Lời tuyên bố Mỹ không ngờ tới
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 15/8 đã gây bất ngờ lớn với tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân trong khoảng thời gian không phải năm, không phải tháng, không phải ngày mà chỉ sau vài giờ nếu Mỹ còn tiếp tục trừng phạt Iran.
Tức là, Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân đã được ký kết giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi giữa năm 2015, với tên gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Thiên hạ ngỡ ngàng vì ba lý do.
Thứ nhất, khi đạt được thỏa thuận này, chính ông Rouhani đã hết lời ngợi ca nó, coi đây là một thắng lợi vang dội của Iran. Thực chất, nó cũng còn là thành quả đối ngoại nổi bật nhất, quan trọng nhất của ông Rouhani trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên.
Thứ hai, cho tới nay, phía Iran chưa từng một lần nào, từ cá nhân ông Rouhani lại càng không, đề cập đến khả năng chủ động rút khỏi thỏa thuận mà còn nhiều lần cảnh báo Mỹ phải tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh những cam kết trong thỏa thuận.
Chính quyền mới ở Mỹ của ông Donald Trump tiếp nhận thỏa thuận này từ chính quyền tiền nhiệm. Khi còn vận động tranh cử, ông Trump đã phê phán mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân với Iran, coi đây là một trong những thỏa thuận "tồi tệ nhất đối với nước Mỹ" và cam kết sẽ lật ngược nó.
Cho tới nay, ông Trump chưa thực hiện cam kết mà mới chỉ yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét điểm lợi - hại của nó đối với Mỹ. Ông Trump đưa ra quyết định sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Iran tuân thủ nghiêm chỉnh và thực thi đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận.
Lễ kí kết Hiệp định JCPOA. Ảnh: Defense Priorities
Thứ ba, quá trình thực thi thỏa thuận này cho tới nay ở phía Iran và EU rất suôn sẻ và được chứng thực, trong khi ở phía Mỹ vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ.
Dù vậy, nó đã đem lại những lợi ích vô cùng quan trọng và thiết thực cho Tehran, như phát triển kinh tế xã hội, tăng cường hợp tác với bên ngoài, hội nhập khu vực và nâng cao vị thế quốc tế.
Dù vẫn vấp phải sự chống đối từ những thế lực tôn giáo chính thống cực đoan và bảo thủ, nhưng thỏa thuận được đa số dân chúng và các lực lượng chính trị xã hội khác ủng hộ.
Ông Rouhani tái đắc cử và thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa rồi ở Iran phần lớn nhờ vào thỏa thuận này.
JCPOA không thể ngăn Mỹ trừng phạt Iran
Cũng phải nói thêm rằng, Mỹ chưa thực hiện đầy đủ mọi cam kết trong thỏa thuận JCPOA.
Mỹ không dỡ bỏ các biện pháp cấm vận và trừng phạt Iran và còn lấy lý do Iran phát triển chương trình tên lửa để áp dụng những biện pháp cấm vận mới, gần đây nhất là ban hành đạo luật trừng phạt Iran, Nga và Triều Tiên.
Tuy JCPOA đã có hiệu lực hai năm, nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran về cơ bản vẫn chưa bình thường. Mỹ vẫn cho rằng Iran hậu thuẫn khủng bố, còn Mỹ đứng cùng phe với các đồng minh như Israel và Ả Rập Saudi để đối địch Iran.
Như vậy, có thể thấy tuyên bố mới của ông Rouhani tương phản rõ rệt với quan điểm thái độ xưa nay của ông về JCPOA. Đây là một chiêu thức chính trị và tâm lý hơn là phản ánh suy tính thật của ông Rouhani.
Ông Rouhani và ông Trump. Ảnh: CNN
Trong vấn đề hạt nhân, ông Rouhani được dân chúng và thế giới bên ngoài ủng hộ, nhưng bị chính quyền mới ở Mỹ, Israel, Ả rập Saudi và những thế lực tôn giáo bảo thủ cực đoan trong nước chống đối. JCPOA hiện vẫn còn có nguy cơ bị đảo ngược.
Mỹ càng tiếp tục trừng phạt Iran, dù chỉ liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, thì nội bộ ông Rouhani lại càng khó xử.
Do đó, ông Rouhani phải vừa tiếp tục thực hiện JCPOA vừa yêu cầu Mỹ không được tiếp tục trừng phạt Iran. Trong khi đó, Mỹ lại chủ trương tách bạch thỏa thuận hạt nhân và chương trình tên lửa của Iran để dễ bề ra lệnh trừng phạt.
Mục đích của ông Rouhani
Với động thái bất ngờ hôm 15, trước hết ông Rouhani muốn xoa dịu sự chống đối ở trong nước đang có chiều hướng gia tăng, sau khi Mỹ thông qua luật trừng phạt mới.
Ông Rouhani dùng nó để kêu gọi và hối thúc thế giới bên ngoài, đặc biệt EU, Nga và Trung Quốc tác động, gây áp lực để chính quyền của ông Trump ở Mỹ không hủy bỏ thỏa thuận và phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đây cũng còn là cách ông Rouhani dùng để cô lập Mỹ, phân hóa Mỹ với các đối tác khác.
Nhìn nhận một cách thực tế và khách quan có thể thấy cả Iran lẫn Mỹ hiện đều chỉ lợi bất cập hại nếu hủy bỏ JCPOA. Tuy nói ra thế thôi chứ cả ông Rouhani lẫn ông Trump đều đâu có thể dễ dàng dám từ bỏ JCPOA.