Theo báo Independent, tàu trinh sát Yantar của Hải quân Nga đến gần vùng biển Anh hôm 30.5, buộc Anh phải cử một trực thăng Mèo Hoang và khu trục hạm Kim Cương rượt bám theo tàu Yantar. Đây là một tàu trinh sát đáy biển, mang theo 2 tàu tự hành có thể lặn xuống đáy biển và gửi hình ảnh, cũng như thu thập mẫu vật dưới thềm lục địa.
Người phát ngôn Hải quân hoàng gia Anh nói chiếc Kim cương đã bám sát chiếc Yantar, và tàu sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của tàu Nga đang tiến về phía bắc. Ông còn nói chiếc Kim cương đã rời quân cảng Portsmouth trong màn sương mù tối 30.5, tiếp nhận việc giám sát, hộ tống chiếc Yantar từ một tàu hải quân Pháp.
Đa phần hoạt động hải quân Nga tăng, liên quan việc Moscow can thiệp quân sự ở Syria với tàu chiến thường đi qua Eo biển Manche (giữa Anh với Pháp) để đến Địa Trung Hải.
Nga đòi Bộ trưởng Quốc phòng Anh đừng xem Nga là "kẻ ác"
Hồi cuối năm 2017, Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu hộ vệ St Albans đã xuất phát ngày 23.12 để theo dõi tàu chiến Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga đi sát gần lãnh hải Vương quốc Anh vào dịp Noel.
Bộ Quốc phòng Anh ra tuyên bố cho biết tàu chiến hải quân hoàng gia Anh theo dõi kỹ chiếc Đô đốc Gorshkov suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và trở về quân cảng ở Portsmouth vào khuya 26.12.2017
Sau sự cố này, Bộ trưởng Gavin Williamson nói ông sẽ không ngần ngại bảo vệ lãnh hải hoặc không tha thứ bất kỳ hình thức xâm lược nào. Anh sẽ không bao giờ bị dọa nạt khi cần bảo vệ tổ quốc, đồng bào và quyền lợi quốc gia”.
Bộ Quốc phòng Anh còn cho biết hoạt động hải quân Nga tăng đáng kể trong giai đoạn nghỉ Giáng sinh. Bộ nói tàu chiến Tyne được triển khai để theo một tàu do thám Nga ở Bắc Hải và vùng biển Anh hôm 24.12. Sau đó, một trực thăng được cử bay giám sát 2 tàu chiến khác của hải quân Nga.
Vài năm gần đây, tàu hải quân Nga thường đi vào vùng lãnh hải Anh, vào lúc quan hệ giữa Nga với phương tây leo thang mạnh. Hồi tháng 5.2018, Bộ trưởng Williamson cho biết hải quân Anh vào năm 2017 đã phải 33 lần cử tàu chiến giám sát tàu hải quân Nga, so với chỉ một lần cử tàu giám sát hồi năm 2010.
Và trong 7 năm qua, quân đội Anh phải phản ứng với hoạt động quân sự Nga gần lãnh thổ Anh những hơn 160 lần.
Ông Williamson gọi đó là “thời đại chiến tranh mới” và “Hãy xem Nga đang phục hồi dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã tỏ ra hung hăng, nên chúng ta cần ủng hộ hải quân hoàng gia mạnh mẽ”.
Khi trả lời phỏng vấn báo Telegraph, Bộ trưởng Williamson nói: “Nga có những chiến thuật nham hiểm không chỉ phá hoại nền kinh tế, mà còn phá hoại các cơ sở hạ tầng chủ lực của Anh, gồm cắt nguồn điện cấp cho khoảng 3 triệu gia đình và cắt tuyến ống dẫn khí dưới biển kết nối với châu Âu, điều khiến Nga có thể giết hàng ngàn, hàng ngàn dân Anh”.
Ông Williamson cáo buộc Moscow lên kế hoạch làm tê liệt những cơ sở hạ tầng của Anh: “Tại sao họ cứ chụp ảnh, dò xét các nhà máy điện, các tuyến ống dẫn khí là những nguồn cung cấp năng lượng cho nước ta?”.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Anh chấm dứt xem Nga là “kẻ ác”, như trong những bộ phim điệp viên 007 James Bond 007 của Cục tình báo Anh MI-6.
Bà Zakharova nói: “Cảm tưởng của tôi khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh ra những tuyên bố như thế, là thâm tâm ông đã quyết sẽ quay một tập phim James Bond mới”.
Cảnh báo tàu ngầm Nga "cắn đứt" cáp internet dưới đáy biển
Hồi trung tuần tháng 12.2017, Tổng tham mưu trưởng quân đội hoàng gia Anh Stuart Peach cũng cảnh báo Nga có thể tạo mối đe dọa lớn cho Anh và các nước thành viên NATO, bằng cách “cắn đứt” cáp dưới biển vốn cần thiết cho internet và thương mại quốc tế.
Tàu chiến Nga thường bị phát hiện gần các sợi cáp dưới Đại Tây Dương. Các cáp này chuyển tải thông tin giữa Mỹ với châu Âu và các nơi khác quanh thế giới.
Nguyên soái không quân Peach nói thêm mối đe dọa Nga “cắn đứt” cáp dưới biển có nghĩa Anh và các đồng minh phải lo chạy đua với Nga trong việc hiện đại hóa hải quân.
Lời cảnh cáo của tướng Peach sau khi tổ chức nghiên cứu trung hữu Policy Exchange ra một báo cáo, nói 97% liên lạc toàn cầu và giao dịch tài chính hàng ngày trị giá 10 ngàn tỉ USD đều do các cáp dưới biển chuyển tải.
Báo cáo do nghị sĩ Rishi Sunak (Đảng Bảo thủ) soạn, dẫn tuyên bố của các quan chức tình báo Mỹ: “tàu ngầm Nga ráo riết hoạt động gần các tuyến cáp Đại Tây Dương”.
Ông Sunak cũng nói thêm rằng khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, động thái đầu tiên của Nga là cắt sợi cáp chính nối bán đảo này với phần còn lại của thế giới.