Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao tổ tiên chúng ta lại chọn một số loài nhất định như ta thấy ngày nay để thuần hóa – chứ không phải là những loài khác chưa? Điều gì đã định hình nên lựa chọn của "các cụ", và sau cùng định hình nên thế giới ngày hôm nay? Những loài này thật sự có gì đặc biệt hay tất cả chỉ là sự ngẫu nhiên?
Câu trả lời là không, không có sự ngẫu nhiên nào ở đây hết.
Tổ tiên ta với điều kiện thiếu thốn chỉ có thể thuần hóa một loài nào đó nếu cùng lúc cả 6 yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thuần hóa: chế độ ăn, tốc độ sinh trưởng, khả năng sinh sản, tính khí, độ dạn dĩ và đặc trưng cấu trúc xã hội của loài. Chỉ cần một đặc điểm không thỏa mãn thì loài đó được coi là không thể thuần hóa (ít nhất là với tổ tiên của chúng ta).
1. Chế độ ăn
Mục đích của con người khi thuần hóa một loài là để chúng phục vụ ta, chứ không phải ngược lại. Do vậy, những con quá kén ăn hoặc ăn quá nhiều sẽ là các đối tượng bị loại từ vòng gửi xe.
Không tính đến các loài được lai tạo để làm cảnh, phần lớn các loài chung sống được với con người đều thuộc loại phàm ăn và tương đối dễ nuôi. Chỉ cần nhìn vào chế độ ăn của vật nuôi ngày nay bạn cũng có thể thấy ngay điều đó.
Đặc biệt với những loài được nuôi để lấy thịt thì yếu tố này lại càng quan trọng. Để ý xem chúng ta ăn thịt những con gì nhiều nhất nào? Gà, vịt, lợn, bò, dê, cừu là phổ biến, ngoài ra có chim, thỏ, trâu, ngựa... toàn là những loài ăn thực vật! Thịt của các loài ăn thịt như chó, mèo, hổ,... thì hiếm hơn và đều thuộc hàng đặc sản.
Theo quy luật về hiệu suất sinh học giữa mỗi bậc dinh dưỡng trong chuỗi thức ăn, loài có bậc càng cao thì càng tốn nhiều năng lượng để nuôi. Một ví dụ rất đơn giản: giả sử nuôi 1 con bò cần 1 tạ ngô một tháng, thì nuôi 1 con hổ cần khoảng 10 con bò, tức là 10 tạ ngô một tháng. Quá thiệt phải không nào?
2. Tốc độ sinh trưởng
Đời người quá ngắn ngủi để thuần hóa những loài vật cần quá lâu để lớn, sau đó lại cần quá lâu để có thể đẻ được. Thời gian là vàng bạc mà. Vậy nên để việc thuần hóa đạt hiệu quả xứng đáng với công sức bỏ ra, lựa chọn khôn ngoan nhất chính là chọn lấy những loài chóng lớn.
Ví dụ tiêu biểu nhất bị loại bởi yếu tố này chính là khỉ đột và voi. Hai thí sinh này ăn uống đạm bạc, dễ dạy dỗ do khá thông minh lại có thân hình "đô vật" rất phù hợp với nhiều việc nặng nhọc. Tuy nhiên, chúng lại mất tới hơn 10 năm mới đạt đến tuổi trưởng thành, do đó không thể đáp ứng kịp nhu cầu của con người. Loại!
Ảnh minh họa
3. Khả năng sinh sản
Đi đôi với tốc độ sinh trưởng, ta dễ dàng nhận thấy rằng càng nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên bên cạnh con người thì loài đó càng có giá trị sử dụng và càng "thuần", biết nghe lời. Chính vì điều này, những loài mắn đẻ, tuổi sinh thấp, lứa sinh nhiều con và có thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt sẽ rất phù hợp để khai thác.
Báo săn thực ra đã có thể trở thành bạn đồng hành tuyệt vời của con người, bởi chúng có tốc độ và thể chất đáng nể, lại không quá dữ dằn. Tuy nhiên, loài vật này lại tuân theo một tập tính giao phối khá cầu kì: con đực phải chạy sóng đôi với con cái tới vài ngày trời trước khi chính thức được "hành sự".
Báo săn thậm chí từng được con người nuôi từ thời Ai Cập cổ
Nghi thức này đòi hỏi một không gian cực kì lớn, mà nếu chuồng trại của con người không đáp ứng được thì rất đơn giản thôi chúng sẽ không đẻ nữa. Vì vậy, dù tổ tiên ta từng đánh giá rất cao báo săn nhưng đặc điểm này vẫn khiến họ phải lắc đầu.
4. Tính khí
Loài người chúng ta tuy vượt xa các động vật khác về trí tuệ, nhưng lại khá thua thiệt và yếu ớt nếu xét trên phương diện thể chất. Chúng ta nhỏ bé, không hề khỏe, không có sức bền, không có răng lớn, không có móng vuốt... Khả năng sử dụng vũ khí là một thế mạnh nhưng điều này không thể quyết định tất cả.
Vì vậy, đứng trước những đối tượng quá nguy hiểm, tốt nhất là... bỏ chạy thay vì tìm cách lôi được loài vật đó về nhà để thuần hóa.
Đây chính là câu trả lời cho việc tại sao chúng ta không thể cưỡi ngựa vằn. Báo săn trông hung dữ nhưng chính ra rất dễ thuần dưỡng, còn ngựa vằn thì không. Mọi nỗ lực dạy bảo loài vật ương bướng này đều thất bại vì chúng rất hay cắn và đã cắn thì không bao giờ chịu nhả ra dễ dàng. Gấu xám và hà mã cũng không phải là ứng cử viên sáng giá với lí do tương tự.
Thực ra là vẫn cưỡi được, chỉ là mất công hơn và không an toàn
Tuy nhiên hơn một thế kỉ trở lại đây, với sự đầy đủ của công cụ, cộng thêm tính hiếu thắng của con người, nếu nhất định phải thuần hóa bằng được mới chịu thì ngựa vằn cũng phải đầu hàng. Các rạp xiếc là một ví dụ điển hình.
5. Độ dạn dĩ
Muốn thuần hóa một loài nào đó, tối thiểu ta phải đến được gần chúng đã, sau đó mới tính đến những chuyện khác.
Một số động vật – ví dụ như linh dương, hươu, nai rất nhút nhát, hay hoảng loạn khi bị đe dọa và những lúc đó thì chúng cắm đầu chạy thục mạng. Không cần biết mối nguy đó có thật sự là một mối nguy hay không, để cho chắc thì cứ chạy đã rồi hay sau.
Nếu dồn ép quá mức thậm chí chúng có thể chạy tới mức vô tình đập đầu vào đâu đó chết luôn. Điều này có nghĩa là việc tiếp cận những loài này với tổ tiên chúng ta mà nói có thể coi là bất khả thi.
6. Cấu trúc xã hội
Mỗi loài đều có một cấu trúc xã hội riêng, và nếu cấu trúc đó có 3 đặc điểm sau thì chúng mới dễ thuần hóa: sống theo đàn (dễ nuôi nhốt và di chuyển), hệ thống cấp bậc linh hoạt (chúng có thể nghe theo một cá thể nổi trội của loài nhưng cũng có thể nghe theo con người – nói một cách đơn giản, chúng chấp nhận con người là thủ lĩnh) và không đòi hỏi lãnh thổ riêng (dễ hòa đàn và ít đánh nhau vì chỗ ở).
Tê giác tương đối khỏe, nếu phải đảm nhận việc cầy bừa cũng không tệ đâu. Tuy nhiên, chúng là loài sống đơn độc, lại thường phân chia lãnh thổ rất gay gắt với những con bằng tuổi mình. Trái lại, trâu bò và ngựa không có những đặc điểm này nên đã lọt vào mắt xanh của con người từ thời tiền sử và cuối cùng ở bên chúng ta từ đó đến giờ.
Một điều thú vị nữa về yếu tố này: mèo vốn là loài đơn độc, chúng cơ bản không thỏa mãn cấu trúc xã hội nêu trên. Vậy tại sao ta thuần hóa được chúng?
Thật ra, chúng ta không thuần hóa mèo. Chúng tự đến và chung sống với chúng ta, cả hai đều có lợi nên mối quan hệ này được duy trì. Thật thú vị phải không?
Nguồn: Smart By Design