PV VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, ở một số nước, họ đang tận dụng tủ điện trên đường phố làm trạm sạc cho xe điện. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc: Đấy cũng là giải pháp rất thông minh, thể hiện ở việc là chúng ta tận dụng được không gian bố trí cho trạm sạc, bởi vì thường những trạm sạc ấy là trạm sạc có công suất nhỏ, cho nên nó cũng không cần không gian nhiều lắm và hiện nay ở Việt Nam chúng ta cũng có những hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng, lắp đặt cho trạm sạc rồi, chúng ta có thể thay đổi, nâng cấp nó lên để thành tiêu chuẩn cho trạm sạc.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là vấn đề kỹ thuật, mà vấn đề là chúng ta đưa một thiết bị không thuộc hạ tầng giao thông vào thành một hạ tầng giao thông thì lúc ấy chúng ta sẽ phải có những hành lang pháp lý cụ thể hơn nữa, chi tiết hơn nữa để đảm bảo rằng cái vị trí đó vẫn tuân thủ những hành lang pháp lý về mặt giao thông, một trang thiết bị phục vụ giao thông.
PV : Theo ông, những rào cản chính trong việc đưa tủ điện thành trạm sạc là những gì?
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc : Rào cản chính thì đầu tiên chúng ta phải nói là những tủ điện đấy biến thành trạm sạc thì phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn về trạm sạc, đảm bảo an toàn, an ninh, kỹ thuật từ phòng chống cháy nổ cho đến an toàn về điện, rồi an toàn về môi trường. Đấy là cái đầu tiên và chúng ta đã có những hành lang pháp lý cơ bản để làm được điều đó.
Rào cản thứ hai là rào cản về hạ tầng giao thông, những việc đặt tủ điện đó nó có đảm bảo phục vụ hạ tầng giao thông hay không. Tôi lấy ví dụ như đỗ xe, ở đấy sạc xe là phải đỗ, nó có gây ách tắc giao thông hay không, nó có phù hợp quy hoạch chung giao thông hay không; lúc không có xe điện đỗ thì nếu xe được đỗ thì xe khác đỗ thì sao?
Chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho những việc đấy, thí đấy sẽ là những rào cản và chúng ta phải có những hành lang pháp lý đấy sớm thì chúng ta sẽ triển khai được việc đấy nhanh chóng và tôi nghĩ giải pháp sử dụng, tận dụng những cái tủ điện để thành trạm sạc khá là thông minh và nếu chúng ta đầy đủ hành lang pháp lý về từ giao thông cho đến kỹ thuật thì chúng ta sẽ áp dụng được tốt điều đấy.
PV: Kinh nghiệm quốc tế họ xử lý những rào cản, những vướng mắc đó như thế nào và Việt Nam có thể học hỏi ra sao?
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc : Kinh nghiệm quốc tế thì mỗi nước có một cách làm khác nhau. Ví dụ như Canada, thậm chí từng tiểu bang, từng khu vực, từng địa phương họ có thể sử dụng chế tài hình phạt. Nếu xe xăng đỗ vào chỗ đỗ của xe điện, khu vực sạc, họ sẽ phạt rất nặng.
Họ có những quy định về những tuyến đường xe điện được đỗ, những tuyến đường cho xe sạc và chỉ cho xe điện... và có những chế tài để phạt.
Thứ hai, họ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, những người đi xe xăng họ sẽ biết đấy là điểm đỗ của xe điện thì họ cũng không bao giờ đỗ vào những điểm đó. Ý thức của người tiêu dùng tốt lên, ý thức cộng đồng nâng cao lên. Họ chỉ tập trung vào 2 khía cạnh đấy thôi.
PV : Để thực hiện những ý tưởng như ông vừa phân tích thì chúng ta cần chuẩn bị hoặc cần những điều kiện như thế nào?
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc: Điều kiện cần thiết nhất, như tôi phân tích, điều kiện về kỹ thuật thì chúng ta đã có. Tạm thời là đầy đủ. Thế còn đối với hạ tầng giao thông thì chúng ta chưa có. Tôi lấy ví dụ là chỗ đấy được quy định là chỉ xe điện được đỗ thôi và sạc trong vòng 15 phút, hay 20 phút, 30 phút thôi, thì những việc đấy làm thế nào để chúng ta đưa ra được những quy định riêng như vậy cho xe điện thì hiện nay chúng ta chưa có.
Và chúng ta cũng chưa có chế tài nào để kiểm soát được những việc đó là đúng; những chỗ đỗ xe điện bây giờ thậm chí xe xăng vào đỗ thì chúng ta cũng chưa có chế tài và nó cũng là một điều gây lãng phí nguồn lực.
Ví dụ chúng ta làm trạm sạc cho xe điện rồi, được đỗ xe thì xe xăng đỗ vào thì xe điện không đỗ được, thế là mọi nguồn lực đầu tư của chúng ta đều bị lãng phí. Đấy là những hành lang pháp lý và những chế tài đi kèm với nó để thực hiện được việc đó, để cho người sử dụng một cách công bằng và hiệu quả nhất.
PV: Xin cảm ơn ông.