YJ-12 được đánh giá là tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất của quân đội Trung Quốc (Ảnh: Handout)
Tên lửa YJ-12 (Ưng kích-12) đã được triển khai ở khu vực bờ biển của Trung Quốc gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Đài Loan và các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ, bài viết đăng tải trên tạp chí này cho hay.
Được cho là tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất của Trung Quốc do tầm bắn và tốc độ, YJ-12 có thể được phóng từ mặt đất, trên không lẫn trên biển, và có nhiều lợi thế khi chống lại các hệ thống phòng không lắp trên các tàu sân bay của Mỹ; theo Tạp chí Hải quân của Đài Loan số ra tháng 12 năm ngoái.
"Eo biển Đài Loan không còn là một tấm lá chắn tự nhiên để chống lại quân đội Trung Quốc (PLA) vượt biển, và không có chiến hạm nào của Đài Loan đủ sức đối phó với tên lửa YJ-12" – bài viết nhận định – "Do sự chênh lệch về quân sự như vậy, Đài Loan cần phải đánh giá một cách thận trọng vị trí của họ và cố gắng đưa ra các chiến lược không cân xứng sáng tạo nhằm tấn công vào yếu điểm của địch thủ."
Bài viết, được chắp bút bởi các tư lệnh hải quân Chen Yi-cheng và Luo Zhen-yu, nói rằng việc PLA triển khai tên lửa lấy cảm hứng từ học thuyết không cân xứng của Liên Xô trước kia – trong đó tập trung vào các lợi thế và đặc tính của quân đội của họ - như một biện pháp để đối phó với chiến lược tàu sân bay của Mỹ.
"YJ-12 là sự kết hợp giữa công nghệ tên lửa siêu thanh của Nga và Trung Quốc", bài viết nói, giải thích rằng mẫu tên lửa này được chế tạo dựa trên tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-270 Moskit của Liên Xô, thêm vào đó là hệ thống radar dẫn đường tối tân của PLA và hệ thống định vị Beidou được Trung Quốc phát triển để làm tăng khả năng tấn công chính xác.
Bài viết nói rằng tầm phát hiện của ăng-ten lắp đặt trên các máy bay cảnh báo sớm của Hải quân Mỹ là khoảng 320 km, trong khi tên lửa YJ-12 có tầm hoạt động trên 400 km.
Bài viết thêm rằng, gần như không thể đánh chặn một đầu đạn YJ-12, khi nó di chuyển với vận tốc Mach 4 (gấp 4 lần vận tốc âm thanh) và có thể đáp trúng mục tiêu chỉ trong vòng 30 giây sau khi khai hỏa.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời và cần phải tái thống nhất, kể cả có phải sử dụng vũ lực.
PLA tin rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ điều động không quân và hải quân để hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp nó bị tấn công, và tên lửa YJ-12 – được thiết kế để tấn công những con tàu cỡ lớn và trung bình – có thể được sử dụng trong trường hợp này; theo cựu sĩ quan lực lượng tên lửa của PLA, Song Zhongping.
"Việc triển khai YJ-12 là nhằm cảnh báo quân đội Mỹ và Nhật Bản rằng họ có thể phải trả giá đắt nếu như quyết định can thiệp vào vấn đề Đài Loan" – ông Song nói.
Quân đội Trung Quốc hiện có 2 triệu binh sĩ, 2 nền tảng tàu sân bay, khoảng 780 chiến hạm và hơn 3.000 máy bay quân sự. Trong khi Đài Loan chỉ có 183.000 binh sĩ, khoảng 120 tàu hải quân và hơn 700 chiến đấu cơ.
Đài Loan cũng tự phát triển hàng phòng thủ bờ biển bao gồm các tên lửa hành trình siêu thanh Hsiung Feng III (Hùng Phong III) và các tác giả bài viết trên cho rằng Đài Loan nên triển khai chúng trên tiền tuyến cùng với tên lửa Harpoon do Mỹ cung cấp.
Năm 2020, chính quyền Đài Loan nói rằng tên lửa Harpoon có tầm bắn khoảng 125 km và sẽ là một thứ vũ khí phục vụ cho chiến lược không cân xứng của họ, đủ khả năng đánh bại các chiến hạm của PLA trong trường hợp bị tấn công.
Trong một bài viết khác, tác giả Peng Chih-ling, trung tá lực lượng mặt đất Đài Loan, cũng đưa ra chi tiết về một số chiến lược ứng phó mà Đài Loan có thể phát triển.
Các chiến lược này bao gồm tăng cường hàng phòng thủ dọc bờ biển có thể trở thành vị trí đổ bộ của PLA, tăng cường phát triển hạm đội tàu ngầm, triển khai một mạng lưới tên lửa và drone có khả năng tấn công chính xác để tấn công chiến hạm, và tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản cùng các nước khác trong khu vực.