Trong một tuyên bố hôm 28/9, Taliban khẳng định nhóm này chịu trách nhiệm đối với chủ quyền Afghanistan (bao gồm cả không phận), và yêu cầu Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ theo Thỏa thuận Doha (tháng 2/2020).
"Gần đây, Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế, không tuân thủ cam kết mà họ ký với Các tiểu Vương quốc Hồi giáo (quốc hiệu Afghanistan do Taliban tự đặt - PV) ở Dohar (Qatar). Không phận Afghanistan tràn ngập máy bay không người lái của Mỹ", trích tuyên bố.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, tuân thủ các cam kết và luật pháp quốc tế để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào", Taliban nhấn mạnh.
Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng trước, Taliban đã thu giữ kho vũ khí chủ yếu do Mỹ sản xuất trị giá hàng chục tỷ USD, bao gồm súng phóng lựu, xe chống mìn, xe Humvee…
Taliban cũng sở hữu một số lượng nhỏ máy bay (hầu hết trong số đó là trực thăng bị tháo rời một phần), cùng một số máy bay không người lái, trực thăng tấn công trinh sát và trực thăng UH-60 Black Hawk.
Theo Sputnik, Mỹ đã trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan số vũ khí trị giá khoảng 28 tỷ USD từ năm 2002 đến 2017. Hầu như tất cả các thiết bị này - ngoại trừ số vũ khí bị phá hủy - đều đã rơi vào tay Taliban.
Tháng trước, Nga bày tỏ quan ngại rằng kho vũ khí bị bỏ lại có thể được sử dụng để châm ngòi cho một cuộc nội chiến ở Afghanistan. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo một phần của kho vũ khí có thể sẽ bị Taliban rao bán, hoặc rơi vào tay các nhóm khủng bố khác như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda.
Mỹ - dù đã rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan - vẫn tự bảo lưu quyền tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên khắp lãnh thổ quốc gia Trung Nam Á này để tiêu diệt các mục tiêu khủng bố.
Cuối tháng 8/2021, Mỹ tiến hành cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào một chiếc xe hơi mà Washington nghi là của nhóm khủng bố IS-Khorasan ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Sau vụ tấn công, quân đội Mỹ khẳng định ít nhất một chiến binh IS-Khorasan đã bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 9, tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), bất ngờ thừa nhận cuộc tấn công "là một sai lầm", và 10 dân thường Afghanistan, trong đó có 7 trẻ em, đã thiệt mạng.