Tại sao Ukraine đe dọa phát triển vũ khí hạt nhân nếu không được gia nhập NATO?

Đức Trí |

Ukraine vừa tuyên bố xem xét phát triển vũ khí hạt nhân nếu không được gia nhập NATO, đây là lời đe dọa “suông” hay còn nhằm mục đích gì?

Ukraine đã từng là cường quốc hạt nhân trên thế giới. Nguồn: Sina.

Ukraine đã từng là cường quốc hạt nhân trên thế giới. Nguồn: Sina.

Theo báo cáo của Sputnik/Nga ngày 16/4, phát biểu trong một chương trình phát thanh của Đài Deutschlandfunk, Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk cho biết, nếu Ukraine không thể trở thành thành viên NATO, thì Ukraine cần phải tự bảo vệ mình, trong đó hồi phục lại các cơ sở hạt nhân là điều cần thiết.

Andriy Melnyk nói: “Chúng tôi hoặc là trở thành một phần của NATO và có thể sẽ làm cho châu Âu ngày càng mạnh hơn, hoặc là chúng tôi chỉ có một cách: Tự trang bị vũ khí, Ukraine có thể suy nghĩ về vấn đề vũ khí hạt nhân. Nếu không chúng tôi làm cách nào để bảo vệ bản thân?”

Ông cũng tuyên bố rằng, Ukraine không chỉ cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn cần sự hỗ trợ của các loại vũ khí hiện đại. Sau đó, ông nói trên Twitter, Ukraine cần sự hỗ trợ từ Đức và việc gia nhập NATO càng sớm càng tốt sẽ giúp Ukraine chống lại Nga.

Theo báo cáo, sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa hưởng một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ với 1.700 đầu đạn hạt nhân, 176 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 44 máy bay ném bom chiến lược.

Tuy nhiên, Ukraine đã ký "Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh" vào năm 1994, theo quy định của bản ghi nhớ, Ukraine phải loại bỏ kho vũ khí hạt nhân này và tham gia "Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga hứa sẽ không gây áp lực kinh tế đối với Ukraine, cũng như tìm kiếm hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay lập tức trong trường hợp Kiev trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược vũ trang.

Theo Military Watch, ngành công nghiệp hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Ukraine đã mất đi nhiều nhà khoa học quan trọng khi họ chạy theo các đề nghị hấp dẫn hơn ở nước ngoài và tình trạng cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của nước này khiến một chương trình như vậy khó được theo đuổi.

Còn theo các chuyên gia Ukraine, Ukraine có quyền phá vỡ tất cả các thỏa thuận về việc phát triển vũ khí hạt nhân sau khi các quốc gia tham gia đã vi phạm nghiêm trọng Bản ghi nhớ Budapest.

Các chuyên gia này cũng thừa nhận rằng, đối với việc sản xuất vũ khí hạt nhân, Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật, hiện tại họ đang có rất nhiều nguyên liệu thô trong nước tuy nhiên để biến chúng thành vũ khí hạt nhân không hề dễ dàng.

Trên thực tế, Ukraine là một trong 10 nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, có khoảng 1.000 tấn sản lượng mỗi năm. Uranium tự nhiên chứa 1% U235 – là một trong những thành phần chính của bom nguyên tử.

Nghĩa là với sản lượng khai thác mỗi năm như vậy, Ukraine có thể có khoảng 10 tấn U235, với khối lượng này họ đủ điều kiện để sản xuất 100 quả bom nguyên tử.

Gần đây, chính phủ Ukraine ngày càng nói nhiều về việc Ukraine cần gia nhập NATO, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng đây là cách duy nhất để chấm dứt xung đột ở Donbass. Tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân nếu không được gia nhập NATO của Ukraine chính là biện pháp “tung hỏa mù” để thăm dò thái độ của Mỹ và NATO về vấn đề này.

Nguyên nhân quan trọng hơn nữa trong việc Ukraine đe dọa phát triển vũ khí hạt nhân chính là để đề phòng và sẵn sàng đáp trả Nga. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Taran, Nga đang chuẩn bị dự trữ vũ khí hạt nhân ở Crimea và “Moscow có thể tấn công Ukraine để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho bán đảo này”.

Phát biểu trước cuộc họp của Tiểu ban Quốc phòng của Nghị viện châu Âu tại Brussels - Bỉ hôm 14/4, ông Andrii Taran lưu ý, ông không thể loại trừ khả năng các lực lượng Nga ở Crimea có thể "thực hiện các hành động khiêu khích quân sự" vào năm 2021.

"Cơ sở hạ tầng của Crimea đang được chuẩn bị để có khả năng tích trữ vũ khí hạt nhân" - ông Taran nói.

Theo Reuters, bất kỳ quyết định nào của Nga trong việc chuyển vũ khí hạt nhân tới Crimea sẽ là diễn biến tồi tệ trong căng thẳng Đông-Tây. Động thái đó sẽ gia tăng căng thẳng cho một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới được gia hạn giữa Mỹ và Nga, vốn áp đặt các hạn chế đối với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng đi từ mặt đất và tàu ngầm.

Về phía Nga, Moscow cho rằng, việc Ukraine gia nhập NATO không chỉ mang lại hòa bình cho Donbass mà còn mang lại những hậu quả không thể tránh khỏi đối với nhà nước Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại