Sự vắng mặt của Patriot và biểu hiện khó hiểu của Mỹ dù biết trước Iran tấn công tên lửa

QS |

Iraq là nhân tố quyết định việc Mỹ có thể triển khai Patriot hay không, nhưng cũng thật khó hiểu khi QĐ Mỹ không khắc phục lỗ hổng phòng thủ dù đã biết trước các mối đe dọa.

Chờ Iraq cấp phép

Quân đội Mỹ muốn triển khai các đơn vị tên lửa đất-đối-không tới Iraq sau các đợt tấn công chưa từng có tiền lệ bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq hồi đầu tháng này. Ngoài các thiệt hại về cơ sở vật chất, Lầu Năm Góc mới đây thừa nhận cuộc tấn công của Iran đã khiến hàng chục binh sĩ Mỹ bị chấn động não.

Tuy nhiên, để thực hiện được ý định này, chính phủ Mỹ vẫn cần có sự cho phép từ chính quyền Iraq – điều mà họ vẫn còn xa mới đạt được.

Nhiều cuộc thảo luận liên quan đến khả năng triển khai hệ thống phòng không Mỹ tới Iraq đang diễn ra, nhưng trong bối cảnh có một số bên tại Iraq muốn toàn bộ lính Mỹ rút khỏi đất nước của họ.

Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã giải thích tình hình này khi nhận được câu hỏi từ phóng viên Jennifer Griffin của tờ Fox News tại cuộc họp báo hôm 30/1.

Trong tuần trước, đã có những báo cáo về việc quân đội Mỹ đang cân nhắc triển khai các hệ thống Patriot tới Iraq.

Truyền thông và dư luận ngày càng đổ dồn sự chú ý về việc bố trí các hệ thống phòng không Mỹ tại Iraq, sau khi xuất hiện thông tin không có bất cứ tổ hợp Patriot nào tại căn cứ Al Asad và sân bay quốc tế Erbil khi Iran bắn tên lửa đạn đạo vào hai khu vực này trong ngày 7/1.

Trả lời các phóng viên tại buổi họp báo, tướng Milley cho biết chính phủ Mỹ đang "thảo luận với chính phủ Iraq" về khả năng triển khai Patriot, đồng thời nhấn mạnh rằng ông cảm thấy thực sự cần thiết phải triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Iraq.

Song, cả ông Milley và Esper đều không đưa ra bất cứ chi tiết nào về số lượng tổ hợp Patriot họ muốn triển khai tới Iraq, cũng như nơi chúng sẽ được bố trí nếu các cuộc thảo luận được thông qua.

Một tổ hợp Patriot gồm có các ống phóng, radar quét mạng pha đa chức năng AN/MPQ-65, thiết bị liên lạc, kiểm soát hỏa lực và một số thiết bị hỗ trợ khác. Radar AN/MPQ-65 có khả năng tìm kiếm và theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng, cũng như dẫn hướng cho tên lửa của hệ thống tấn công mục tiêu.

Hệ thống Patriot có thể triển khai nhiều loại tên lửa đánh chặn. Tên lửa PAC-3 MSE, được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2018, là thiết kế cải tiến hoạt động theo cơ chế va chạm để tiêu diệt, tức là phá hủy mối đe dọa đang bay đến bằng tác động lực vật lý vào nó, thay vì sử dụng đầu đạn nổ.

Sự vắng mặt của Patriot và biểu hiện khó hiểu của Mỹ dù biết trước Iran tấn công tên lửa - Ảnh 1.

Tên lửa PAC-3 MSE thích hợp để đánh chặn các tên lửa mà Iran đã sử dụng trong đợt tấn công ngày 7/1.

PAC-3 MSE rất thích hợp để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn hơn, tương tự như các loại Iran đã sử dụng trong đợt tấn công vào lực lượng Mỹ tại Iraq hồi đầu tháng này.

Dù quy mô hay thành phần của lực lượng dự kiến là gì thì các cuộc thảo luận giữa Mỹ với giới chức Iraq chắc chắn sẽ đầy căng thẳng do những phe phái tại Iraq, đặc biệt là những phía ủng hộ Iran đang kêu gọi toàn bộ lính Mỹ rút khỏi Iraq.

"Nỗ lực của phía Mỹ - nhằm triển khai các hệ thống tên lửa Patriot tới căn cứ của họ để tăng cường năng lực tác chiến - đang bị từ chối và bị xem là một hành động xâm phạm chủ quyền của chúng tôi" – ông Karim Alawi, thành viên ủy ban an ninh và quốc phòng của chính phủ Iraq nói với tờ Baghdad Today hồi tuần trước.

Căng thẳng ngoại giao trước đó đã được dự đoán sẽ trở thành một phần lý do khiến Mỹ không thể triển khai các tổ hợp Patriot tới Iraq.

Do Mỹ đơn phương đưa ra quyết định tiêu diệt Soleimani ngay trên lãnh thổ Iraq nên một số quan chức chính phủ nước này – những người vốn đã cảnh giác trước sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ tại Iraq – lo ngại rằng các tổ hợp Patriot sẽ gây ra mối đe dọa đối với các lực lượng Iraq trong tương lai nếu quan hệ giữa hai phía trở nên xấu hơn.

Theo tin tức ngày 27/1 trên tờ Inside Defense, Quân đội Mỹ đã đình chỉ các đợt chuyển giao vũ khí, đạn dược, và thiết bị quân sự khác, trong đó có các thiết bị liên quan tới phi đội F-16IQ Viper của Iraq, cho tới khi "môi trường tại Iraq đủ an toàn để khôi phục lại".

Sau đó vài ngày, vào ngày 30/1, chính phủ Iraq tuyên bố nối lại các chiến dịch phối hợp chống IS với Mỹ và các lực lượng liên minh khác sau khi đã đình chỉ các hoạt động này do vụ Mỹ tấn công sát hại tướng Soleimani.

Về phần mình, chính phủ Mỹ đã nhiều lần bác bỏ rằng nước này không có kế hoạch rút hoàn toàn lực lượng khỏi Iraq. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy Washington có thể tiết giảm hoặc cải tổ lực lượng tại đây.

Mỹ quá chủ quan?

Sự vắng mặt của Patriot và biểu hiện khó hiểu của Mỹ dù biết trước Iran tấn công tên lửa - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ tại căn cứ không quân Al Dhafra ở UAE.

Theo trang tin The Drive, mặc dù có được sự ủng hộ của chính phủ Iraq là thách thức lớn nhất để Mỹ triển khai được Patriot tới Iraq nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số nhân tố quan trọng khác.

Chẳng hạn, khó có thể tìm hiểu được tại sao quân đội Mỹ lại không lo liệu chu toàn khi CIA nhận định rằng phương thức trả đũa có khả năng lớn nhất của Iran trong vụ Soleimani là tấn công vào các mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông.

Ngay cả trước khi Iran tiến hành tấn công trả đũa, chính phủ Mỹ đã được cảnh báo trong nhiều tháng trời về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Iran cùng các lực lượng ủy nhiệm của họ, trong đó có cả các động thái di chuyển tên lửa đạn đạo Iran vào Iraq.

Quân đội Mỹ từng triển khai các tổ hợp Patriot tới Iraq sau chiến dịch tấn công vào năm 2003. Chúng vẫn được bố trí tại đây một thời gian sau khi chiến dịch kết thúc, cho tới khi quân đội Mỹ nhận thấy không còn mối đe dọa tên lửa/đường không lớn nào nữa.

Không rõ quân đội Mỹ đã rút các hệ thống Patriot ra khỏi Iraq vào thời điểm nào, nhưng có bằng chứng cho thấy chúng không được triển khai một cách tích cực, ngay cả trước khi bị rút hoàn toàn khỏi Iraq.

Hình ảnh mà trang tin The Drive có được độc quyền sau cuộc tấn công tên lửa của Iran hôm 7/1 đã xác nhận tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc không có hệ thống Patriot nào được bố trí tại hai căn cứ mục tiêu ở thời điểm bị tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại