Tại sao Nga triển khai máy bay chiến đấu Su-57 tại Syria?

TUẤN SƠN (tổng hợp) |

Sự kiện Nga bí mật triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA Su-57 tới Syria đang tạo ra làn sóng tranh luận rộng rãi trong giới chuyên gia quân sự quốc tế. Dù thông tin trên đã được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, nhưng mục đích chính của việc Nga triển khai Su-57 tới Syria đang là một câu hỏi lớn.

Sự kiện được dự báo trước

Trước sự kiện hôm 23-2, khi hình ảnh máy bay Su-57 hạ cánh xuống căn cứ Hmeymin được công bố, Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần đưa các thông điệp đầy ẩn ý về khả năng triển khai dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này tới Syria. Tần suất về khả năng này trở nên dày đặc trong vài tháng gần đây có thể coi là tín hiệu rõ ràng nhất.

Tại sao Nga triển khai máy bay chiến đấu Su-57 tại Syria? - Ảnh 1.

Những kinh nghiệm thực chiến rất có giá trị đối với dòng phương tiện chiến đấu mới, trong đó có máy bay Su-57.

Cụ thể, ngày 8-2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố, Không quân Nga đã nhận các máy bay Su-57 đầu tiên và chương trình thử nghiệm cấp quốc gia giai đoạn đầu tiên của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này đã hoàn tất.

Trước đó hai tuần, lãnh đạo Tập đoàn Tactical Missiles Corporation, Boris Obnosov tuyên bố, PAK FA đã bắt đầu thử nghiệm với vũ khí mới trang bị trên khoang. Ông B. Obnosov khẳng định, các dòng vũ khí mới dành cho Su-57 do Raduga và Vimpel phát triển đã sẵn sàng cho các thử nghiệm thực tế.

Một động thái rõ ràng khác về khả năng cho phép Su-57 được thử nghiệm trong điều kiện thực chiến đã được công bố trong bài phát biểu của nghị sĩ Duma Quốc gia Nga, Vladimir Gutenov. Theo lời ông này, Su-57 cần được thử nghiệm trong điều kiện thực chiến và đối mặt với các đối thủ tiềm năng.

Cùng với đó, việc triển khai Su-57 tới Syria có thể coi là thông điệp rõ ràng tới các quốc gia đang thường xuyên coi không phận Syria là "vùng trời quê hương".

Đánh giá của chuyên gia Nga

Liên quan tới sự kiện Su-57 hiện diện tại Syria, chuyên gia Andrei Frolov, Tổng biên tập Tạp chí Arms Export, nhận định, động thái trên có ý nghĩa quảng bá rộng rãi hình ảnh của máy bay thế hệ mới của Nga tới khách hàng tiềm năng, trong đó có Ấn Độ.

New Delhi đang là "khách hàng vàng" của ngành công nghiệp quốc phòng Nga với thành công của chương trình mua sắm máy bay chiến đấu Su-30MKI, tên lửa hành trình BrahMos và tương lai sẽ là FGFA (phát triển trên cơ sở PAK FA).

"Hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin đang tích cực tìm kiếm cơ hội ở thị trường Ấn Độ, trong khi đó quá trình đàm phán về chương trình FGFA đang có dấu hiệu chững lại.

Việc Su-57 hoàn thành giai đoạn thử nghiệm công nghệ cấp quốc gia Nga trong năm 2017 và tham gia hoạt động quân sự tại Syria sẽ thuyết phục giới chức Ấn Độ rằng FGFA có tương lai rộng mở. Nó không chỉ là nguyên mẫu công nghệ, mà đã có đủ khả năng tham chiến thực sự", chuyên gia A. Frolov đánh giá.

Về sự kiện trên, cựu phi công Nga, Đại tá Nikolai Antoshkin nhận xét, Không quân Nga đang chuyển loại phi công lái Su-57 tại Trung tâm huấn luyện bay Lipetsk và việc máy bay thế hệ 5 này có mặt tại Syria là hành động hợp logic.

"Su-57 là phương tiện chiến đấu tuyệt vời đối phó lại các hành động khiêu khích lực lượng quân sự Nga tại Syria", cựu phi công N. Antoshkin đánh giá. Theo lời ông này, chính sự có mặt của Su-57 tại Syria đã buộc Mỹ phải tạm dừng hoạt động của máy bay F-22 trên không phận quốc gia Cận Đông này do lo ngại khả năng va chạm giữa hai bên.

"Tôi cho rằng việc Su-57 có mặt tại Syria như gửi đi một thông điệp rõ ràng tới các đối thủ tiềm năng rằng họ nên cân nhắc trước khi quyết định đụng độ với lực lượng quân sự Nga và cái giá sẽ phải trả", cựu phi công N. Antoshkin nhấn mạnh.

Tại sao Nga triển khai máy bay chiến đấu Su-57 tại Syria? - Ảnh 2.

Hình ảnh của máy bay Su-57 tại Syria do vệ tinh gián điệp Israel ghi lại.

Phản ứng từ phía chuyên gia phương Tây

Ngay sau thông tin về việc Su-57 có mặt tại Syria, phát ngôn viên Lầu Năm góc đã lên tiếng chỉ trích và coi hành động trên đi ngược với tuyên bố rút quân trước đó của Moscow.

Do thông tin liên quan tới hoạt động của Su-57 tại Syria rất ít ỏi, giới phân tích quân sự phương Tây hiện vẫn hoài nghi về động cơ của Moscow trong động thái này.

Tạp chí Business Insider dẫn lời nhiều chuyên gia quân sự nghi ngờ về thông tin Su-57 triển khai tới Syria là nhằm mục đích quảng cáo hay thu thập thông tin tình báo về hoạt động của Không quân Mỹ trong khu vực.

Quan điểm phổ biến nhất trong giới phân tích quân sự phương Tây hiện nay liên quan tới sự kiện Su-57 có mặt tại Syria là máy bay thế hệ 5 của Nga sẽ có cơ hội thực tế kiểm tra hoạt động của phương tiện chiến đấu tối tân này trong điều kiện thực chiến, cũng như khả năng hoạt động của nó ở môi trường cách xa lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, việc Su-57 có mặt tại Syria sẽ ẩn chứa nguy cơ đụng độ với máy bay F-22 của Mỹ trên không phận quốc gia Cận Đông này, cũng như khả năng bị phiến quân Syria tấn công khi triển khai ở căn cứ Hmeymin. Điều này từng có tiền lệ khi căn cứ Hmeymin từng bị phiến quân nã pháo cối và sử dụng thiết bị bay mang thuốc nổ tấn công.

Một số chuyên gia phương Tây đồng thuận quan điểm của chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin thuộc Trung tâm nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Nga, rằng, Su-57 có mặt tại Syria là nhằm mục tiêu thử nghiệm và hoàn thiện trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Theo chuyên gia Dave Majumdar của Tạp chí The National Interest (Mỹ), Khi Su-57 hoạt động tại Syria, Nga sẽ có được những bài học quý giá về khả năng hoạt động của hệ thống ra-đa mảng định pha chủ động (AESA) thế hệ mới, khả năng thu thập thông tin và tác chiến điện tử của máy bay chiến đấu tương lai, cũng như tham gia các nhiệm vụ chiến đấu một cách hạn chế.

Trong bài viết đăng tải sáng 26-2, tờ báo Nga Kommersant dẫn nguồn tin từ Tổ hợp công nghiệp Quốc phòng Nga đăng tải, mục đích chính của việc triển khai máy bay Su-57 tới Syria là thử nghiệm hệ thống ra-đa hàng không và khả năng tác chiến điện tử. Các máy bay Su-57 tại Syria sẽ không tham gia các nhiệm vụ chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại