Lực lượng Nga cho biết, trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, không quân nước này vừa sử dụng tên lửa hành trình Kh-22 phá hủy căn cứ của lữ đoàn không quân chiến thuật 831 của Ukraine ở Mirgorod, vùng Poltava. Theo Avia, vụ tấn công đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho căn cứ. Hiện chính quyền Kiev chưa phản hồi về thông tin trên.
Kh-22 do Viện Thiết kế MKB Raduga phát triển. Ảnh: military-today.com
Kh-22 là tên lửa tầm xa, do Viện Thiết kế MKB Raduga (Liên Xô cũ) phát triển, với tầm bắn 600 km, tốc độ tối đa 5.600 km/h, vận tốc siêu thanh Mach 4. Đây được xem là vũ khí tiến công chính của oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, trong đó mỗi máy bay mang được tối đa ba quả đạn dưới cánh và thân.
Tên lửa Kh-22 được lắp đặt trên Tu-22M3. Ảnh: Russian Planes
Kh-22 có chiều dài tới 11,65 m, đường kính thân 181 cm. Nặng 5,8 tấn nên Kh-22 chỉ được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược cỡ lớn như Tu-22.
Kh-22 là loại tên lửa diệt hạm có khả năng phá hủy cả tàu sân bay. Ảnh: turbosquid
Tên lửa có 2 chế độ tấn công ở 2 độ cao khác nhau. Ở chế độ bay thấp, nó đạt tới độ cao 12.000 m và bổ nhào xuống mục tiêu với vận tốc khoảng Mach 1,2 tại độ cao cuối cùng dưới 500 m.
Tại chế độ trên cao, nó đạt đến trần bay là 27.000 m và tạo ra một tốc độ lớn để bổ nhào xuống mục tiêu, với tốc độ giai đoạn cuối đạt khoảng Mach 3,4.
Tên lửa diệt hạm Kh-22 có vận tốc siêu thanh đạt Mach 4. Ảnh: Airline
Kh-22 được Nga thiết kế để hủy diệt nhóm tác chiến tàu sân bay dựa vào tốc độ lớn và đầu nổ thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương. Dòng Kh-22 cũng có phiên bản kết hợp radar với hệ thống định vị, cho phép tấn công mục tiêu cố định như cảng biển và sân bay.
Máy bay ném bom Tu-22M3 phóng tên lửa chống hạm Kh-22. Ảnh: Naval
Các chuyên gia cho rằng, tên lửa Kh-22 sau khi được Nga tiếp tục nâng cấp trong thời gian tới để trở thành loại vũ khí gần như “bất khả xâm phạm” đối với các hệ thống phòng không, phòng thủ của đối phương.