Tỏi là loại nguyên liệu gia vị phổ biến mà bất cứ gian bếp nhà nào cũng có. Tỏi không chỉ được dùng làm nguyên liệu để khử mùi tanh mà còn có thể dùng để xào cùng các loại rau củ hoặc ngâm thành món ăn kèm rất ngon.
Hầu hết tất cả chúng ta thường có thói quen mua rất nhiều tỏi để dự trữ và dùng dần khi chúng chính vụ. Bởi vì vào thời điểm đó tỏi tươi và ngon hơn cả. Khi mua tỏi ở siêu thị, chúng ta sẽ thấy chúng trông rất đẹp và hiếm khi thấy mọc mầm. Và dù chúng ta đã lựa chọn kỹ những củ tỏi có cảm quan "như hàng mới" nhưng về nhà khoảng vài ngày sau chúng lại nảy mầm nhỏ.
Tình huống này chắc hẳn nhiều người đã rơi vào và hầu hết chúng ta đều chắc chắn rằng: Rõ ràng là tỏi chưa nảy mầm khi tôi mua ở siêu thị. Tại sao nó lại bắt đầu nảy mầm ồ ạt chỉ sau vài ngày?
Vậy hiện tượng này là do đâu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
1. Nguyên nhân khiến tỏi ở siêu thị không dễ bị mọc mầm
Bằng mắt thường, chúng ta có thể dễ dàng thấy: Tỏi ở siêu thị dù được "chất thành núi", không theo trật tự sắp xếp nào nhưng lúc nào chúng cũng "đẹp mã", khô ráo và nhìn như là mới được thu hoạch. Và chúng chỉ thay đổi chất lượng sau khi chúng ta mang về nhà: trở nên ọp ẹp và nảy mầm ồ ạt. Trên thực tế điều này xảy ra chủ yếu có những lý do sau:
Đầu tiên bạn phải biết rằng nhu cầu mua tiêu thụ sản phẩm ở siêu thị là tương đối cao. Lượng người mua lớn. Trong khi đó tỏi là loại nguyên liệu được sử dụng trong nấu nướng hàng này nên cũng là mặt hàng được tiêu thụ rất nhanh. Vì vậy, các siêu thị cần thu mua số lượng lớn tỏi mỗi ngày để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng. Cũng vì thế tỏi trong siêu thị mà bạn dường như thấy "chất núi" thực ra không tồn tại lâu trong siêu thị, nó được bù đắp bằng lượng tỏi mới mỗi ngày sau khi được tiêu thụ hết. Cho nên sức tiêu thụ khiến tỏi ở siêu thị "không có cơ hội nảy mầm".
Thứ hai là môi trường bảo quản tỏi ở siêu thị luôn tốt hơn ở nhà chúng ta. Để đảm bảo độ tươi ngon của các nguyên liệu khác nhau trong siêu thị, môi trường xung quanh sẽ được giữ ở nhiệt độ tương đối thấp. Hơn nữa, một hệ thống thông gió rất tốt đã được lắp đặt trong siêu thị. Điều này cũng một phần quyết định chất lượng của tỏi được đảm bảo tốt hơn. Trong khi đó, sau khi chúng ta mua tỏi về nhà, môi trường nhiệt độ thay đổi, độ ẩm cao... Từ đó khiến cho quá trình nảy mầm tự nhiên của tỏi sẽ diễn ra nhanh hơn.
Mặt khác, tỏi ở siêu thị được bày trên một kệ/quầy riêng tách biệt. Còn chúng ta sau khi mua tỏi về nhà thì để lẫn với các loại rau củ quả khác, quá trình xúc tác lẫn nhau cũng sẽ khiến tỏi nảy mầm.
Thứ ba, ngày nay với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, tỏi cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác được xử lý bằng công nghệ tương đối đặc biệt để giúp kéo dài thời gian bảo quản. Chẳng hạn nhiều siêu thị sử dụng đèn chiếu sáng để khử trùng, ngăn chặn nấm mốc, độ ẩm... xâm nhập vào thực phẩm. Loại đèn tỏa nhiệt này cũng có thể cản trở sự nảy mầm của tỏi ở một mức độ nhất định và có thể loại bỏ một số vi khuẩn ở lớp vỏ bên ngoài của tỏi.
Thứ tư là yếu tố con người. Ở siêu thị bạn hiếm thấy những củ tỏi mọc mầm là bởi nhân viên bán hàng thường xuyên kiểm tra và thay thế những sản phẩm không còn đạt chất lượng kịp thời.
2. Bạn vẫn có thể ăn tỏi mọc mầm chứ?
Vì môi trường bảo quản của mỗi gia đình khác nhau và nhiệt độ trong nhà cũng khác nhau nên việc tỏi mọc mầm là điều khó tránh khỏi. Do đó, sẽ có nhiều người thắc mắc tỏi sau khi mọc mầm có ăn được không? Trên thực tế, việc tỏi đã mọc mầm có thể tiếp tục ăn được hay không cần phải được xác định dựa trên những trường hợp cụ thể.
Trước hết, chúng ta cần quan sát quá trình nảy mầm của cả củ tỏi. Nếu việc mọc mầm chỉ do môi trường xung quanh quá ẩm và nóng thì việc tiếp tục ăn cũng không có hại gì.
Cụ thể tỏi sau khi nảy mầm mà bạn thấy rằng nó có dấu hiệu mất nước, mùi vị không thay đổi và chỉ hơi teo lại... Những củ tỏi thế này chất dinh dưỡng không bị hao hụt nhiều, vẫn rất cao thì bạn vẫn có thể dùng được.
Thứ hai, nếu tỏi đã nảy mầm mà có dấu hiệu bị thối, cùi teo và có vết mốc ở một số chỗ thì bạn phải bỏ chúng đi. Một số người có thể nghĩ rằng chỉ cần cắt bỏ phần bị hư hỏng là đủ, nhưng thực tế không phải vậy. Một khi một miếng tỏi nhỏ bị thối, toàn bộ củ tỏi sẽ bị nhiễm nấm mốc. Khi ăn phải thức ăn bị mốc vào dạ dày, chúng ta rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, tốt nhất bạn nên vứt bỏ tỏi trong tình huống này để duy trì sức khỏe.
3. Cách bảo quản tỏi để giảm khả năng nảy mầm
Vậy chúng ta nên làm gì với lượng tỏi mua về nhà để hạn chế tối đa tình trạng tỏi mọc mầm? Nếu muốn tránh tỏi mọc mầm, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thay đổi môi trường xung quanh nơi bảo quản tỏi.
Phương pháp đầu tiên là treo tỏi nơi thông gió. Tỏi vừa mua về nhà vẫn còn tương đối tươi, chúng ta có thể bọc toàn bộ tỏi bằng một tấm lưới thoáng khí. Cuối cùng, treo tỏi này ở nơi thoáng mát trong phòng để bảo quản được lâu. Nhưng bạn cần lưu ý không treo tỏi ở ban công vì dễ tiếp xúc trực tiếp với độ ẩm, ánh nắng mặt trời sẽ khiến tỏi nảy mầm nhanh hơn. Chỉ cần bảo quản tỏi ở môi trường tương đối mát mẻ và thông thoáng thì tốc độ nảy mầm của tỏi có thể giảm xuống.
Phương pháp thứ hai là dùng muối tiêu và hạt tiêu để bảo quản. Phương pháp này yêu cầu bạn dùng một ít muối và hạt tiêu rang trong nồi khoảng 3 phút. Cho hạt tiêu và muối đã rang vào túi gạc thoáng khí, buộc kín lại rồi đặt vào cùng tỏi. Mùi nồng của hạt tiêu rang có tác dụng xua đuổi côn trùng. Đồng thời, muối rang này có khả năng hấp thụ lượng nước dư thừa ở mức nhất định, giúp tỏi không bị nảy mầm, thối rữa nếu môi trường bảo quản ẩm.
Phương pháp thứ ba là bảo quản tỏi trong tủ lạnh cùng với gói hút ẩm. Cho tỏi vào tủ lạnh là tạo ra môi trường bảo quản ở nhiệt độ tương đối thấp. Như vậy tỏi ít có khả năng nảy mầm. Với phương pháp này chúng ta cần lưu ý khi cho tỏi vào, túi cần phải kín để tránh mùi lây lan giữa các loại thực phẩm. Bên cạnh đó bạn hãy cho vào túi đựng tỏi vài gói hút ẩm.