"Tất cả chúng ta đều sẽ chết!": Con số 12 đáng sợ đang bóp nghẹt Hải quân Mỹ

Lâm Vy |

Không những không đạt được mục tiêu đề ra mà trong trường hợp xấu nhất, Hải quân Mỹ sẽ mất đi các tàu sân bay, thay vì có thêm chúng.

Mục tiêu tham vọng

"Tất cả chúng ta đều sẽ chết" vào thời điểm Hải quân Mỹ tăng được số lượng tàu sân bay trong hạm đội lên 12 chiếc – Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly dự đoán hồi cuối tháng 1/2020.

Trong một sự kiện tổ chức tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược ở thủ đô Washington, ông Modly đã chỉ ra rằng, theo kế hoạch hiện tại, phải tới năm 2065 Hải quân Mỹ mới có thể nâng tổng số tàu sân bay lên 12 chiếc. Và đó là nếu mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.

Trong trường hợp xấu nhất, Hải quân Mỹ sẽ mất đi các tàu sân bay, thay vì có thêm chúng.

Năm 2016, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã tiến hành một cuộc phân tích cấu trúc lực lượng và đưa ra kết luận rằng Hải quân Mỹ cần có 355 tàu, thay vì mục tiêu 308 tàu lúc trước. Trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống năm 2016, ông Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng phát triển hạm đội.

Tuy nhiên, mở rộng hạm đội dưới bất cứ thời Tổng thống nào là một đề xuất khó có thể thực hiện. Trao đổi với tạp chí National Interest, một chuyên gia giấu tên trong ngành công nghiệp đóng tàu cho biết, tăng nhanh thêm 75 tàu bằng cách mua mới "sẽ là phương án bất khả thi".

Tất cả chúng ta đều sẽ chết!: Con số 12 đáng sợ đang bóp nghẹt Hải quân Mỹ - Ảnh 1.

Đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Sputnik

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), chi phí dành cho công tác chế tạo và bảo trì các tàu mới có thể lên tới 23 tỷ/năm. Song, trong nhiều năm qua, ngân sách đóng tàu thường niên của hải quân Mỹ chỉ ở khoảng 15 tỷ USD.

Giả sử ông Trump có thể giữ cương vị Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ (kéo dài 8 năm) thì để bổ sung thêm ít nhất 75 tàu, chính phủ phải lên kế hoạch và Quốc hội phải thông qua ngân sách cho ít nhất 15 tàu mới mỗi năm –trong đó 6 tàu sẽ thay thế các tàu cũ phải loại biên và 9 tàu mới dùng để mở rộng quy mô hạm đội.

Thế nhưng trên thực tế, vào năm 2017, Hải quân Mỹ chỉ mua 9 tàu mới. Tới năm 2018, số lượng đặt mua tăng lên 13 tàu, nhưng vào năm 2019, Hải quân Mỹ chỉ có kế hoạch mua 10 tàu.

Tính tới cuối năm 2019, Hải quân Mỹ có tổng cộng 290 tàu, đã tăng một chút so với mức năm 2016 nhưng vẫn còn cần ít nhất 60 tàu nữa mới đạt được mục tiêu của ông Trump.

Một bản ghi nhớ hồi tháng 12/2019 do Hải quân Mỹ đệ trình lên Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đã thừa nhận những gì mà các chuyên gia đã cảnh báo từ lâu. Kế hoạch tăng quy mô lên 350 tàu sẽ có chi phí cao hơn nhiều so với những gì Hải quân Mỹ có thể mong chờ nhận được từ Quốc hội trong khoảng thời gian gần 20 năm mở rộng.

Trong bản ghi nhớ này, Hải quân Mỹ đã đề xuất cắt giảm số lượng tàu khu trục lớp Arleigh Burke đóng trong giai đoạn 2021-2025 từ 13 xuống còn 9 tàu. Cũng trong giai đoạn 5 năm này, Hải quân Mỹ sẽ loại biên sớm 13 trong tổng số 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga.

Điều đó sẽ giúp tiết kiệm hơn 10 tỷ USD từ kế hoạch đóng tàu 5 năm với tổng chi phí dự kiến 100 tỷ USD. Thế nhưng, nó cũng sẽ khiến quy mô hạm đội từ 290 tàu trong năm 2019 giảm xuống 287 tàu trong năm 2025.

Sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu và nguồn lực cũng ảnh hưởng tới hạm đội tàu sân bay. Bản đánh giá cấu trúc lực lượng năm 2016 cho rằng Hải quân Mỹ cần có 12 tàu sân bay cỡ lớn, so với quy mô 11 chiếc năm 2020.

Tuy nhiên, CRS đã "giội gáo nước lạnh" vào kế hoạch 12 tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Họ cho rằng, ít nhất phải tới năm 2060 Hải quân Mỹ mới có thể ổn định số lượng tàu sân bay ở mức 12 tàu. Thậm chí, đó cũng là một suy nghĩ lạc quan.

Khó khả thi

Tàu sân bay là xương sống của hạm đội Mỹ. Đội hình chung trong nhóm tác chiến tàu sân bay bao gồm ít nhất 1 tàu tuần dương, 2 tàu khu trục, 1 tàu ngầm tấn công, 1 tàu cung ứng nhanh và 1 phi đoàn tiêm kích hạm với số lượng lên tới 70 máy bay. Chúng đóng vai trò là nguồn hỏa lực tác chiến chủ lực của Hải quân Mỹ.

Số lượng tàu sân bay đã dao động mạnh trong những thập kỷ gần đây. Cuối những năm 1980, Hải quân Mỹ duy trì 15 tàu sân bay và 585 tàu chiến loại khác trong khuôn khổ chiến lược tăng cường quân đội của chính quyền cựu Tổng thống Reagan.

Song, tàu sân bay rất đắt đỏ. Chúng tiêu tốn hàng tỷ USD để chế tạo và thêm hàng tỷ USD nữa hàng năm cho nhân lực, trang bị, và bảo trì hoạt động. Tiêu biểu, một chiếc tàu sân bay lớp Ford mới của Hải quân Mỹ có chi phí rơi vào khoảng 13 tỷ USD.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ đã dần cắt giảm hạm đội tàu sân bay xuống còn 10 tàu vào cuối tháng 12/2017. Tuy nhiên, mức này chỉ kéo dài 8 tháng trước khi chiếc tàu sân bay thứ 11 được đưa vào biên chế mùa hè năm 2018.

Giờ đây khi Hải quân Mỹ quyết tâm phải có được (và duy trì) 12 tàu sân bay, họ sẽ phải đối mặt với một sự thật khó nhằn: Đạt được mục tiêu đó có thể sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể. Quy mô hạm đội tàu sân bay có thể sẽ giảm xuống 9 tàu trước khi bình ổn ở mức 12 tàu.

Một tàu sân bay có thể phục vụ trong khoảng 50 năm trước khi xuống cấp và nhu cầu thay thế lò phản ứng hạt nhân khiến việc nó tiếp tục hoạt động trở nên không kinh tế. Trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, Hải quân Mỹ chỉ mua với tuần suất 5 năm 1 tàu. Tiến độ này không đủ để duy trì hạm đội 10 tàu trong thời gian dài.

Tất cả chúng ta đều sẽ chết!: Con số 12 đáng sợ đang bóp nghẹt Hải quân Mỹ - Ảnh 2.

Mỹ đang đẩy nhanh quá trình đóng tàu sân bay mới nhưng điều đó cũng khó lòng giúp họ đạt được mục tiêu 12 tàu sân bay trong thời gian ngắn. Ảnh: Tàu sân bay lớp Ford (Nguồn: Wiki)

CRS đã đề cập và phân tích vấn đề trên trong bản báo cáo tháng 2/2019.

"Xét tới khoảng thời gian cần thiết để đóng 1 tàu sân bay, và thời gian loại biên của các tàu đang hoạt động, thì việc tăng quy mô từ 11 lên 12 tàu sẽ mất rất nhiều năm" – Bản báo cáo của CRS nêu rõ.

"Việc trang bị tàu với tần suất 3 năm 1 tàu sẽ giúp Hải quân Mỹ đạt mục tiêu lực lượng 12 tàu vào năm 2030 trong trường hợp tuổi thọ hoạt động của một (hoặc nhiều hơn nữa) tàu sân bay đang hoạt động được kéo dài", CRS nhận định.

Tương tự, cũng với điều kiện đó, nếu mua với tần suất 3,5 năm 1 tàu thì phải tới năm 2034, Hải quân Mỹ mới có 12 tàu sân bay. Nếu lùi tần suất xuống 4 năm 1 tàu thì mục tiêu này chỉ có thể đạt được vào năm 2063, tức là chậm hơn 30 năm so với tần suất 3,5 năm 1 tàu và chậm hơn 60 năm so với tần suất 3 năm 1 tàu.

Hải quân Mỹ đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để tăng tốc trang bị tàu sân bay mới. Tháng 2/2019, Hải quân Mỹ đã trao cho tập đoàn đóng tàu Huntington Ingalls 15 tỷ USD để bắt đầu chế tạo 2 tàu sân bay mới lớp Ford.

Trong khi đó, CVN-80, chiếc USS Enterprise tương lai, sẽ gia nhập biên chế vào năm 2027 và CVN-81 Doris Miller (đặt theo tên một anh hùng trong trận Trân Châu Cảng năm 1941), sẽ đi vào hoạt động năm 2030.

Tuy nhiên, theo CRS, hợp đồng đóng tàu sân bay mới không thể làm thay đổi tính toán trong dài hạn.

"Hải quân Mỹ dự đoán rằng, theo ‘kế hoạch đóng tàu 30 năm’ trong năm tài khóa 2019, hạm đội tàu sân bay sẽ đạt 12 tàu trong giai đoạn 2020-2024, sau đó giảm xuống 11 tàu và duy trì mức này ở nhiều năm sau, trừ các năm 2040, 2042, 2044, 2056, 2047 khi số lượng tàu giảm xuống còn 10 chiếc, và năm 2048 (năm cuối cùng trong kế hoạch 30 năm) – khi chỉ còn 9 tàu" – Theo bản báo cáo của CRS.

Hy vọng duy nhất của Hải quân Mỹ để tăng cường bền vững hạm đội tàu sân bay và tránh giảm xuống mức 9 tàu trong năm 2048 là liên tục chi thêm hàng tỷ USD so với kế hoạch hiện tại mà ông Mabus đã đề xuất.

Tuy nhiên, ông Modly đã quyết định không tiếp tục kế hoạch của ông Mabus. "Kế hoạch này đã không còn bền vững nữa", ông Modly nói, "ngày càng nhiều khả năng cho thấy hạm đội 11 tàu sân bay vào năm 2020 sẽ là ngưỡng cực điểm mới của Hải quân Mỹ. Ở trường hợp ngược lại, quy mô hạm đội sẽ bị thu hẹp lâu dài trong những năm tới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại