Vụ bắn rơi máy bay của Mỹ không chỉ là kỳ tích mà còn là "kho báu" đối với Iran

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tên lửa Khordad-15 của Iran hạ gục RQ-4 Global Hawk, thần tượng của quân đội Mỹ đã làm thay đổi cục diện trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran.

Va chạm quân sự trực tiếp đầu tiên Mỹ - Iran

Quan hệ Mỹ - Iran đang trở nên căng thẳng nhất từ trước tới nay. Nếu việc các tàu chở dầu của các nước bị tấn công ở cảng Fujairah thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hồi tháng 5 và vịnh Oman tháng 6 vừa qua chưa xác định được ai là thủ phạm và có thể coi là sự va chạm không trực tiếp giữa Mỹ và Iran, thì việc Iran bắn hạ máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ xâm phạm không phận Iran ngày 20/6/2019 là sự đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa hai nước.

Ngay sau khi chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rơi, Tổng thống D. Trump đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Nhà Trắng với sự tham gia của các quan chức nòng cốt của chính quyền Mỹ. Tại cuộc họp này, Tổng thống D. Trump đã phê duyệt kế hoạch tấn công vào một số vị trí trọng yếu của Iran. Tuy nhiên đến phút chót ông đã quyết định huỷ bỏ kế hoạch này.

Phía Mỹ cho rằng chiếc RQ-4 Global Hawk bị bắn hạ tại không phận quốc tế trên eo biển Hormuz, trong khi đó Iran nói chiếc máy bay này đã vi phạm không phận Iran.

Phía Iran tuyên bố có đủ bằng chứng về việc này. Dù ở trên eo biển Hormuz theo khẳng định của Bộ chỉ huy Trung tâm các lực lượng vũ trang Mỹ ở Trung Đông (CENTCOM), thì Washington cũng không thể chối cãi được việc dùng chiếc máy bay không người lái này là để trinh thám và thu thập tin tức tình báo về Iran. Sự kiện này giống sự kiện Liên Xô bắn hạ chiếc máy bay trinh thám U-2 của Mỹ tháng 5/1960.

Tên lửa Khordad-15 của Iran tạo ra một thực tế mới ở khu vực

RQ-4 Global Hawk là máy bay do thám chiến lược không người lái rất hiện đại được coi là thần tượng của ngành công nghiệp quân sự Mỹ. RQ-4 Global Hawk có chiều dài 13,3 mét, cao 4 mét, sải cánh 35 mét và trọng lượng cất cánh 15 tấn. Nó có thể chụp ảnh và thu thập tin tức từ độ cao 20km. Đây là một trong những máy bay không người lái UAV lớn nhất do Mỹ sản xuất.

Máy bay này đắt hơn nhiều so với máy bay chiến đấu thông thường. Theo các báo cáo được công bố, giá một chiếc RQ-4 Global Hawk dao động trong khoảng 130-210 triệu USD tùy thuộc vào trang thiết bị, máy móc lắp đặt, hệ điều khiển trên mặt đất, đào tạo nhân sự, trung tâm bảo trì.....

RQ-4 Global Hawk có thể bay liên tục trong 30 giờ không cần tiếp nhiên liệu. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 28/2/1998. Chiếc RQ-4 Global Hawk đầu tiên được chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2004 và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 3/2006. Nó đang phục vụ trong Không quân và Hải quân Hoa Kỳ, Úc, Đức. Ngoài ra, máy bay không người lái nay đang được Canada, Tây Ban Nha, Nhật và New Zeland đặt hàng.

Sáng 20/6, lực lượng phòng không của IRGC đã bắn hạ RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Việc bắn hạ loại máy bay này hoàn toàn không dễ dàng vì nó bay ở độ cao chỉ có các loại tên lửa cực kỳ hiện đại và chính xác mới có thể với tới. Đây là lần đầu tiên máy bay này của quân đội Mỹ bị bắn hạ chứng tỏ Khordad-15 của Iran đã đạt trình độ không thua kém các tên lửa hiện đại của Mỹ.

Việc bắn rơi RQ-4 Global Hawk đã là một kỳ tích, nhưng việc chiếm được và "giải phẫu" các bí mật kỹ thuật quân sự của chiếc máy bay này được coi là "một kho báu gián điệp điện tử" vô giá phục vụ cho ngành công nghiệp quân sự Iran. Không loại trừ khả năng Teheran sẽ cung cấp kho báu này cho các đồng minh của mình ở Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Vì sao Tổng thống D. Trump lại huỷ kế hoạch tấn công Iran vào phút chót?

Báo New York Times nói, Tổng thống Mỹ D. Trump đã nghe theo lời khuyên của Tucker Carlson, phóng viên kênh Fox News và quyết định hủy bỏ cuộc tấn công trả đũa chống Iran chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc tấn công. Lý do ông Trump đi đến quyết định này được cho là sợ cuộc tấn công sẽ làm 150 người Iran chết.

Vụ bắn rơi máy bay của Mỹ không chỉ là kỳ tích mà còn là kho báu đối với Iran - Ảnh 3.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng lý do thực sự không phải hoàn toàn như vậy. Năm 2017-2018, chính ông Trump đã ra lệnh tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk làm chết nhiều dân thường với cái cớ giả tạo về việc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hoá học. Nếu nói rộng hơn nữa, trước đây Mỹ đã giết chết hàng triệu người ở Iraq, Afghanistan, Libya và Việt Nam và hiện đang trừng phạt ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Iran, thì liệu lý do quan tâm tới mạng sống của 150 người Iran mà ông Trump ngừng cuộc tấn công liệu có thuyết phục không?

Lý do thực sự để Tổng thống D. Trump huỷ bỏ kế hoạch tấn công Iran được chính nhà báo Tucker Carlson nhận định. T. Carlson cho rằng, "những nhân vật diều hâu" trong chính quyền Mỹ quyết đòi sử dụng vũ lực chống Tehran không vì lợi ích riêng của Tổng thống. Nếu Washington châm ngòi cuộc chiến với Iran, Trump phải nói lời vĩnh biệt với bất kỳ hy vọng tái đắc cử nào vào năm 2020.

Ngoài ra, việc các lực lượng vệ binh Hồi giáo (IRGC) lần đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này bằng tên lửa Khordad-15 do Iran chế tạo mới được "trình làng" là một bất ngờ lớn đối với Mỹ.

Đây là tên lửa có đặc tính kỹ thuật tương đương với S-300 của Nga. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, tàu sân bay USS Abraham Lincoln, các tàu chiến của Mỹ.... các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực đều nằm trong tầm ngắm tên lửa của Iran. Trong tình hình như vậy, ông Trump hiểu được rẳng nếu tấn công Iran chắc chắn không thể tránh khỏi sự đáp trả mạnh mẽ mang tính huỷ diệt của Tehran.

Nếu chiến tranh xảy ra với Iran, dù mạnh đến đâu quân Mỹ cũng không thể tránh khỏi thiệt hại. Bất cứ thiết hại nào trong cuộc chiến với Iran sẽ làm cho Trump mất điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai của mình vừa mới mở màn.

Chiến tranh nếu xảy ra sẽ không giới hạn giữa Mỹ và Iran. Các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực như Israel, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều nằm trong tầm tên lửa Iran. Các nhà quan sát chính trị cho rằng chỉ một vài quả tên lửa thôi thì các thành phố Tel Aviv, Ryadh, Jedda, Dubai, Abu Dhabi...đang sống yên bình bỗng chốc sẽ trở nên hỗn loạn, chưa kể các cơ sở dầu mỏ, các nhà máy điện, nước.... bị hư hại sẽ dẫn đến thảm hoạ.

Khi đó thảm hoạ sẽ không chỉ đến với Mỹ và Iran mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông và thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại