Sau 3 phiên họp, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 từ 180.000-230.000/ tháng tùy theo từng vùng, tương đương với 6,5% so với năm 2017.
Chia sẻ về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, chị Nguyễn Hoài Thương, công nhân khu Công nghiệp Nam Sách, Hải Dương, cho biết: “Tăng thêm được mấy trăm nghìn mỗi tháng, chúng tôi cũng vui lắm.
Nhưng tính ra lại chẳng được bao nhiêu khi tiền đóng BHXH và phí công đoàn tăng lên, lại thêm giá cả ngoài thị trường cũng rục rịch tăng theo. Vợ chồng tôi từ Sơn La về đây làm việc, phải đi thuê nhà, mọi chi phí cũng tốn kém hơn, nên mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng, phải tiêu khéo mới đủ”.
Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) có lương tính theo sản phẩm khoảng trên dưới 7 triệu đồng/tháng cũng không mấy hào hứng với mức tăng lương năm 2018:
“Năm nào cũng thế, nói là tăng lương, nhưng thực chất thu nhập cuối cùng của người lao động chẳng tăng là mấy.
Chúng tôi chưa kịp mừng, thì đã phải nghĩ đến mức đóng BHXH sẽ tăng, các chi phí khác cho cuộc sống thường ngày sẽ tăng theo. Nếu lương tăng, một số trợ cấp mềm khác có thể giảm. Nếu 2 vợ chồng đều làm công nhân, may ra thì cũng đủ ăn hoặc dư được một chút không đáng kể”.
Dù đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, tuy nhiên, đại diện người lao động và chủ doanh nghiệp đều chưa hài lòng với mức tăng như hiện nay.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Đại diện cho người lao động muốn mức tăng thấp nhất cũng phải bằng với năm ngoái là 7,3%. Nếu như mức tăng chỉ đạt 6,5%, việc đáp ứng mức sống tối thiểu sẽ kéo dài đến năm 2019”.
Ông Vũ Quang thọ, Chủ tịch hiệp hội Công nhân – Công đoàn Việt Nam cho biết, theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ người lao động có tích lũy từ tiền lương tối thiểu chỉ chiếm 8% (mức tích lũy chỉ giao động từ 500.000 – 1000.000 đồng/tháng), 50% người lao động không có tích lũy và có hơn 40% người lao động đang có mức chi tiêu tằn tiện, thiếu thốn.
Ông Thọ cho rằng,với mức tăng lương như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc còn khoảng 7% nữa, mức tiền lương tối thiểu mới chạm ngưỡng mức sống tối thiểu của người lao động.
Đánh giá về con số 6,5% từ nhiều góc độ, ông Phạm Minh Huân, Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng mong muốn tăng lương là nhu cầu chính đáng của người lao động. Nếu không tăng 5%, bằng tỷ số trượt giá thì lương người lao động sẽ giảm. Tăng lương là điều cần thiết để đảm bảo mức sống cho người lao động.
Tuy nhiên việc tăng lương tối thiểu vùng cũng đang tạo ra không ít áp lực cho phía doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sản phẩm gia công, giá trị thấp, nên tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho những đối tượng này.
Các doanh nghiệp bị tác động lớn về tăng lương tối thiểu là các doanh nghiệp da giày, dệt may, thủy sản. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng quỹ lương và chi phí đóng BHXH của doanh nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chịu thêm áp lực trong việc cân đối chi phí đầu vào để có lợi nhuận. Nếu không hài hòa được các lợi ích, doanh nghiệp sẽ vi phạm luật hoặc sẽ phải sa thải bớt người lao động hoặc đổi mới quản trị, khoa học kỹ thuật để cân đối sản xuất.
Ông Huân cho rằng, việc đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng là một chuyện, nhưng việc thực hiện thế nào mới thực sự quan trọng.
“Việc tăng lương tối thiểu vùng chỉ cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần, nhà trẻ mẫu giáo cho con người lao động,...
Có như vậy dù mức tăng thấp cũng vẫn có ý nghĩa với người lao động. Ngoài ra để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp, nhà nước cũng nên có những đánh giá hàng năm về ảnh hưởng của mức tăng lương tối thiểu đến sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Huân phân tích.