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại