Thành Đạt | Trí Thức Trẻ
Bất cứ khi nào Trung Quốc và Ấn Độ có căng thẳng thì người ta nghĩ ngay tới sự kiện năm 1962. Lần này, khi xảy ra căng thẳng ở khu vực tranh chấp giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan thì cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều nhắc tới sự kiện năm 1962 để nhắc nhở lẫn nhau.
Tuy nhiên, bối cảnh năm 2017 rất khác so với năm 1962.
Ngoài ra, sự khác nhau giữa năm 2017 và 1962 thể hiện bối cảnh lịch sử và phản ứng của hai phía.
Năm 1962, ông Jawaharla Nehru là Thủ tướng Ấn Độ, đảng cầm quyền Ấn Độ là đảng Quốc đại, lãnh đạo quân đội Ấn Độ lúc đó là tướng B. M. Kaul.
Lúc xảy ra cuộc xung đột ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ năm 1962, ông Nehru đang đi công tác nước ngoài còn Tướng Kaul thì đang điều trị trong bệnh viện quân đội vì lý do sức khỏe.
Có thể nói, năm đó, Ấn Độ khá bị động, không ở trong tư thế sẵn sàng phản ứng.
Hiện nay, năm 2017, Thủ tướng Narenda Modi của Ấn Độ là đảng viên của đảng cầm quyền BJP – đảng đối lập của Đảng Quốc đại. Ông Modi được coi là một lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán hơn, đặc biệt là trong các chính sách quân sự. Đảng BJP cũng được cho là có chính sách quốc phòng mạnh mẽ hơn đảng Quốc đại.
Vị tướng chỉ huy quân đội Ấn Độ hiện nay là Bipin Rawat – là một trong những tướng lĩnh tốt nhất của quân đội Ấn Độ.
Hơn nữa, Ấn Độ của năm 1962 là một nền độc lập non trẻ, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội sau một thời gian dài dưới sự cai trị của thực dânAnh. Ấn Độ của năm 2017 đã rất khác, là một cường quốc đang lên, kinh tế đang trên đà tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, dù Trung Quốc cũng là một cường quốc đang trỗi dậy nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm tốc sau một thời gian dài tăng trưởng liên tục.
Mặc dù trong cuộc căng thẳng hiện tại, Trung Quốc vẫn ở thế chủ động (xây dựng con đường dẫn tới gần khu vực nhạy cảm của Ấn Độ), tuy nhiên Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng hơn cho một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc.
Khu vực Doklam/Sikkim cũng khác với Dhola/Akshai Chin. Phía Ấn Độ cho rằng "Sikkim là nơi Ấn Độ tấn công Trung Quốc chứ không phải ngược lại" bởi Ấn Độ có lợi thế về địa hình ở khu vực này.
Trung Quốc sau mấy chục năm phát triển liên tục, cũng đã khá mạnh, tuy nhiên, họ cũng gặp một số vấn đề nội bộ gai góc.
Có thể thấy những khác biệt lịch sử giữa hai thời điểm 1962 và 2017 sẽ ảnh hưởng tới tình hình và cục diện cuộc căng thẳng biên giới hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Đã xuất hiện thông tin cho rằng thực ra Trung Quốc chưa hề điều quân tới biên giới Ấn Độ, Trung Quốc chỉ là đang đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ mà thôi. Bà đánh giá như thế nào về thông tin này? Nếu đúng là như vậy thì liệu chúng ta có thể lý giải tại sao?Theo những thông tin tôi có được và qua trao đổi với một số học giả phía Ấn Độ thì đúng thực chất cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa điều quân tới biên giới hai nước. Hai bên mới chỉ dàn quân ở khu vực Trung Quốc xây dựng con đường trên vùng tranh chấp lãnh thổ với Bhutan.
Ấn Độ cho rằng Trung Quốc có lẽ hơi bất ngờ vì không nghĩ Ấn Độ lại phản ứng mạnh như vậy trước một vấn đề của nước láng giềng nhỏ là Bhutan. Vì vậy, Trung Quốc phải giữ thể diện, đưa ra những tuyên bố mạnh, "nhắc nhở" Ấn Độ về sự kiện năm 1962, rằng Ấn Độ nên "học những bài học" của lịch sử, rằng Ấn Độ phải rút hết quân trước khi hai bên có thể ngồi lại bàn đám phán.
Chủ tịch Trung Quốc cũng không thể tỏ ra mềm yếu trước thềm Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tôi cho rằng, có thể Trung Quốc đang làm phép thử đối với Ấn Độ ở khu vực này, để có những tính toán tiếp theo tại những vùng tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Ấn Độ ở khu vực phía Bắc và Tây Ấn.
Vấn đề biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc không còn vấn đề mới nữa. Những vụ căng thẳng lớn như hiện nay cũng đã từng xảy ra vài lần. Những căng thẳng nhỏ lẻ thì hầu như năm nào cũng có.
Vì vậy, những căng thẳng đó theo tôi không phải là vấn đề thực sự nóng trong thời điểm này. Căng thẳng được đẩy lên chỉ là một bước đi chính trị của cả hai bên.
Cụ thể hơn, vấn đề thực sự chủ yếu nằm ở chính trị đối nội của Trung Quốc. Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh trước thềm Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vì vậy, sự căng thẳng cũng sẽ không có khả năng hòa dịu trước khi Đại hội 19 diễn ra.
Tôi đồng ý với quan điểm của bà Huỳnh Thanh Loan, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Ấn Độ-Tây Nam Á, khi cho rằng, Trung Quốc muốn "chuyển lửa ra ngoài", muốn dư luận trong nước tập trung vào vấn đề tranh chấp với Ấn Độ để giảm sức ép với các vấn đề nội bộ gai góc.
Hành động cứng rắn với Ấn Độ sẽ củng cố uy tín trong nước của các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Còn Bhutan có vai trò như thế nào trong cuộc căng thẳng Trung - Ấn hiện nay?Cuộc đối đầu đang diễn ra ở khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan phản ánh một phần của bức tranh lớn hơn về sự tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc ở khu vực Nam Á.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã luôn nỗ lực xây dựng ảnh hưởng ở khu vực này, thông qua chiến lược "Chuỗi ngọc trai’ và "Vành đai, Con đường"...
Tuy Trung Quốc đã rất thành công trong việc tạo được những ảnh hưởng tốt đối với các nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Maldives, Myanmar, ... nhưng Trung Quốc lại luôn cảm thấy tự ái vì "mối quan hệ thân thiết" giữa Ấn Độ và Bhutan.
Bhutan là đồng minh gần như duy nhất của Ấn Độ ở khu vực Nam Á. Ấn Độ và Bhutan vốn có hiệp định về hợp tác được ký kết từ năm 1949 và đã ký lại vào năm 2007. Theo hiệp định đó, Ấn Độ được phép can thiệp vào các công việc của Bhutan để giúp bảo vệ an ninh cho Bhutan.
Bhutan cũng là nước duy nhất trong khu vực mà Trung Quốc không có mối quan hệ ngoại giao trực tiếp. Mọi việc với Bhutan, Trung Quốc phải giải quyết qua phái đoàn ngoại giao ở Dehli.
Phía Ấn Độ cho rằng, Bắc Kinh đang muốn tìm cách tiếp xúc trực tiếp với Bhutan và muốn thông qua cuộc đối đầu lần này để "thử thách cam kết của Ấn Độ với Bhutan".
Nếu Ấn Độ rút quân khỏi Bhutan lần này thì cũng đồng nghĩa với việc đưa Bhutan vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đàm phán biên giới với Bhutan.
M ối quan hệ giữa hai nước láng giềng lớn nhất Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1950 tới nay thì mâu thuẫn, xung đột nhiều hơn hữu nghị và hợp tác, nhất là sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.
Năm 1947 Ấn Độ giành độc lập, tiếp đó năm 1949, nước CHND Trung Hoa ra đời, ngay sau đó hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 1/4/1950. Năm 1954, hai nước cùng với Myanmar ký Hiệp ước "5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” và “Hiệp định Pancasila”, tức Hiệp định thông thương giữa Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ nhằm giữ ổn định vùng biên giới giữa hai nước.
Các nước trên thế giới, nhất là các nước Châu Á vui mừng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị hai nước lớn nhất châu Á sẽ là nhân tố quan trọng làm ổn định khu vực. Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, ngay sau đó quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc đánh chiếm Tây Tạng và phát động cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.
Tới thập niên 1980, hai nước đều có những biện pháp hòa dịu, như tháng 12/1988, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi thăm Trung Quốc.
Getty Image
Tiếp đó năm 1996, Chủ tịch Giang Trạch Dân thăm Ấn Độ, đây là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc thăm Ấn Độ kể từ khi hai nước quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm này, hai bên ký kết "Hiệp định xây dựng biện pháp tin cậy về lĩnh vực quân sự tại Khu vực biên giới trên tuyến mà hai bên kiểm soát thực tế".
Quan hệ hữu nghị hợp tác các mặt kể cả giữ yên tĩnh và duy trì ổn định biên giới được cải thiện và tăng lên đáng kể. Hiện Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 27 của Trung Quốc. Ấn Độ đầu tư vào 256 hạng mục với số vốn 172 triệu USD ở Trung Quốc, và Trung Quốc đầu tư 17 triệu USD vào Ấn Độ.
Cùng với tăng cường hợp tác kinh tế, mối quan hệ hợp tác về chính trị ngoại giao cũng tăng lên. Hai nước là thành viên của Nhóm nước thị trường mới nổi (BRICS) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình và THỦ TƯỚNG Narendra Modi LÊN NẮM QUYỀN, quan hệ hai nước có tiến triển, nhưng mây đen vẫn che phủ nhiều hơn hữu nghị.Ngay sau khi ông Modi thắng cử, phía Trung Quốc rất chủ động tìm cách cải thiện quan hệ, như cử Ngoại trưởng Vương Nghị sang dự lễ nhậm chức. Tiếp đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm từ 17/9 tới 19/9/2014.
Phía Ấn Độ cử Phó Tổng thống Mohammad Hamid Ansari thăm Trung Quốc 5 ngày từ 26/6 tới 30/6/2014. Tiếp đó, Thủ tướng Modi thăm Trung Quốc ba ngày từ 14/5 tới 16/5/2015.
tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến công du 9/2014
Bloomberg | Getty
Nhưng cùng với những cử chỉ hữu nghị này thì mâu thuẫn, hoài nghi và bất đồng vẫn thường xuyên xảy ra. Phía Ấn Độ rất hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc trong các tổ chức hợp tác quốc tế, nhất là kiên quyết từ chối chiến lược "Vành đai, Con đường" cũng như cái gọi là "Hành lang Nam Á" do Trung Quốc khởi xướng. New Delhi còn kéo theo một số nước Nam Á phản đối các sáng kiến của Bắc Kinh.
Đối đầu trên biên giới vẫn thường xuyên xảy ra. Kể từ năm 1996 tới nay, hai bên đã có tới 19 vòng đối thoại về biên giới, nhưng chưa đạt được kết quả nào đáng kể. Bắc Kinh và New Delhi thường xuyên cáo buộc quân đội của đối phương xâm nhập biên giới.
Báo chí Ấn Độ nói rằng ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường (19/5-22/5/2013), phía Trung Quốc cho quân đội xâm lấn sâu vào đất Ấn Độ. Còn ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình (17/9-19/9/2014), báo chí Ấn Độ tố cáo từ tháng 1 tới tháng 8/2014, quân đội Trung Quốc đã có tới 334 vụ xâm nhập vào đất Ấn Độ, vụ mới nhất có hơn 200 lính Trung Quốc xâm nhập vào khu vực Ladakh.
Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ ở bang Aranuchal Pratesh (Trung Quốc gọi là vùng Tạng Nam) không có hướng giải quyết, nên cho dù hữu nghị, hợp tác kinh tế tăng lên, nhưng mâu thuẫn và đối đầu vẫn không thể xóa bỏ.
T heo TS. Lê Thị Hằng Nga, muốn biết chiến tranh có xảy ra hay không, ta cần phân tích xem bên nào có khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến.
Chiến tranh thực chất là một hành động chính trị. Bởi người tuyên bố chiến tranh không phải là lãnh đạo quân đội mà là lãnh đạo quốc gia. Một cuộc chiến có thể đem lại động lực mới cho các thể chế trong nước, bao gồm cả việc thay đổi lãnh đạo hoặc chính quyền.
Về phía Ấn Độ, chắc chắn nước này sẽ không châm ngòi trước cho một cuộc chiến. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy Ấn Độ là đất nước yêu chuộng hòa bình, kiên trì với đường lối bất bạo động – ngay cả khi xảy ra mâu thuẫn xung đột với các thế lực bên ngoài. Là một nước lớn nhưng trong lịch sử, Ấn Độ lại thường xuyên bị các thế lực bên ngoài xâm lăng.
Hiện tại, chính quyền đương nhiệm ở Ấn Độ sẽ phải đối diện với một cuộc bầu cử vào tháng 5/2019. Một cuộc chiến với Trung Quốc, dù ngắn hay dài, cũng sẽ tác động nghiêm trọng tới kinh tế Ấn Độ. Dù nền kinh tế Ấn Độ đang lên nhưng nó cũng đang phải chịu những vấn đề rắc rối đến từ chính sách cải cách kinh tế, tiền tệ.
Hơn nữa, New Dehli chỉ nên khơi mào cho cuộc chiến nếu nắm chắc phần thắng, vì hầu hết người dân Ấn Độ vẫn chưa nguôi ngoai về thất bại năm 1962. Việc lặp lại thất bại một lần nữa là điều không thể chấp nhận đối với người dân Ấn Độ.
Ấn Độ hiện tại có thể mạnh hơn Ấn Độ năm 1962, nhưng về tổng lực, Ấn Độ vẫn chưa thể bằng Trung Quốc.
Vì vậy, dù Ấn Độ của năm 2017 đã mạnh mẽ và quyết đoán, trong tư thế sẵn sàng hơn cho một cuộc đụng độ quân sự, nhưng Ấn Độ sẽ không châm ngòi trước cho một cuộc chiến. Ít nhất điều này sẽ không xảy ra cho đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2019.
Về phía Trung Quốc, ưu tiên của Trung Quốc hiện nay là biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị, khẳng định vị thế cường quốc thế giới của mình.
Mặc dù thế giới đã thừa nhận sức mạnh kinh tế của Trung Quốc nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận Trung Quốc là lãnh đạo tương lai của thế giới.
Nguyên nhân chủ yếu là vì Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được các quy chuẩn thay thế cho hệ thống quản trị do phương Tây lãnh đạo trong một thế giới đang bị khủng hoảng về giá trị.
Việc Trung Quốc châm ngòi trước cho một cuộc chiến với Ấn Độ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của một cường quốc "trỗi dậy hòa bình" mà nước này mong muốn xây dựng.
Về mặt kinh tế, một cuộc chiến chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cho một nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và đang phải chi rất nhiều cho những sáng kiến như "Vành đai, con đường".
Tóm lại, bà Nga cho rằng gần như 99% chắc chắn sẽ không xảy ra xung đột Trung - Ấn như năm 1962 (1% còn lại sẽ là trường hợp tình huống căng thẳng vượt ngoài kiểm soát và mọi việc thường trở nên khó dự đoán).
Tuy nhiên, căng thẳng sẽ còn kéo dài dai dẳng, âm ỉ trong một khoảng thời gian không xác định, ít nhất là cho đến Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc đến cuộc bầu cử tiếp theo của Ấn Độ, bởi cả hai phía đều cần phải làm hài lòng các cử tri của họ.