Báo chí Trung Quốc mới đây đã loan tin rằng, nước này vừa cho triển khai ở miền Tây Bắc loại tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay".
Theo kênh truyền hình nhà nước CCTV thì hệ thống tên lửa đạn đạo được triển khai là loại DF-26, địa điểm bố trí vũ khí này nằm ở vùng cao nguyên và sa mạc miền Tây Bắc Trung Quốc.
Với tầm bắn lớn, ngay cả khi được phóng đi từ các khu vực nằm sâu trong đất liền thì tên lửa DF-26 vẫn đủ khả năng bao quát Biển Đông, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các chiến hạm Mỹ đang hoạt động.
DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của Trung Quốc, nó là bước phát triển từ DF-21 với tầm bắn lớn và độ chính xác được gia tăng, hiện chưa rõ thời điểm cụ thể nó được chấp nhận vào biên chế.
Mặc dù vậy, tên lửa DF-26 đã được nhìn thấy lần đầu tiên vào năm 2015 trong cuộc duyệt binh, cho thấy nó đã phục vụ trong Lực lượng Pháo binh số 2 của Trung Quốc từ vài năm trước đó.
Trung Quốc tuyên bố rằng DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xuất sắc nhất thế giới do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương tự vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF.
Đối thủ khả dĩ nhất của tên lửa DF-26 trong khu vực là Agni V do Ấn Độ sản xuất, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự thì tính năng kỹ chiến thuật của DF-26 cao cấp hơn nhiều.
Tên lửa đạo đạo tầm trung DF-26 là loại 2 tầng sử dụng động cơ nhiên liệu rắn có chiều dài ~14 m; đường kính thân ~1,4 m; trọng lượng phóng ~20 tấn.
Tầm bắn của tên lửa DF-26 chưa thấy công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 - 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng con số này ít nhất phải đạt tới 5.000 km.
Tải trọng đầu đạn mà tên lửa DF-26 có thể mang theo nằm trong khoảng 1,2 - 1,8 tấn, nó lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu mà sai số của DF-26 chỉ nằm dưới 10 m.
Để làm nhiệm vụ chống vật thể di động ở tốc độ nhanh như tàu sân bay, Trung Quốc đã chế tạo cả phiên bản DF-26 mang đầu dò radar chủ động tương tự như DF-21D.
Đường bay của DF-26 cũng được nhận định là rất phức tạp và không thể đoán trước, mặc dù chỉ là những cú bổ nhào có hiệu chỉnh nhưng vẫn cực kỳ khó đánh chặn.
Theo các chuyên gia quân sự, một vụ phóng tên lửa DF-26 di động từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị chặn hơn so với triển khai từ khu vực gần bờ vì lúc này quả đạn đã đạt tới tốc độ tối đa.
Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật là rất đáng gờm nhưng DF-26 chưa từng trải qua thực chiến, cho nên năng lực tấn công chính xác vào mục tiêu di động của nó vẫn là dấu hỏi lớn.
Nhưng kể cả chức năng "sát thủ diệt hạm" kém hiệu quả đi nữa thì DF-26 vẫn đủ sức gây tổn hại nghiêm trọng các căn cứ quân sự Mỹ bố trí trong khu vực, khiến Washington chẳng thể coi nhẹ.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ten-lua-dan-dao-sat-thu-tau-san-bay-trung-quoc-vua-trien-khai-nguy-hiem-den-muc-nao/796209.antd#p-14