Tại sao CSGT chưa xử lý người chặn đường xe buýt nhanh BRT?

Tiến Dũng |

Trung tá Lê Tú – Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Lý do lực lượng CSGT chưa xử lý các hành vi lấn làn, cản trở xe buýt nhanh… là vì người tham gia giao thông chưa quen, nên chưa tiến hành xử lý".

Theo phương án phân luồng, xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động từ 1/1/2017 chạy trên đường riêng, bao gồm tuyến Ba La - Quang Trung (quận Hà Đông)- Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh.

Tại sao CSGT chưa xử lý người chặn đường xe buýt nhanh BRT? - Ảnh 1.

Dù đường có thông thoáng nhưng người tham giao thông vẫn đi vào đường xe buýt nhánh.

Theo quy định, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường.

Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.

Tuy nhiên khi hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt.

Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ hình ảnh ghi lại để phạt nguội.

Theo Nghị định 46, nếu người điều khiển ôtô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

Nhưng theo ghi nhận của PV Infonet, khi xe buýt nhanh Hà Nội chính thức hoạt động tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa thì tình trạng buýt nhanh bị "chặn đầu, khóa đuôi", "tạt đầu" trên phố giờ cao điểm là khá phổ biến.

Trong giờ cao điểm ngày 3/1, mặc dù lực lượng CSGT, TTGT được điều phối phân luồng nhưng hàng trăm ô tô, xe máy vẫn lao lên làn đường riêng và "bủa vây" xe buýt nhanh.

Nhiều ngã tư có xe buýt nhanh đi qua, phương tiện ken kín, thậm chí bến dừng đỗ BRT cũng bị các phương tiện cá nhân "khóa đầu khóa đuôi".

Nhiều trường hợp xe buýt nhanh bấm còi liên tục nhưng vẫn không được nhường đường.

Thậm chí, nhiều đoạn đường trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa giao thông khá thông thoáng nhưng người đi xe máy vẫn tràn sang cả làn đường dành cho xe buýt nhanh "bất chấp" lực lượng chức năng tuýt còi.

Trao đổi với PV Infonet, trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm này, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên địa bàn chưa xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông có hành vi lấn làn, cản trở… xe buýt nhanh”.

Lý do được Trung tá Lê Tú cho hay: “Lực lượng CSGT chưa xử lý các hành vi lấn làn, cản trở xe buýt nhanh… là vì người tham gia giao thông chưa quen, nên chúng tôi chưa tiến hành xử lý.

Đối vớinhững người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có dấu hiệu lấn làn, cản trở xe buýt nhanh, chúng tôi mới tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền với họ là chính, chưa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cũng cho biết, trong những ngày đầu vận hành chính thức, tuyến buýt nhanh hoạt động khá ổn định với tần suất từ 5-15 phút/chuyến và 45 phút/lượt.

Việc đảm bảo thời gian 45 phút/lượt phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại