Triều Tiên tuyên bố nước này đã phát triển được các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tên lửa và hạt nhân quốc tế vẫn bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Triều Tiên có thể làm chủ được các công nghệ chủ chốt liên quan.
Cụ thể, đó là khả năng hoàn thiện một thiết bị hạt nhân đủ nhỏ và đủ nhẹ để gắn lên đầu tên lửa mà không ảnh hưởng tới tầm bắn cũng như đảm bảo cho nó vẫn hoạt động khi quay trở lại bầu khí quyển của trái đất (khả năng hồi quyển).
Theo các chuyên gia vũ khí, để làm được điều đó, Triều Tiên cần phải tiến hành ít nhất một vụ thử hạt nhân nữa, tức vụ thử thứ sáu và thêm nhiều vụ thử tên lửa tầm xa khác.
Hai ICBM mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng Bảy vừa qua nhiều khả năng đã mang theo tải trọng nhẹ hơn bất cứ đầu đạn hạt nhân nào mà Bình Nhưỡng có thể chế tạo được tính tới thời điểm hiện nay.
Có một cách để chế tạo được đầu đạn nhẹ hơn là tập trung phát triển một thiết bị nhiệt hạch hay bom Hydro (bom H), loại có sức công phá lớn hơn rất nhiều so với kích cỡ và khối lượng của nó.
Theo Hans Kristensen, Giám đốc Chương trình Thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), dù Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm một quả bom H vào ngày 6/1/2016, nhưng điều này còn chưa được chứng thực.
"Để có được khả năng đó sẽ phải cần tiến hành thêm vài vụ thử hạt nhân nữa", Kristensen nói. "Lợi thế của đầu đạn nhiệt hạch là nó tích hợp được sức công phá nhiều hơn trong một khối lượng nhẹ hơn".
Choi Jin-wook, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ritsumeikan Nhật Bản và là cựu Chủ tịch Viện thống Nhất Quốc gia Triều Tiên của Hàn Quốc cho rằng, để phát triển một ICBM gắn đầu đạn hạt nhân hoạt động được, Bình Nhưỡng nhất thiết phải tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
"Để một đầu đạn hạt nhân có thể triển khai được, nó phải nhỏ và nhẹ nhưng Triều Tiên dường như chưa sở hữu được công nghệ này", Choi Jin-wook cho biết.
Ngoài việc thu nhỏ được kích cỡ quả bom H, một số chuyên gia cho rằng các nhà khoa học Triều Tiên dương như chưa làm chủ được công nghệ bảo vệ đầu đạn trước sức nóng cực cao và áp suất hồi quyển sau khi ICBM được phóng đi.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong một chuyến thị sát Bộ tư lệnh Lực lượng chiến lược của Quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Hôm Chủ Nhật vừa qua (13/8), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng phát biểu rằng, Triều Tiên phải cần thêm ít nhất từ 1 đến 2 năm nữa mới đạt được công nghệ hồi quyển đó.
"Thu nhỏ đầu đạn cho tên lửa đạn đạo chỉ là một trong số rất nhiều thách thức mà Triều Tiên sẽ gặp phải nếu muốn phát triển được một ICBM hướng mục tiêu vào Mỹ", David Albright, nhà vật lý kiêm sáng lập viên Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington nhận xét.
"Thiết bị hồi quyển phải tồn tại và đầu đạn phải hoạt động được", ông nói. "Tôi nghi ngờ khả năng Triều Tiên đã làm chủ được tất cả các công đoạn này".
Triều Tiên là một quốc gia thích giữ bí mật nên những dự đoán xem nước này sẽ làm gì tiếp theo cũng chỉ có tính chất phỏng đoán.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chắn chắn sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng thời gian tiến hành một vụ thử hạt nhân mới vì có thể họ sẽ bị Liên Hợp Quốc áp đặt thêm các lệnh cấm vận, thậm chí còn nặng nề hơn những trừng phạt sau hai vụ thử ICBM vừa qua.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 17/8 nói rằng Bình Nhưỡng sẽ "vượt giới hạn đỏ" nếu gắn đầu đạn hạt nhân vào ICBM. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "hỏa lực và thịnh nộ" chưa từng thấy nếu đe dọa nước Mỹ.