Tàu sân bay có khả năng bay lượn trên bầu trời: Vì sao ngày nay không còn sản xuất?

Mạnh Kiên |

Tàu sân bay có khả năng bay lượn trên trời không phải chỉ có trong phim viễn tưởng. Giới quân sự đã từng tạo ra loại vũ khí này nhưng kết cục của nó là thảm khốc.

Giấc mơ xa vời

Người ta thường nhìn thấy hình ảnh những tàu sân bay cỡ lớn có khả năng bay lên bầu trời trong các bộ phim bom tấn, thế nhưng ngoài đời cũng đã có những ý tưởng về việc biến khả năng này thành sự thật. Hàng không mẫu hạm bay có một lịch sử ngắn ngủi về kỳ vọng không thành.

Khoảng 90 năm trước, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm với tàu sân bay có khả năng bay của riêng mình với việc chế tạo hai chiếc khí cầu khung cứng.

USS Macon và USS Akron là hai khí cầu được chế tạo vào những năm 1920, mỗi chiếc có khả năng mang theo 5 chiếc thủy phi cơ Curtiss F9C Sparrowhawk hạng nhẹ có thể triển khai và thu hồi thông qua một hệ thống móc.

Đáng tiếc thay, cả hai khí cầu đều gặp phải những tai nạn nghiêm trọng - vào tháng 4/1933, USS Akron lao xuống Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển New Jersey khiến 73 trong số 76 nhân viên thiệt mạng; trong khi hai năm sau, USS Macon gặp phải một vụ tai nạn ít nghiêm trọng hơn, khiến hai trong số 83 thủy thủ đoàn và hành khách thiệt mạng.

Có một số điều trớ trêu là Hải quân Đế quốc Đức đã nhìn thấy tiềm năng của khí cầu khung cứng trong chiến đấu, với chiếc Z-1 được đưa vào phục vụ vào tháng 10/1912. Trong đó, hàng không mẫu hạm duy nhất của Đức Quốc xã - vẫn còn dở dang khi Thế chiến II nổ ra - được đặt tên là Graf Zeppelin.

Trước khi có khí cầu khung cứng, khí cầu mềm đã được sử dụng trong quân sự - và anh em nhà Montgolfier người Pháp được ghi nhận là người sản xuất khinh khí cầu đầu tiên.

Các thí nghiệm quân sự với khí cầu từng được thực hiện từ thời Napoleon và phải đến Nội chiến Mỹ, các nhà tư tưởng quân sự mới tìm thấy cách sử dụng thiết bị này để phát hiện vị trí của kẻ thù.

Khi nhiều lực lượng bắt đầu phóng khinh khí cầu từ các tàu hải quân trong cuộc xung đột, người ta gọi đây là "bình minh" của thời đại hàng không mẫu hạm.

Tàu sân bay có khả năng bay lượn trên bầu trời: Vì sao ngày nay không còn sản xuất? - Ảnh 1.

Tàu sân bay trên không

Trong Thế chiến I - cũng là thời điểm chứng kiến ​​sự phát triển của các tàu sân bay truyền thống đầu tiên - người ta đã cân nhắc việc sản xuất các tàu sân bay trên không.

Trên thực tế, người Anh đã bắt đầu phát triển khí cầu khung cứng 23 Class vào tháng 8/1915 - được thiết kế để chở ba thủy phi cơ Sopwith Camel triển khai từ các móc bên dưới thân tàu.

Bốn khinh khí cầu khổng lồ thuộc lớp này đã được chế tạo, nhưng quá trình thử nghiệm diễn ra rất chậm và các "máy bay chiến đấu ký sinh" không bao giờ được triển khai chiến đấu.

Nếu được phóng từ khí cầu, chúng vẫn sẽ phải hạ cánh xuống các căn cứ trên mặt đất, vì tại thời điểm đó chưa có phương pháp thu hồi nào được xem xét.

Quân đội Mỹ cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đến tiềm năng của các tàu sân bay trên không và họ đã coi chiếc ZR-3 do Đức chế tạo như một sự đền bù chiến tranh.

Được giao cho Hải quân Mỹ vào năm 1924, nó được đặt tên là USS Los Angeles và được sử dụng chủ yếu cho công việc thử nghiệm, bao gồm cả việc phát triển chương trình máy bay chiến đấu ký sinh của Mỹ.

Không giống như USS Akron và USS Macon sau này, con tàu do Đức chế tạo không có khoang bên trong. Thay vào đó, nó sử dụng một hệ thống hình thang do Hải quân Mỹ phát triển để phóng và thu hồi các máy bay cánh cố định.

Hệ thống đó đã tỏ ra thành công và sau đó được chế tạo có mục đích trên các khí cầu lớp Akron.

Như đã nói, tham vọng tạo ra một tàu sân bay trên không của Hải quân Mỹ đã kết thúc trong thảm họa.

Los Angeles cuối cùng đã được cho ngừng hoạt động vào năm 1932 như một giải pháp kinh tế nhưng đã được hoạt động trở lại sau vụ tai nạn của USS Akron vào tháng 4/1933.

Chiếc khí cầu khung cứng đã bay thêm một vài năm và sau đó nghỉ hưu tại nhà chứa máy bay Lakehurst, nơi nó ở lại cho đến năm 1939.

Đây cũng là khí cầu khung cứng duy nhất của Hải quân Mỹ không gặp phải kết cục thảm khốc, và thay vào đó đã bị tháo dỡ - chính thức kết thúc chương trình khí cầu khung cứng và những nỗ lực để chế tạo tàu sân bay có khả năng bay lượn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại