Kỹ sư Phan Bội Trân: "Thổi lên ngọn lửa đam mê"
Trước thông tin doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) đã thử nghiệm thành công tàu ngầm mini Hoàng Sa ngoài vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, ngày 3/7, kỹ sư Phan Bội Trân, người chung niềm đam mê sáng chế với ông Hòa không giấu nổi sự vui mừng của mình.
Chia sẻ với Đất Việt, ông Trân cho biết: "Tôi vui mừng lắm, việc thử nghiệm ngoài biển là khó nhất, bây giờ vượt qua được, thì sẽ có những thay đổi đột phá.
Đây là bước đầu, nhưng cũng là bước quan trọng nhất, phía bên hải quân coi như đã chấp nhận những sáng chế của các nhà khoa học, đặt viên gạch đầu tiên cho việc sáng chế động cơ "made in Vietnam".
Đây cũng là mô hình đầu tiên khẳng định cho việc sẽ làm được những tàu ngầm mini bằng thép, lặn, nổi và chạy lặn được, cơ bản sẽ có phiên bản khác ứng dụng phù hợp với yêu cầu. Hải quân có nhiều loại, có loại đi trinh sát, đi đặc công, đi tiếp liệu, đi liên lạc, cơ bản tàu ngầm đã làm xong thì những loại khác sẽ được sáng chế dễ dàng.
Bên hải quân đã bật đèn xanh phát triển tất cả các loại vũ khí, chứ không riêng gì tàu ngầm, khi đã bật đèn xanh thì họ sẽ giúp đỡ rất nhiều.
Họ sẽ có những định hướng đề xuất, hướng ông Hòa và tôi, làm được những phiên bản thực tế hơn cho bên phía hải quân".
Bên cạnh đó, theo ông Trân, nguồn năng lượng lớn nhất cho các nhà khoa học đó chính là tinh thần, trước đây, khi bị cản trở nhiều bản thân ông cũng như ông Hòa thấy rất nặng nề.
"Nhưng hiện tại, mọi chuyện đã khác, việc thử nghiệm thành công sẽ thổi lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết trong các nhà khoa học như chúng tôi.
Tôi vẫn đã và đang hợp tác rất nhiều thiết bị với bên hải quân, để thấy, họ đang có những sự quan tâm mật thiết đến những nhà sáng chế khoa học. Những người như ông Hòa và tôi là có sẵn nghị lực, nếu có nguồn động viên thì tốt, còn không có giống như bị trù dập thì cũng khó có thể dành tâm huyết để cống hiến", ông Trân nói.
Tuy nhiên, theo cha đẻ của tàu ngầm Yết Kiêu, từ điểm mốc này đi lên mục tiêu sáng chế tàu ngầm là rất nhanh, có một sự quan tâm hỗ trợ từ phía nhà nước là rất tốt. Với động cơ tàu ngầm thì chúng ta hoàn toàn có thể tự sáng chế được. Khi đó có thể làm được tàu ngầm 100% "made in Vietnam" từ động cơ đến vỏ.
"Tình huống nhập khẩu của Việt Nam hiện đang có nhiều chuyện trắc trở, nên cần phải có sự chủ động, tự túc sản xuất, cái nào tự làm được thì phải tự làm", ông Trân khẳng định.
Kỹ sư Bùi Hiển: Tiếp thêm nhiều hy vọng
Trong khi đó, cũng bày tỏ cảm xúc với Đất Việt, kỹ sư Bùi Hiển - cha đẻ của máy bay "made in Vietnam" hồ hởi:
"Tôi xin gửi lời chúc mừng đến ông Hòa, người dám nghĩ, dám làm để hoàn thành ý nguyện của mình. Tôi tự nhủ bản thân mình sẽ phải kiên trì và cố gắng hơn nữa, để chiếc máy bay của mình cũng có thể cất cánh được trên bầu trời.
Tôi vẫn còn đang tập bay, dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ hoàn thiện các bài bay. Khi bay được tôi sẽ làm thủ tục xin giấy phép công nhận.
Riêng với ông Hòa, tôi rất vui mừng, đây là thành tựu khoa học của cả nước, nó cũng khẳng định các cống hiến của những nhà khoa học chân đất đã được công nhận.
Tôi không dám nói trước điều gì, nhưng cũng nhiều hy vọng cho chiếc máy bay của mình cũng sẽ bay thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) thành công".
Theo ông Hiển, cái khó nhất của tàu ngầm là lặn được dưới biển, cái khó nhất của máy bay là bay lên được khỏi mặt đất, bây giờ chỉ làm sao ổn định lái cho tốt. Mà việc cất cánh lên khỏi mặt đất, bản thân ông đã làm rất tốt, nên vấn đề còn lại chỉ là thời gian.
"Về tàu ngầm đòi hỏi những thiết bị kèm theo rất tốn kém, như phải có máy phân tích nước biển, khí Hydro, Oxy thì mới lâu dài được, nếu không có máy đó thì chỉ chạy được một thời gian ngắn và hết Oxy. Thiết bị kèm theo đi theo tàu ngầm rất phức tạp. Còn về chế tạo thì máy bay cũng khá khó khăn.
Cho nên, việc thử nghiệm bất kỳ sản phẩm nào, cũng đều là một thành công của nước Việt Nam, phải có người dám làm thì lúc đó mới có khoa học phát triển, không ai dám hy sinh cả công và sức thì sẽ không có những đột phá", ông Hiển nhấn mạnh.