Ăn đứt tàu Ấn Độ và Nhật
Mạng quân sự Sina của Trung Quốc ngày 3/9 đã đăng tải loạt ảnh chụp tháp chỉ huy của tàu sân bay Type 001A đang được nhà máy Đại Liên chế tạo đã được gắn kết thành công vào phần thân chính.
Ngay trước thời điểm những bức ảnh này được công khai, Tạp chí Kanwa Defense Review (tiếng Trung) dẫn lời quan chức quốc phòng cấp cao của Trung Quốc khẳng định, tàu sân bay Type 001A nước này đang phát triển mạnh hơn rất nhiều tàu Izumo của Nhật và Vikramaditya của Ấn Độ.
Mặc dù khẳng định như vậy nhưng vị quan chức này lại không hề tiết lộ bất cứ thông tin nào về thế hệ tàu sân bay nội địa nước này đang phát triển.
Cùng với đó, vị quan chức này tỏ ra khá tự tin cho rằng tàu khu trục Type 052D trang bị tên lửa hành trình có thể mang lại khả năng phòng thủ tốt hơn cho Liêu Ninh so với những gì tàu khu trục của Ấn Độ có thể làm với Vikramaditya, mặc dù, Ấn Độ cũng vừa mua những tên lửa phòng không tiên tiến từ Israel cho những tàu chiến của mình.
Trung Quốc còn tin rằng chiến đấu cơ J-15, hoạt động trên tàu sân bay Trung Quốc, sẽ vượt trội hơn MiG-29 của Ấn Độ. Ngoài ra, hiện Trung Quốc còn đang nghiên cứu khả năng vận hành máy bay tiêm kích tàng hình J-31 trên các tàu sân bay của mình trong tương lai.
J-15 vẫn đang tiến hành thử các loại vũ khí trên tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm khả năng phóng các tên lửa không đối không tầm trung PL-12, tên lửa không đối không tầm gần PL-8B và tên lửa chống hạm YJ-83.
Nhiều thông tin còn chỉ ra rằng Trung Quốc đang phát triển hệ thống tác chiến điện từ và phiên bản tiếp nhiên liệu trên không cho J-15 và đã chế tạo khoảng 35 mẫu máy bay này trong năm 2015.
Theo những thông tin Trung Quốc tuyên bố, thì ngay cả tàu sân bay Liêu Ninh cũng tỏ ra rất mạnh khi hoàn thiện những thử nghiệm đang tiến hành. Nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia quốc phòng, dù tàu sân bay Trung Quốc thực sự mạnh thì ‘tính mạng’ con tàu này rất có thể bị định đoạt bởi loạt tên lửa chống hạm của Nhật Bản và Đài Loan.
Vòng vây diệt hạm
Mối nguy hiểm đầu tiên là tổ hợp tên lửa chống hạm Type 12 của Nhật Bản. Theo những gì được tiết lộ, Type 12 sử dụng tên lửa đối hạm SSM-1 nâng cấp và có thể đánh chìm bất cứ chiến hạm nào kể cả tàu sân bay chỉ với một phát bắn.
Tên lửa đối hạm SSM-1 có trọng lượng 650 kg, dài 5 m, đường kính 35 cm, mang đầu đạn nặng 270 kg. Tên lửa trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn, cho phép nó bay với tốc độ 1.150 km/h.
Với tầm phóng gần 300 km, đầu đạn nặng 270 kg, cùng với độ chính xác và khả năng dẫn đường cao hơn so với Type 88, Type 12 sẽ cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật khả năng chống hạm rất mạnh, có khả năng phong tỏa toàn bộ các eo biển, chặn đường tàu chiến Trung Quốc ra vào khu vựa tranh chấp.
"Sát thủ" tiếp theo đối với tàu sân bay Trung Quốc là tên lửa chống hạm Hùng phong 3 của Đài Loan. Đây là loại tên lửa chống hạm có tầm bắn tới 400 km, đạt tốc độ Mach 3 và có độ chính xác rất cao.
Theo ông Chiang Wu-ying – Phó Giám đốc dự án nghiên cứu tên lửa này cho biết: "Tốc độ của Hùng Phong 3 là quá nhanh và quá khó để có thể chống cự lại với nó". Hùng phong 3 có thể bắn chìm tàu chiến hạng nặng, tàu sân bay hạng trung chỉ với một phát bắn duy nhất.