Tăng cường thách thức Trung Quốc, chính quyền TT Trump tuần tra cao kỷ lục ở Biển Đông

Minh Khôi |

Chính quyền Tổng thống Trump tăng cường nỗ lực thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ gần các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông đã đạt kỷ lục vào năm 2019, theo các số liệu thống kê mới được công bố.

Các tàu Hải quân Mỹ đã tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc cải tạo trái phép 7 lần trong năm 2019, theo thống kê của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, con số cao nhất của hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo vào năm 2014.

So với năm 2018, Washington tiến hành 5 hoạt động và 6 trong năm 2017, năm đầu tiên Tổng thống Trump nhậm chức; vào 2016, số lượng hoạt động này là 3 và năm 2015, Mỹ tiến hành 2 cuộc tuần tra. Trong khi đó, năm 2014, Washington không có hoạt động tuần tra.

Tháng trước, tàu USS Montgomery đã tuần tra gần đá Chữ Thập, (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong hoạt động tuần tra công khai đầu tiên trong năm 2020. 

"Mỹ duy trì các hoạt động tự do hàng hải như một nguyên tắc. Nhiệm vụ của chương trình tự do hàng hải được tiến hành hòa bình và không nhằm ủng hộ hay chống lại một quốc gia cụ thể nào", Người Phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết.

Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết đảm bảo quyền, tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận được cho tất cả các quốc gia, Người Phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương nói thêm.

Biển Đông, nơi có trữ lượng năng lượng lớn chưa được khai thác và chiếm khoảng 1/3 thương mại hàng hải toàn cầu, đã trở thành điểm nóng lớn trong cuộc cạnh tranh leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% vùng biển, cải tạo trái phép và quân sự hóa các đảo đá trong thời gian qua. Năm 2016, tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền Đường 9 đoạn của Bắc Kinh là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh đã cáo buộc Washington "khiêu khích" thông qua các cuộc tuần tra, tấn công vào chủ quyền của nước này và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Rõ ràng, dưới thời Chính quyền Trump, chúng ta thấy một động lực cụ thể hơn đối với các hoạt đông FONOPs ở Biển Đông như sự gia tăng tần suất kể từ năm 2015 và sau khi ông nhậm chức, ông Collin Koh, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho hay.

Các hoạt động này có tác dụng nhấn mạnh luật pháp, ngăn chặn Bắc Kinh có các động thái hung hăng hơn, cũng như thể hiện cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực, cho các quốc gia nhỏ và yếu hơn rằng Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực, ông Koh nói thêm.

Tong Zhao, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho biết tần suất ngày càng tăng của các cuộc tuần tra phản ánh quan điểm đang lên ở Washington rằng Bắc Kinh đang tìm cách phản đối các quy tắc quốc tế hiện có và theo đuổi lợi ích riêng của mình và Washington không thể xoa dịu nó và phải đẩy lùi.

Trong khi đó, Bắc Kinh coi các hoạt động như vậy của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington tìm cách đẩy cao căng thẳng với mục đích duy trì quyền lực ở khu vực. Vì vậy, Trung Quốc quyết đáp trả mạnh mẽ và đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và tăng cường năng lực lâu dài để đảm bảo lợi thế trong tương lai, ông Zhao nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại