Tàu ngầm Hoàng Sa chưa phải tàu ngầm: Ông Hòa nói gì?

Châu An |

"Dù có gọi là tàu lặn, phương tiện lặn thì tôi cũng không quan tâm, tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả của buổi thử nghiệm".

Chỉ quan tâm đến hiệu quả

Ngày 5/7, trước sự việc ông Nguyễn Quốc Hòa thử nghiệm thành công tàu ngầm Hoàng Sa trên vùng biển đông bắc Việt Nam dưới sự hỗ trợ của lực lượng Hải quân, ông Đàm Bạnh Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết:

"Theo Bộ Quốc phòng, vì sản phẩm của anh Hòa chưa được coi là tàu quân sự nên ta gọi là tàu lặn hoặc phương tiện lặn cho chính xác. Chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm như thế nào thì được gọi là tàu ngầm".

Với thông tin trên, chia sẻ với Đất Việt, ngày 6/7, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết: "Tôi không quan tâm đến các ý kiến có liên quan đến buổi thử nghiệm tàu ngầm của mình, dù có gọi là tàu lặn, phương tiện lặn thì tôi cũng không quan tâm, tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả của buổi thử nghiệm".

Đặc biệt, trước thông tin, theo quy trình của Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt thì ngày 3/7, vừa qua mới thử nghiệm ở trạng thái lặn nổi chưa thử nghiệm ở trạng thái lặn chìm, nghĩa là còn phải có bước thứ 2 thử nghiệm ở trạng thái lặn chìm.

Ông Hòa giải thích: "Việc thử nghiệm lần thứ 2, hay thử nghiệm thêm bao nhiêu lần nữa, thì cái đó cũng là do tôi và Bộ Quốc phòng trao đổi. Tôi chỉ thử nghiệm 1 lần, qua lần này tôi và bên Hải quân đã thu được những kết quả mong muốn, cái gì cần biết cũng đã biết, cái gì cần hiểu thì cũng đã hiểu, nên không cần thử nghiệm lần 2.

Dự định của cả hai bên là dành tiền kinh phí thử nghiệm đó cho những việc cần thiết hơn.

Tàu ngầm Hoàng Sa chưa phải tàu ngầm: Ông Hòa nói gì? - Ảnh 1.

Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm thành công trên biển ngày 3/7

Tàu ngầm Hoàng Sa chứng minh khả năng đi ngầm rất tốt khi thử nghiệm trên hồ và trên vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, trong cuộc thử nghiệm nó đã lặn chìm rất tốt, thể hiện rõ trong clip".

Đặc biệt, ông Hòa cũng không đồng tình với thông tin phương án thử nghiệm cũng vất vả, từ việc dùng cần 4 dây xích xích ở 4 góc tàu, cũng như 6 chiếc tàu quây xung quanh, chưa kể đến người và các phương tiện đảm bảo khác.

Theo ông Hòa, 4 dây xích là để cẩu tàu lên và hạ tàu xuống chứ còn buộc dây thì làm sao con tàu có thể chạy được? Trong buổi thử nghiệm có 1-2 tàu bảo vệ của lực lượng hải quân đi theo.

Ông nói rõ: "Tàu ngầm Hoàng Sa có 2 hệ thống liên lạc dẫn đường riêng biệt, định vị cả khi chạy ngầm, do hải quân lắp đặt. Có camera chuyên dùng truyền trực tiếp hình ảnh của khoang lái lên trạm giám sát trên bờ".

Phương tiện nào cũng có bản vẽ thiết kế

Dư luận cũng đưa ra thông tin, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa vì lòng say mê khoa học nhưng khi thiết kế tàu Hoàng Sa thì lại không có bản vẽ thiết kế kỹ thuật theo đúng yêu cầu nên khi tiến hành đánh giá rất là vất vả.

Bất kì phương tiện nào khi đánh giá thì cùng cần phải có bản thiết kế kỹ thuật nhưng đối với tàu Hoàng Sa thì có chỗ có, có chỗ không nên các chuyên gia đã phải rất khổ sở để xây dựng lại.

Không đồng tình, ông Hòa nói rõ: "Bất cứ hệ thống máy nào cũng cần có bản vẽ thì thợ cơ khí mới có thể làm được, nói gì đến một con tàu ngầm mà không có bản vẽ thì làm sao có thể chế tạo?

Tôi là một nhà chế tạo máy, nhiều máy móc của tôi chế tạo đều được xuất khẩu ra nước ngoài, nhà chế tạo nào cũng hiểu, cơ khí muốn sản xuất được máy phải có bản vẽ, nói gì đến một chiếc tàu ngầm?".

Video tàu ngầm Hoàng Sa lặn chìm dưới biển:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại