Mới đây, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng tải một video trong chương trình The Spark có tên "7 tội lỗi của Ấn Độ", liên quan tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa quân đội hai nước ở vùng biên giới Sikkim, gần ngã ba biên giới giữa Trung Quốc-Ấn Độ-Bhutan.
Trong video, người dẫn Dier Wang liệt kê những điều mà chương trình cho là "tội ác của Ấn Độ", như "giẫm đạp luật pháp quốc tế" và "bịa ra nhiều cớ để thanh minh những động thái bất hợp pháp của mình".
"Ấn Độ đưa xe ủi bất hợp pháp vào khu vực lãnh thổ không tranh chấp của Trung Quốc, lái xe ủi vào thẳng nhà bạn mà không thèm gõ cửa. Hàng xóm kiểu gì vậy?", Wang nói.
Dẫn chương trình của The Spark nói rằng cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) thực ra không phải khu vực tranh chấp và đã được cả Ấn Độ lẫn cộng đồng quốc tế công nhận là một phần của Trung Quốc.
Xen kẽ giữa những đoạn độc thoại của Dier Wang là hình ảnh một người đàn ông đeo kính râm, mang râu giả, đội khăn turban của Ấn Độ và cố nói tiếng Anh theo giọng Ấn. Người này "đóng vai" Ấn Độ và thể hiện các phản ứng minh họa cho lời của Wang. Ngoài ra còn có một người vào vai "Bhutan".
Trong video này, Bhutan được mô tả như một thành phần bất đắc dĩ của cuộc xung đột, một nạn nhân bị New Delhi bắt nạt. Khi nghe "Ấn Độ" nói rằng: "Đây là nhà của Bhutan, tôi ở đây để bảo vệ nó", "Bhutan" tỏ vẻ sợ sệt nói: "Đây không phải nhà tôi" và lắc đầu khi được hỏi "Bạn có tìm kiếm sự trợ giúp từ Ấn Độ không?"
Hai nhân vật đóng vai Bhutan (trái) và Ấn Độ (phải) trong video
Sau đó, Dier Wang nhấn mạnh: "Chính quyền của Bhutan đã nói với giới chức Trung Quốc rằng Doklam không phải là lãnh thổ của Bhutan". Những đoạn hội thoại được lồng thêm tiếng cười phụ họa.
Video được đăng tải trong bối cảnh những nỗ lực ngoại giao nhằm phá thế đối đầu tại Doklam giữa hai bên chưa mang lại hiệu quả. Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đường, trong khi Bắc Kinh muốn New Delhi đơn phương rút quân trước khi bắt đầu đối thoại.
Về phần Bhutan, nước này đã trao công hàm cho phía Trung Quốc để phản đối việc xây đường. Theo CNN, Bhutan đã cáo buộc Trung Quốc thi công một con đường "trong lãnh thổ của Bhutan", "vi phạm trực tiếp" các giao ước, hiệp ước về lãnh thổ.
Video của Tân Hoa Xã được đưa lên Youtube và hai mạng xã hội phổ biến Twitter, Facebook. Ngay sau khi đăng tải, video đã thu hút sự chú ý và nhận được nhiều phản hồi giận dữ của truyền thông Ấn Độ.
Cả các hãng truyền thông Ấn Độ và quốc tế, bao gồm BBC hay tờ Washington Post, chỉ trích đoạn video của Tân Hoa Xã là "phân biệt chủng tộc một cách thô thiển".
BBC mô tả tông giọng của người dẫn chương trình là "hay, nhưng gây phẫn nộ", trong khi tờ Hindustan Times của Ấn Độ gọi đoạn video là "giọng điệu phân biệt chủng tộc và cố ý chế nhạo [giọng nói tiếng Anh tự nhiên] của người Ấn".