Nếu là người thường xuyên theo dõi các vấn đề quân sự của Mỹ, chắc hẳn bạn đã nghe rất nhiều lời chỉ trích về dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II, chẳng hạn như chương trình này quá đắt đỏ và bị trì hoãn không biết bao nhiêu lần lần suốt nhiều năm.
Thế nhưng, những tiếng nói chỉ trích nêu trên có thể chưa lưu ý tới một thực tế: F-35 đang được bán rất chạy ở nước ngoài.
Đức trở thành khách hàng mới nhất của F-35
Cuối tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một thương vụ mua sắm F-35A kếch xù. Khách hàng lần này là nước Đức.
Thỏa thuận trị giá 8,4 tỷ USD cho 35 chiếc F-35A cùng các loại vũ khí và thiết bị khác đi kèm. F-35 có thể triển khai vũ khí hạt nhân và người Đức tin rằng tiêm kích tàng hình là lựa chọn lý tưởng cho các nhiệm vụ răn đe và phản ứng nhanh.
Trước đây, người Đức đã có ý định mua F/A-18 Super Hornet nhưng đầu năm nay họ quyết định lựa chọn F-35A. Lightning II được coi là phù hợp hơn vì có rất nhiều đồng minh NATO khác sử dụng nó.
Berlin cũng coi chiếc máy bay này như một lời đáp trả cần thiết trong việc đối phó với Nga. Ngoài ra, lựa chọn này còn góp phần đáng kể cải thiện quan hệ giữa Berlin và Washington.
Như vậy, Đức chính thức trở thành quốc gia mới nhất lọt vào danh sách dài các đồng minh của Mỹ đang mua hoặc có kế hoạch mua F-35.
Máy bay chiến đấu F-35 ở Hà Lan
Một loạt quốc gia khác đang “xếp hàng” mua F-35
Ngày 30/6, Hy Lạp chính thức gửi đề xuất mua 20 chiếc F-35. Nếu thương vụ đầu tiên này suôn sẻ, Athens có thể mua thêm một phi đội 20 chiếc Lightning II nữa.
Tuy vậy, Hy Lạp sẽ chưa mua F-35 ngay tức thì. Việc mua bán sẽ phải chờ đến năm 2028, vì lực lượng không quân của họ cần phải đầu tư để đào tạo phi công và đội ngũ bảo trì tương thích.
Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà chứa máy bay và đường băng, đồng thời cải thiện cơ sở công nghiệp quốc phòng để có thể duy trì hoạt động của những chiếc F-35.
Ngày 20 tháng 7, Cộng hòa Séc cho biết họ đã chọn mua F-35. Quân đội Séc sẽ bắt đầu đàm phán với Mỹ để mua 24 máy bay phản lực thế hệ 5 năm để thay thế cho phi đội JAS 39 Gripen. Khi F-35 được bàn giao, đến năm 2027, Cộng hòa Séc sẽ trở thành quốc gia thứ 16 nhập khẩu F-35.
Phần Lan cũng là một khách hàng gần đây của F-35. Cuối tháng 5, Bộ Quốc phòng Phần Lan thông báo họ sẽ mua một con số khổng lồ 64 chiếc F-35 để thay thế cho F/A-18.
Các máy bay này sẽ bắt đầu được chuyển giao vào năm 2026 và chúng sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2030. Một số máy bay F-35 của Phần Lan sẽ nằm trong lực lượng phản ứng nhanh của NATO vì Phần Lan sẽ là một thành viên tiềm năng của liên minh.
Trong khi đó, Thụy Sĩ, mặc dù là nước không nổi tiếng về quân sự, nhưng cũng có thỏa thuận tạm thời mua 36 chiếc F-35 theo một thỏa thuận trị giá 6,1 tỷ USD.
Chưa hết, Ba Lan không hề dè dặt về ý đồ mua F-35. Họ đã ký một thỏa thuận trị giá 4,6 tỷ USD vào đầu năm 2020 để mua 32 chiếc F-35. Thỏa thuận này gồm cả chi phí hỗ trợ đào tạo và bảo dưỡng. Hoạt động bàn giao các máy bay chiến đấu tàng hình sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2024.
F-35 sẽ bổ sung vào phi đội máy bay chiến đấu F-16 C/D Block 52+ hiện có của Ba Lan và sau đó sẽ thay thế các máy bay Sukhoi Su-22 và MiG-29 đã cũ của nước này.
Bỉ cũng đã chọn mua F-35 vào năm 2018 với 34 chiếc Lightning II. Nước này sẽ đưa máy bay vào hoạt động vào năm 2030. Các phi công sẽ đào tạo trên bốn thiết bị mô phỏng ở Bỉ. Vũ khí là một phần của hợp đồng thứ hai sẽ được đàm phán trong năm nay và Bỉ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để trang bị F-35 trong những năm tới.
Không chỉ có Châu Âu
Ở châu Á, Nhật Bản hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành khách hàng tốt nhất của F-35. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có kế hoạch mua 147 chiếc. Các phi công Nhật Bản và Mỹ đã được huấn luyện với F-35 trong các cuộc tập trận chung trong năm nay.
Hàn Quốc cũng đã tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ sử dụng F-35 vào tháng 7/2022. Cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên hai quốc gia triển khai F-35 cùng nhau. Hàn Quốc có 40 chiếc F-35 sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong năm nay.