Tàu sân bay duy nhất ĐNÁ của Thái Lan "chết lâm sàng": Sở hữu 2 kỷ lục thế giới?

Chỉ Nhàn |

Vung cả núi tiền mua tàu sân bay, thế nhưng suốt hàng chục năm sử dụng, hàng không mẫu hạm "độc nhất" Đông Nam Á của Thái Lan hầu như chỉ nằm tại cảng cho người dân thăm quan.

Tàu sân bay hay còn gọi là hàng không mẫu hạm là một loại tàu chiến đặc biệt được thiết kế để triển khai và thu hồi máy bay, nó giống như một căn cứ không quân nổi trên biển.

Bấy nhiêu thông tin thôi cũng đủ thấy rằng việc sở hữu và vận hành tàu sân bay là không dễ, kể từ khi ra đời cho tới nay, các quốc gia sở hữu tàu sân bay chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Và thường đó là những quốc gia có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới.

Dẫu vậy, vẫn có một ngoại lệ, tháng 3/1997, Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sở hữu tàu sân bay - HTMS Chakri Naruebet (CVH-911).

Sự kiện đó lúc bấy giờ được xem là gây sự chú ý giới quân sự châu Á và thế giới, vì cùng thời điểm này các "anh lớn" Trung Quốc, Nhật, Hàn không có tàu sân bay. Cả châu Á, chỉ có Ấn Độ có kinh nghiệm vận hành một chiếc tàu cũ nát mua từ Anh – INS Viraat.

Độc - rẻ - nhỏ nhất

Ngoài việc là tàu sân bay độc nhất ở Đông Nam Á, khi đó HTMS Chakri Naruebet còn sở hữu "hai kỷ lục thế giới" là hàng không mẫu hạm rẻ nhất hành tinh.

Đầu năm 1992, chính phủ Thái Lan khi đó đã đặt hàng Tây Ban Nha. Con tàu được khởi đóng tháng 7/1994, hạ thủy ngày 20/1/1996 và chính thức biên chế ngày 27/3/1997. Chi phí chế tạo tàu chỉ mất khoảng 336 triệu USD - rẻ hơn rất nhiều so với các tàu sân bay của Mỹ, Anh, Pháp hay Nga.

Tất nhiên "tiền nào thì của ấy", chi phí ít thì dĩ nhiên Chakri Narubet sẽ không thể to lớn và hiện đại. Nó chỉ có lượng giãn nước tương đương với một tuần dương hạm Slava của Nga, 11.486 tấn, dài 182,65m, chiều dài mặt boong khoảng 174m với thiết kế kiểu cầu nhảy để máy bay cất cánh.

Con tàu cũng không có động cơ hạt nhân mà thay vào đó là động cơ tuabin khí kết hợp diesel cho tốc độ tối đa 25 hải lý/h, dự trữ hành trình lên tới 19.000km ở tốc độ trung bình 12 hải lý/h.

Với kích thước như vậy, không có gì lạ khi khả năng chuyên chở máy bay của con tàu chỉ giới hạn 10-15 chiếc tùy loại. Ví dụ nếu mang trực thăng, nó có thể chở hơn 10 chiếc, còn nếu mang theo máy bay chiến đấu thì số lượng giảm xuống.

Tàu sân bay duy nhất ĐNÁ của Thái Lan chết lâm sàng: Sở hữu 2 kỷ lục thế giới? - Ảnh 1.

Hình ảnh hiếm hoi tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet với hai loại máy bay chủ lực trên boong.

Để phục vụ cho Chakra Naruebet, Bangkok "chịu chơi" mua 9 máy bay chiến đấu phản lực AV-8S Matadors của Tây Ban Nha. Đây là loại máy bay cường kích có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng - rất phù hợp với đường băng của Chakri Naruebet.

Tuy nhỏ bé, nhưng nói chung Hải quân Thái Lan khi đó tha hồ "phổng mũi" trước các nước láng giềng khi từ nay các hoạt động của họ có sự hiện diện tàu sân bay - thứ vũ khí mơ ước với phần lớn các quốc gia có biển trên thế giới.

Với con tàu này, họ có thể có được sự hỗ trợ tốt nhất trong các chiến dịch đổ bộ đường biển, tuần tra bảo vệ bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế Thái Lan, tham gia các hoạt động cứu trợ thảm họa.

Làm tàu sân bay 1 ngày, du thuyền cả năm

Tuy nhiên, "niềm vui chẳng tày gang", mới "chân ướt chân ráo" vào Hải quân Thái Lan, Chakri Naruebet đã hứng chịu thiệt hại cùng với quốc gia này - khủng hoảng kinh tế châu Á 1997.

Cuộc khủng hoảng tác động mạnh tới nền kinh tế đang đà tăng trưởng của Thái Lan, khiến ngân sách phục vụ hoạt động của tàu sân bay chịu ảnh hưởng.

Lúc bấy giờ, ngân sách chỉ đáp ứng được cho tàu sân bay "độc nhất" Đông Nam Á hoạt động mỗi tháng duy nhất 1 ngày, thời gian còn lại là để "khai thác tour du lịch" kiếm tiền.

Tình hình tồi tệ tới mức, giới chuyên gia hải quân coi Chakri Naruebet là "một trong những du thuyền hoàng gia lớn và đắt nhất thế giới" hơn là tàu sân bay. Truyền thông Thái Lan thì mỉa mai nó là "Thai-tanic".

Tàu sân bay duy nhất ĐNÁ của Thái Lan chết lâm sàng: Sở hữu 2 kỷ lục thế giới? - Ảnh 3.

Chakri Naruebet dành phần lớn sự nghiệp ở quân cảng Sattahip.

Dĩ nhiên, không hẳn Chakri Naruebet không có hoạt động nào suốt 22 năm phục vụ. Ví dụ như vào tháng 11/1997, con tàu được huy động cho nhiệm vụ khắc phục thảm họa thiên nhiên sau siêu bão Linda.

Tháng 11/2000, con tàu được sử dụng như là căn cứ di động để cho các trực thăng và tàu thuyền nhỏ vận chuyển lương thực thuốc men cứu trợ người dân tỉnh Songkhla bị lũ lụt.

Trong thảm họa động đất, sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, con tàu được triển khai cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Đó là chưa kể, nó cũng góp mặt trong các cuộc tập trận PASSEX, CARAT, Cobra Gold một số năm.

Dẫu vậy, chừng ấy hoạt động cũng cho thấy rằng việc chi hơn 300 triệu USD và hàng trăm triệu nữa phục vụ việc mua sắm máy bay, trang thiết bị, chi phí vận hành và đào tạo nhân lực cho thấy Chakri Naruebet là khoản đầu tư phí phạm của Thái Lan.

Bây giờ nó là thứ gì?

Thậm chí, sau 22 năm phục vụ trong Hải quân Thái Lan, đến bây giờ khi kinh tế quốc gia này đã khả quan hơn thì vai trò tàu sân bay của HTMS Chakri Naruebet ngày càng mờ nhạt.

Một trong những điều khiến Chakri Naruebet như "mất khả năng làm tàu sân bay" là sau sự kiện Hải quân Thái Lan loại biên chế toàn bộ 9 máy bay cường kích AV-8S Matadors vào năm 2006.

Tàu sân bay duy nhất ĐNÁ của Thái Lan chết lâm sàng: Sở hữu 2 kỷ lục thế giới? - Ảnh 4.

AV-8S Matador tại bảo tàng.

Nhắc tới loại máy bay này, nó cũng là thứ vũ khí đáng tiếc nhất "chết" cùng với tàu sân bay "Thai-tanic" năm 1997. Do thiếu kinh phí dẫn tới việc không thể mua phụ tùng thay thế khiến cho 8/9 chiếc dừng hoạt động vào năm 1999 dù vẫn nằm trong biên chế.

Năm 2003, ban lãnh đạo Hải quân Thái Lan cố gắng mua một vài chiếc Sea Harrier FA2 của Anh nhưng cũng không thành. Do đó, 3 năm sau, Chakri Naruebet chính thức không còn phi đội máy bay phản lực.

Từ đó đến nay, mỗi lần ra biển, Chakri Naruebet thường chỉ mang theo cái boong trống rỗng hoặc quá lắm vài chiếc trực thăng SeaHawk.

Có thể với nhiệm vụ tuần tra, cứu hộ cứu nạn, HTMS Chakri Naruebet vẫn đáp ứng tốt, nhưng trong vai trò chiến đấu là một vấn đề lớn.

Ví dụ các chiến dịch đổ bộ đường biển, việc thiếu vắng máy bay phản lực khiến khả năng chi viện đường không với Hải quân Thái Lan không còn.

Việc sắm vai "tàu đổ bộ" cũng không mấy phù hợp, các binh sĩ chỉ có thể không vận vào bờ bằng vài chiếc trực thăng.

Đó là chưa kể, Hải quân Thái Lan khi mua tàu sân bay cũng chưa bao giờ tổ chức thành hình biên đội tác chiến hoàn chỉnh. Các tàu chiến của nước này suốt nhiều năm đều được đánh giá kém ở khả năng phòng không.

Thế nên, nếu phải đối phó với lực lượng đối địch có không quân mạnh thì HTMS Chakri Naruebet chẳng khác nào "bia di động" trên biển.

Nói chung, dù chưa bao giờ thừa nhận nhưng có thể khẳng định rằng HTMS Chakri Naruebet là khoản đầu tư thất bại với Hải quân Thái Lan, là thứ vũ khí vô dụng không hơn không kém.

Và đó cũng là bài học với lớp lãnh đạo nói chung của quân đội, chính phủ Thái Lan cũng như nhiều quốc gia khác khi nghiên cứu mua sắm trang bị vũ khí.

Trực thăng Super Lynx 300 hạ cánh trên tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại