Thông tin về cuộc tập trận Nga-Ấn được xác định giữa bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ đang leo thang căng thẳng - liên quan đến cuộc giằng co giữa quân đội hai nước tại cao nguyên Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglang) từ giữa tháng 6, làm dấy lên một số nghi vấn về thái độ của Nga trong khu vực.
Chương trình tập trận với thể thức hoàn toàn mới - lần đầu tiên có sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân hai nước, bao gồm bắn đạn thật, các chiến dịch phòng không và chống ngầm. Chống khủng bố, cướp biển, tấn công các nhóm buôn lậu ma túy... là những nội dung khác.
Trả lời câu hỏi về tập trận Indra 2017, Bộ ngoại giao Nga hôm 18/8 khẳng định hoạt động này không nhằm vào Trung Quốc.
"Nga không tiến hành tập trận quân sự hoặc các sự kiện hợp tác khác có thể dẫn đến làm tồi tệ các mối quan hệ của một quốc gia mà chúng tôi đang duy trì nhiều liên hệ đa phương," phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
Nói về căng thẳng biên giới giữa Trung-Ấn, bà cho biết: "Chúng tôi tin rằng New Delhi và Bắc Kinh, những thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẽ tìm ra những phương án phù hợp với cả hai phía để giải quyết căng thẳng nhanh chóng."
Bà Zakharova tái khẳng định với Tân Hoa Xã rằng Moskva đang có quan hệ tuyệt vời với Bắc Kinh, và gọi những ý định "xuyên tạc tình hình" chỉ có thể được coi là hành động thách thức.
Cuộc tập trận Indra giữa quân đội Nga và Ấn Độ đã được tổ chức đều đặn từ năm 2003. Năm ngoái, hoạt động diễn ra từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.
Nhưng sự kiện năm nay gây chú ý không chỉ bởi được xác nhận giữa căng thẳng Trung-Ấn, mà thời điểm tổ chức tập trận (19-29/10) được cho là rất gần với Đại hội toàn quốc khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc - thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc tiến hành chuyển giao quyền lực và bầu ra ban lãnh đạo khóa mới.
Hai kỳ Đại hội gần đây nhất của ĐCSTQ đều được tổ chức vào tháng 11 các năm 2007 và 2012.
Trang Breitbart News thân đảng Cộng hòa Mỹ nhận định, thời điểm trước Đại hội 19 của Trung Quốc có thể là "hạn chót" để Bắc Kinh dàn xếp mâu thuẫn với Ấn Độ, bởi tình trạng giằng co dai dẳng ở Doklam tác động không tốt lên hình ảnh của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh, với Chủ tịch Tập Cận Bình là "hạt nhân", trong xử lý các vấn đề về lãnh thổ.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tôn vinh mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Ấn Độ trong điện mừng gửi Thủ tướng Narendra Modi nhân Ngày độc lập của Ấn Độ (15/8).
Ông Putin bày tỏ Moskva sẵn lòng tăng cường "quan hệ đối tác đặc biệt mang lại lời ích" cho người dân hai nước và để bảo đảm an ninh, ổn định quốc tế. Tổng thống Nga đề cao các thành quả kinh tế, xã hội của Ấn Độ, khẳng định quan hệ song phương luôn đặt trên nền tảng hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.
"Hai nước có bề dày lịch sử về hợp tác song phương phong phú trong tất cả các lĩnh vực, và nỗ lực hợp tác trong giải quyết các sự vụ quan trọng ở khu vực và toàn cầu," ông Putin nói.