"Không thể đánh giá thấp": Vì sao Ba Lan khiến Nga phải dè chừng ở châu Âu?

Minh Phượng |

Từng là những "cường quốc khu vực" nhưng do những biến động của lịch sử, quan hệ Nga và Ba Lan luôn có những thăng trầm.

Mối quan hệ Nga – Ba Lan: Từ lịch sử đến hiện thực

Mối quan hệ giữa Liên Xô trước kia và Nga hiện nay với Ba Lan vốn rất nhiều thăng trầm và phức tạp. Trong cuộc chiến giữa Liên Xô và Ba Lan năm 1919-1921, Ba Lan đã chiến thắng và họ chiếm được vùng đất ngày nay là phần phía tây lãnh thổ Ukraine.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ngày 1/9/1939, Đức và Liên Xô tấn công Ba Lan (17/9/1941). Warszawa bị chiếm ngày 28/9/1939 và Ba Lan được chia thành hai vùng, vùng phía Tây thuộc quyền kiểm soát của Đức, còn vùng phía Đông (những lãnh thổ mà Ba Lan chiếm từ Liên Xô vào năm 1921) được trao trả cho Liên Xô.

Không thể đánh giá thấp: Vì sao Ba Lan khiến Nga phải dè chừng ở châu Âu? - Ảnh 1.

Quân đội Ba Lan trong một cuộc diễu binh lực lượng.

Sau thế chiến hai, phần lãnh thổ mà các nước đồng minh chia lại cho Ba Lan nhỏ hơn lãnh thổ vốn có của họ sau năm 1921 khoảng 77.000km2, vậy nên không lạ gì khi Ba Lan luôn thù địch với Nga.

Sau năm 1991, Ba Lan tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng Nga bằng việc gia nhập Liên minh châu Âu, NATO và đối lập với Nga trong một loạt các vấn đề ngoại giao nhạy cảm như vấn đề Chechnya và các cuộc chiến giữa hai nước trong lịch sử.

Ba Lan cũng tìm cách thiết lập ngoại giao với các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Ba Lan cũng ủng hộ cuộc Cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine. Nga nhiều lần lên án Ba Lan "vô ơn bạc nghĩa", khi quên mất Nga đã từng "giải phóng Ba Lan khỏi phát xít Đức".

Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Ba Lan ngay lập tức ủng hộ Kiev. Ba Lan cũng là quốc gia tích cực nhất trong việc chống lại Nga và Tổng thống Ba Lan đã có nhiều tuyên bố rất khiêu khích, trong đó có chuyện Ba Lan sẵn sàng cho phép Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trên đất của họ.

Về lực lượng vũ trang của Ba Lan

Đối với Ba Lan, trong suốt lịch sử của mình, quân đội luôn được quan tâm đầu tư và phát triển. Sau khi khôi phục nền độc lập của mình sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, người Ba Lan không đạt đến siêu cường, nhưng họ đã xây dựng được một quân đội tương đối mạnh trong khu vực.

Tính đến trước khi Thế chiến hai bùng nổ (ngày 1/9/1939), Ba Lan có một quân đội với 24 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn bộ binh miền núi, 8 lữ đoàn kỵ binh và 1 lữ đoàn thiết giáp, tổng cộng hơn 1 triệu người.

Ngoài ra Ba Lan còn có một hạm đội không tồi theo tiêu chuẩn của một quốc gia hạng hai khi đó và một quân đoàn bảo vệ biên giới hùng mạnh.

Không thể đánh giá thấp: Vì sao Ba Lan khiến Nga phải dè chừng ở châu Âu? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Ba Lan.

Mặc dù không thể chống cự trước sức mạnh của quân Đức nhưng người Đức cũng bị tổn thất, và người Ba Lan đã cầm cự được 1 tháng. Trong bối cảnh quân Đức xâm lược cả châu Âu như vậy, đó là một thành công lớn.

Quân đội Ba Lan hiện tại bắt đầu được thành lập vào năm 1943 tại Selets gần Ryazan (Nga). Đầu tiên là 1 sư đoàn bộ binh lấy tên Kosciuszko, sau đó là quân đoàn. Tổng cộng, hai sư đoàn Ba Lan được Liên Xô thành lập và đã vũ trang cho Quân đội Ba Lan.

Người Ba Lan đã tham gia tích cực vào các trận chiến trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, là đội quân lớn nhất trong số các đồng minh của Liên Xô ở Đông Âu.

Sau khi Tổ chức Hiệp Ước Warszawa ra đời, Ba Lan cũng là quốc gia nòng cốt trong khối.

Vào thời điểm, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Quân đội Nhân dân Ba Lan có khoảng 300 nghìn quân, 3.100 xe tăng, 3 sư đoàn không quân, lực lượng phòng không hùng hậu, được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-125 và một lực lượng dự bị động viên.

Về sức mạnh khi đó, Quân đội Ba Lan xét về mọi mặt chỉ thua kém quân đội CHDC Đức và có thể so sánh về mặt số lượng với quân đội của các thành viên châu Âu của NATO.

Vào thập niên 1990, sức mạnh Quân đội Ba Lan bắt đầu suy yếu, do cắt giảm ngân sách quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh và nguồn cung cấp vũ khí của Liên Xô không còn.

Tuy nhiên, với việc có các tổ hợp công nghiệp quốc phòng tương đối mạnh và Ba Lan luôn "tự xưng" là lực lượng "nòng cốt" của NATO ở Đông Âu, nên Ba Lan đã duy trì được một quân đội tương đối mạnh.

Xây dựng quân đội hiện đại, tiền đồn chống Nga tại châu Âu

Trong những năm qua, Ba Lan không ngừng tăng quy mô quân đội, hiện nay Quân đội Ba Lan có quân số 155 nghìn quân, dự kiến ​​tăng lên 300 nghìn quân và vũ khí trang bị khá tốt.

Về xe tăng chiến đấu chủ lực: Quân đội Ba Lan có 985 xe tăng, trong đó có 250 chiếc Leopard. Dự kiến ​​mua 250 chiếc M1A2 Abrams. Đồng thời Ba Lan sản xuất phiên bản T-72 được cấp phép của riêng họ.

Về xe chiến đấu bộ binh họ có 1.300 chiếc BMP, hầu hết là phiên bản BMP-1 của Liên Xô, 900 xe chở quân bọc thép.

Về pháo binh, Quân đội Ba Lan có 431 pháo tự hành, 180 pháo phản lực phóng loạt (MLRS).

Về không quân, Ba Lan có 48 máy bay chiến đấu F-16 và một số lượng không rõ các máy bay do Liên Xô chế tạo còn sử dụng được (Su-22 và MiG-29); 28 trực thăng Mi-24, ít nhất 24 UAV Bayaktar TB2.

Không thể đánh giá thấp: Vì sao Ba Lan khiến Nga phải dè chừng ở châu Âu? - Ảnh 3.

Xe tăng PT-91 do Ba Lan sản xuất dựa trên mẫu xe tăng T-72 của Liên Xô.

Ba Lan đang có kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-35, trở thành quốc gia Đông Âu đầu tiên sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình.

Hiện Ba Lan cũng có một hạm đội tương đối mạnh, gồm ba tàu ngầm cũ, hai khinh hạm (mua của Mỹ), hai tàu hộ tống và ba tàu tên lửa.

Đánh giá chung, Ba Lan có một lực lượng quân đội quy mô nhỏ nhưng được huấn luyện tốt, có khả năng tăng gấp đôi quy mô thông qua việc tổng động viên. Điểm yếu của Ba Lan là phòng không, nhưng lại đang được Anh và Mỹ tăng cường.

Về lý thuyết, với khả năng hiện tại, Quân đội Ba Lan có thể chiếm Tây Ukraine trong vài ngày, vì Lực lượng vũ trang Ukraine trong khu vực đó có hai hoặc ba lữ đoàn và một số máy bay chiến đấu.

Một vấn đề khác là nguy cơ va chạm giữa Quân đội Nga và Ba Lan tại vùng lãnh thổ Kaliningrad, điều này sẽ khiến NATO rơi vào tình thế khó xử.

Tham vọng về một đế chế Ba Lan như trong quá khứ, vẫn chưa tắt trong nhiều người Ba Lan, khi họ đề nghị đưa lực lượng Ba Lan và Ukraine làm nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình". Tuy nhiên, Kiev đã ngay lập tức phản đối.

Nga không thể đánh giá thấp Ba Lan, khi Ba Lan có một đội quân khá hùng hậu và chuyên nghiệp, mặc dù không đủ để can thiệp vào những cuộc xung đột lớn nhưng tham vọng chính trị của họ thì không hề nhỏ.

Ba Lan là thành viên NATO, họ có "lá bùa hộ mệnh" là Điều 5 của Hiệp ước NATO, do vậy Ba Lan "rất tự tin" về điều đó, nên thường có những phát biểu gây sốc với Moscow.

Trên thực tế, tiềm lực của Ba Lan cũng chỉ dừng lại ở những lời lẽ "gây khó chịu" cho Moscow, chứ không thể làm gì hơn. Song, một thực tế không thể phủ nhận, đó là Warszawa đang nổi lên là tiền đồn chống Nga hàng đầu tại châu Âu hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại