The South China Morning Post (SCMP) ngày 27-11 cho biết các nguồn tin quân đội Trung Quốc tiết lộ tiến độ đóng tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc đang bị chậm lại vì căng thẳng với Mỹ và cải tổ quân đội đã khiến ngân sách bị ảnh hưởng.
Thông tin trên nổi lên chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh xác nhận đang đóng tàu sân bay tự chế thứ hai và là tàu sân bay thứ 3 của nước này.
Tân Hoa Xã hôm 25-11 nói rằng "tàu sân bay thế hệ mới Type 002" của nước này đang trong quá trình hoàn thiện. Giới chuyên gia quân sự dự đoán con tàu sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc vào ngày 1-10-2019, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tàu sân bay Type 001A - tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Theo SCMP, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ được tích hợp công nghệ hiện đại nhất như hệ thống phóng điện từ (EMALs) cùng loại với hệ thống của tàu sân bay năng lượng hạt nhân của Mỹ USS Gerald Ford. EMALs sẽ cho phép triển khai thêm nhiều máy bay hơn từ tàu sân bay trong thời gian ngắn hơn.
Tuy nhiên, nguồn tin quân sự tiết lộ tiến độ đóng tàu Type 002 đã chậm lại đáng kể vì ngân sách cắt giảm, chi phí gia tăng liên quan tới máy bay J-15 (máy bay chính trên tàu sân bay này).
"Cho tới nay Trung Quốc vẫn thất bại trong việc phát triển một chiến đấu cơ trên sân bay tân tiến và mạnh mẽ hơn để phù hợp với tàu sân bay Type 002"- một nguồn tin hải quân Trung Quốc cho biết.
Trước đó, SCMP từng đưa tin Bắc Kinh đang phát triển chiến đấu cơ hoạt động trên sân bay để thay thế J-15, vốn xảy ra hàng loạt sự cố và thường xuyên gặp tai nạn. Tất cả chiến đấu cơ J-15 của nước này từng được lệnh cấm bay trong 3 tháng sau vụ tai nạn máy bay chết người năm 2016.
"Một vấn đề nữa làm chậm tiến trình đóng tàu Type 002 là tuổi thọ quá ngắn của động cơ J-15 dù cho chiến đấu cơ này ngày nay được trang bị thêm các động cơ WS-10H Taihang tiến bộ hơn"- một nguồn tin từ dự án đóng tàu sân bay Type 002 nói với SCMP.
Động cơ mới giúp tăng giờ bay từ 800 lên 1.500, nhưng vẫn khá lép vế so với động cơ F414 của General Electric, sử dụng trên tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet. Động cơ này giúp máy bay Mỹ duy trì hoạt động liên tục tới 4.000 giờ.
"Động cơ Trung Quốc hoạt động kém bền bỉ, phải thay thế nhiều hơn, tiêu tốn nhiều chi phí hơn"- nguồn tin nói.
Tuổi thọ quá ngắn của động cơ J-15 cũng cản chân tàu sân bay mới của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Theo kế hoạch, Bắc Kinh muốn có 4 tàu sân bay nội địa vào năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể thay đổi vì những khó khăn liên quan đến ngân sách và nhiều cắt giảm các ban ngành từ cuộc cải tổ quân sự chưa từng có tiền lệ. Các yếu tố về kinh tế và chính trị khác cũng đe dọa kế hoạch tham vọng này của Trung Quốc.
"Một công ty đóng tàu khác lẽ ra đã có kế hoạch đóng một tàu sân bay Type 002 nữa – tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc, vào những ngày gần đây nhưng kế hoạch đó đã bị hoãn lại…vì căng thẳng trong thương mại với Mỹ"- nguồn tin nói trên SCMP.
"Bắc Kinh không muốn chọc giận Washington hơn nữa, bởi nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại kể từ khi hai nước bắt đầu tranh chấp thương mại".
Nguồn tin Hải quân nói rằng Trung Quốc nhận thức rất rõ nước này vẫn còn đi sau Mỹ rất xa Mỹ trong lĩnh vực này khi Hải quân Mỹ hiện có 11 nhóm tác chiến tàu sân bay và có thể huy động 8 tàu chiến đấu vào bất cứ thời điểm nào.