Theo hãng thông tấn quốc gia của Philippines (Philippine News Agency), Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc (TQ) để cùng điều tra vụ việc một tàu cá TQ đã đâm chìm và bỏ mặc sinh mạng của 22 người Philippines ở bãi Cỏ Rong, phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn của tổng thống Philippines cho biết hôm 22-6.
Nhưng ngoài TQ và Philippines, ông Duterte muốn một quốc gia thứ ba được đưa vào ủy ban điều tra chung. Trong khi trước đó, hàng loạt quan chức cao cấp nhất của Philippines đã công khai tố cáo thuyền viên TQ hành xử “vô nhân đạo, đáng bị lên án và đáng khinh bỉ”. Thêm vào đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng đã lên tiếng kịch liệt phản đối hành động của Bắc Kinh.
Theo hãng tin Reuters, vụ việc này thực sự là một thách thức rất lớn đối với ông Duterte, bởi lẽ đương kim tổng thống Philippines thời gian qua vẫn muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt với TQ bất chấp những bất đồng về mặt lợi ích quốc gia của hai bên trên biển Đông ngày càng rõ nét, cùng với thái độ nghi ngờ sâu sắc của đồng minh quân sự là Mỹ.
Ai sẽ là “quốc gia trung lập”?
Một cuộc điều tra chung về vụ việc ở bãi Cỏ Rong lần đầu tiên được đề xuất bởi một số quan chức Philippines, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarra và người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo.
Thêm vào đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng trong một cuộc họp báo vào hôm 20-6 đã chủ động đề xuất tiến hành một cuộc điều tra chung và nói rằng đây là chìa khóa để tìm ra “giải pháp thích hợp” cho vụ việc.
Ông Salvador Panelo nói rằng Tổng thống Duterte muốn cuộc điều tra được thực hiện bởi “những cá nhân có trình độ và năng lực cao”. Philippines và TQ sẽ cử ra mỗi bên một đại diện. Ngoài ra sẽ có một thành viên thứ ba từ một “quốc gia trung lập”. Ông Panelo khẳng định một cuộc điều tra chung và vô tư là cách duy nhất để chốt lại vấn đề này.
Ngoại trưởng Philippines Tedoro Locsin dù từng bác bỏ ý tưởng về một cuộc điều tra chung với TQ nhưng hôm 22-6 ông cũng hy vọng các bên sẽ tổ chức “một cuộc điều tra với một bên thứ ba độc lập, ví dụ như Brunei”, theo đài CNN Philippines.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Philippines Menardo Guevarra, bên thứ ba trung lập sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng nếu có sự khác biệt trong kết luận điều tra vụ việc giữa TQ và Philippines. Một số quan chức Philippines cho rằng Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cũng có thể tham gia tiến hành điều tra.
IMO, một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại London (Anh), có chức năng tập trung vào an toàn, an ninh và tác động môi trường của hàng hải quốc tế. Cả Philippines và TQ đều là các quốc gia thành viên của IMO.
Một số ý kiến khác đề xuất chính phủ Philippines nên chọn Singapore để làm bên trung lập. Bởi vì Singapore có nhiều chuyên gia giỏi về lĩnh vực Luật Biển và không có yêu sách tại biển Đông. Mặt khác, giới quan sát cho rằng nếu Philippines chọn Nga hay Triều Tiên - vốn có quan hệ đặc biệt tốt đẹp với TQ thì cuộc điều tra chỉ là vỏ bọc cho một “thỏa thuận ngầm” giữa ông Duterte với TQ, theo Rappler.
Việt Nam cho rằng các tàu, bao gồm tàu cá trên biển có trách nhiệm thực thi các quy định của luật pháp quốc tế trên biển, trong đó có Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các sáng kiến của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên Hiệp Quốc, theo đó các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam LÊ THỊ THU HẰNG
Thượng tôn pháp luật: Một tiền lệ tốt
Ông Salvador Panelo hôm 22-6 khẳng định: “Để có được một phán quyết của công lý đòi hỏi phải có chứng cứ đầy đủ về các dữ kiện mà cuối cùng dẫn đến việc 22 ngư dân tội nghiệp của chúng tôi bị bỏ rơi ở giữa biển và trách nhiệm của những người có lỗi. Một cuộc điều tra chung và công bằng sẽ không chỉ thúc đẩy giải quyết vấn đề nhanh chóng mà còn tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong đó, cần phải hết sức nhấn mạnh vào việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Cùng với đó, ông Panelo cũng cho biết: “Chính phủ Manila đang đòi công lý cho những đồng bào của chúng tôi và đang sử dụng tất cả biện pháp cho mục đích đó”.
Nếu Philippines và TQ cùng chọn lựa một bên thứ ba công tâm và đưa ra các kết luận trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì đây là một tiền lệ tốt trong việc quản lý va chạm hay xung đột trên biển.
Ngược lại, nếu Bắc Kinh tiếp tục ngăn cản hay làm thay đổi tính khách quan của vụ việc, điển hình như việc từ chối sự thật tàu Việt Nam đã cứu 22 ngư dân Philippines thì hình ảnh của Bắc Kinh sẽ càng xấu hơn trong cộng đồng quốc tế.
Cần nhớ lại rằng một loạt cuộc đối đầu giữa tàu TQ và Philippines trong năm 2011 và 2012 đã trở thành tiền đề cho việc Philippines khởi kiện TQ lên Tòa Trọng tài quốc tế vào ngày 22-1-2013.
Tháng 7-2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã ban hành phán quyết với phần thắng gần như tuyệt đối nghiêng về Philippines. Các xung đột giữa Philippines và TQ trong thời gian gần đây một lần nữa gợi ý Manila tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm đạt ưu thế trước Bắc Kinh trên mặt trận pháp lý.
Toàn cảnh vụ đâm tàu
Hôm 9-6, một tàu TQ đã đâm và làm chìm một tàu đánh cá Philippines gần bãi Cỏ Rong, phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau đó, tàu TQ đã bỏ mặc tất cả 22 ngư dân Philippines trên con tàu đang chìm dần xuống biển. Các nạn nhân may mắn được một tàu cá của tỉnh Tiền Giang cứu sống sau nhiều giờ lênh đênh trên biển.
Phản hồi sự việc này, Đại sứ quán TQ tại Manila cho biết một tàu đánh cá TQ đã bị "bao vây" bởi 7-8 chiếc tàu Philippines khi đang neo đậu gần hiện trường xảy ra vụ việc. Tàu TQ sau đó "vô tình" đâm vào tàu Gem-Ver khi đang cố thoát khỏi sự truy đuổi của các tàu Philippines.
Ngư dân Philippines bác bỏ lời tường trình phía TQ. Họ nói với đài CNN Philippines rằng họ đang ngủ thì bị giật mình khi tàu TQ đâm vào thuyền của họ lúc nửa đêm. Tàu TQ nhanh chóng rời đi khi thấy tàu Philippines đang chìm dần xuống nước.