Tác hại không ngờ của Covid-19, cố vấn Quốc vụ viện thừa nhận điều tồi tệ khiến quan hệ Mỹ-Trung nguy khốn

Hải Võ |

Đại dịch Covid-19 đã làm đổ vỡ những tiếp xúc "hậu trường" - thường được cho là các kênh củng cố và đôi khi là giải cứu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các kênh liên lạc hậu trường bị cắt đứt

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, các quan chức ngoại giao Trung Quốc thời gian qua đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao được gọi là "Chiến lang" (Wolf Warrior) trên mạng xã hội Twitter - nền tảng bị cấm tại Trung Quốc nhưng phổ biến tại Mỹ và trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên Twitter công kích trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, rằng nước này chịu trách nhiệm về sự lây lan Covid-19 trên thế giới do đã "che đậy thông tin" trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Ông cũng ủng hộ giả thuyết virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) gây dịch Covid-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Giới chức chính quyền Trump đã kêu gọi Trung Quốc mở cửa phòng thí nghiệm cấp P4 tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (WIV) cho các thanh sát viên quốc tế điều tra.

Những tiếp xúc hậu trường và trao đổi thông điệp giữa quan chức chính phủ, quản lý doanh nghiệp, cựu quan chức và các nhà học thuật Mỹ-Trung đã bị đình trệ trong thời gian qua, như một hệ quả của không khí đối địch gia tăng giữa song phương cùng với các lệnh hạn chế đi lại do dịch bệnh.

"Đại dịch đã cắt đứt những cuộc gặp cá nhân. Điều này rất tồi tệ," Wang Huiyao - giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh, nói với SCMP. Ông Wang cũng là thành viên một kênh cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc.

"Rất nhiều thông điệp chỉ có thể được chuyển tải một cách gián tiếp qua người phát ngôn và giới truyền thông - điều có thể làm suy giảm tính hiệu quả của trao đổi và dễ dẫn đến những hiểu lầm."

Việc Mỹ-Trung khẩu chiến kịch liệt không chỉ bất lợi cho ngoại giao. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trị giá 200 tỷ USD, ký kết hồi tháng 1 vừa qua, được cho là cũng gặp rủi ro. Ông Trump mới đây đe dọa sẽ "cắt đứt toàn bộ mối quan hệ" với Trung Quốc - bao gồm thỏa thuận này và áp đặt các hành động bổ sung chống lại Trung Quốc, liên quan đến những cáo buộc về Covid-19.

Tác hại không ngờ của Covid-19, cố vấn Quốc vụ viện thừa nhận điều tồi tệ khiến quan hệ Mỹ-Trung nguy khốn - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Trump trong lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, Washington, ngày 15/1/2020 (Ảnh: Reuters)

Những hành động dồn dập nhằm vào Trung Quốc

Tác động nặng nề của Covid-19 đã "thổi bay" thành quả kinh tế cũng như công ăn việc làm gây dựng trong nhiều năm của Mỹ từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Nó cũng khiến Trump không còn có thể dùng thành tựu kinh tế như một quân bài lợi thế mạnh mẽ trong mùa bầu cử tháng 11 năm nay, và ông đang thúc đẩy thông điệp cứng rắn với Bắc Kinh như một cách củng cố sự ủng hộ của cử tri - theo SCMP.

Những ngày vừa qua, chính quyền Trump quyết định thực hiện những kế hoạch được tính toán nhiều tháng, bao gồm gây sức ép lên quỹ hưu trí của chính phủ liên bang ngưng đầu tư vào các công ty Trung Quốc, và siết chặt các hạn chế xuất khẩu đối với hãng viễn thông Huawei (Trung Quốc.

Quốc hội Mỹ cũng xúc tiến các chương trình lập pháp nhằm vào Bắc Kinh.

Thượng viện Mỹ ngày 20/5 thông qua dự luật cho phép chặn một số doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch Mỹ, cũng như buộc các công ty Trung Quốc tuân theo những tiêu chuẩn kiểm toán và quy định của Mỹ. Dự luật do thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy và thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen đưa ra, và được thông qua với sự đồng thuận cao.

Trước đó vào ngày 14/5, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng thông qua dự luật trừng phạt một số quan chức Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc trong vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ.

Ngoài ra, FBI cùng Cơ quan an ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng (thuộc Bộ an ninh nội địa Mỹ) cũng ra thông báo chung cảnh báo tin tặc Trung Quốc đang cố gắng tấn công các tổ chức của Mỹ nhằm đánh cắp thông tin về nghiên cứu vắc xin và điều trị bệnh Covid-19.

Covid-19 khiến nỗ lực hòa dịu khó khăn hơn

Các biện pháp hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 khiến việc tương tác "mặt đối mặt" trở thành bất khả thi và làm cho nỗ lực hòa dịu căng thẳng thêm khó khăn.

"Trung Quốc chưa bao giờ tuyệt vời trong vấn đề hội nghị qua điện thoại hay hội nghị trực tuyến... Đó không phải là cách mà họ làm việc," ông James Green - cố vấn cấp cao tại McLarty Associates - bình luận. Green từng giữ vai trò tham tán thương mại trong Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh vào năm đầu chính quyền Trump.

Green cho biết ông nhận được một thông điệp cơ bản từ phía Trung Quốc thông qua số ít kênh trao đổi phi chính phủ vẫn đang "sáng đèn".

"Ở thời điểm này, phía Trung Quốc không có thông điệp nào khác hơn là 'chúng ta cần nói chuyện'. Đó không phải là một lời nhắn nhủ đặc biệt hấp dẫn," ông nói.

"[Thông điệp] mục tiêu nên là, có hai điều chúng ta (Mỹ-Trung) thực sự cần trao đổi là phát triển vắc xin và tái khởi động nền kinh tế hai nước."

Như tôi đã nói trong một thời gian dài, đối đầu với Trung Quốc rất tốn kém. Mỹ và Trung Quốc chỉ vừa mới đạt được một Thỏa thuận Thương mại tuyệt vời, nhưng khi thỏa thuận này còn chưa ráo mực, thì thế giới đã bị Dịch bệnh đến từ Trung Quốc tấn công. 100 Thỏa thuận Thương mại cũng chẳng bù đắp nổi - với từng ấy sinh mạng đã bị dịch bệnh cướp đi!

Tổng thống Mỹ Donald Trump Tổng thống Mỹ Donald Trump

Khúc mắc Mỹ-Trung thường được xử lý thế nào?

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người từng giúp tổng thống Richard Nixon đạt được đột phá to lớn trong quan hệ với lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, ngày nay vẫn được Trung Quốc đánh giá như một hình mẫu về trao đổi thông tin.

Kissinger thăm Bắc Kinh và gặp gỡ chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái - khi quan hệ song phương cũng leo thang căng thẳng do đối đầu thương mại. Ông khuyến khích đôi bên cải thiện việc liên lạc và giải quyết những khác biệt.

Trước khi Covid-19 gây ra gián đoạn, nhiều cựu quan chức Trung Quốc từng làm việc với Mỹ nhiều thập kỷ vẫn giữ được tình hữu nghị với các cựu đồng nghiệp và các lãnh đạo doanh nghiệp phía Mỹ.

Ví dụ, trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung năm 2018 và 2019, CEO của Blackstone ông Stephen Schwarzman; cựu bộ trưởng tài chính Mỹ và là CEO Goldman Sachs Hank Paulson; và John Thornton, cựu chủ tịch Goldman Sachs, đã giúp hình thành một "tam giác" đối thoại giữa Phố Wall, Washington và Bắc Kinh.

Hiện nay, do các công ty ở cả hai nước đối diện với gián đoạn kinh tế lớn, sự tập trung đã chuyển sang những mối lo ngắn hạn.

"Chắc chắn là có liên lạc đang diễn ra, song kênh tiếp xúc giữa CEO (Mỹ) với ban lãnh đạo Trung Quốc mà tôi quen thuộc cho thấy mức độ rất lớn là mang tính chiến thuật chứ không phải chiến lược," nguồn tin thương mại Mỹ ẩn danh nói với SCMP. "Có quá nhiều hỗn loạn về thương mại và người ta chỉ chú ý đến cái cây chứ không phải cả khu rừng."

Dù lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia ở Mỹ đang nỗ lực can thiệp, song sự cố vấn của họ dường như không được cả hai phía đón nhận.

"Vẫn có một kênh liên lạc mạnh từ Phố Wall đến Bắc Kinh. Nhưng câu hỏi là nó có hiệu quả không? Tôi thấy câu trả lời rõ ràng là không," theo ông Jude Blanchette - nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ.

"Các cuộc đối thoại không còn xoay quanh cách thức chúng ta thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế nữa."

Khi quan hệ Mỹ-Trung hiện nay tập trung vào cạnh tranh chiến lược và an ninh quốc gia, "sẽ rất khó để duy trì những thảo luận như thế, bởi họ sẽ bị nhìn vào như những nghi phạm ở cả hai nước" - ông Blanchette nói.

Tác hại không ngờ của Covid-19, cố vấn Quốc vụ viện thừa nhận điều tồi tệ khiến quan hệ Mỹ-Trung nguy khốn - Ảnh 3.

Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị tiếp bà Susan Shirk tại Bắc Kinh, ngày 28/2/2019 (Ảnh: CGTN)

Thiếu quyết tâm chính trị từ cả hai phía

Giáo sư Shi Yinhong, chuyên gia về Mỹ tại Đại học nhân dân ở Bắc Kinh kiêm cố vấn Quốc vụ viện, nói rằng các kênh hậu trường giữa hai nước lúc này có ít ảnh hưởng bởi thiếu vắng quyết tâm chính trị từ cả hai phía.

"[Kênh trao đổi hậu trường] lúc này vô dụng, dù cho có hàng chục nghìn người đi lại giữa hai nước, và ngay cả khi song phương có rất nhiều người năng lực tốt làm sứ giả," ông Shi nói.

Susan Shirk, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính sách Trung Quốc trong chính quyền Bill Clinton, khi gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 3/2019 đã nhận thấy ông tỏ ra ít thoải mái và thẳng thắn hơn về quan điểm cá nhân so với trước đây.

Shirk - người có mối quen biết hơn 2 thập kỷ với ngoại trưởng Vương Nghị - mô tả, ông Vương tập trung các nhiếp ảnh gia và một người ghi chép, và ông nói rất ít bên ngoài những lập trường chính thức của Bắc Kinh. Bà cho hay ông Vương từng có những cuộc trao đổi cá nhân và thảo luận thẳng thắng hơn trong quá khứ.

"Chính sách đối ngoại của Trung Quốc quá bí mật và thực sự giống như một hộp đen, mà chúng ta không thể biết được liệu ông ấy có thực sự báo cáo lên cấp cao hơn và đưa ra lời khuyên hay không," bà Shirk nhận xét. "Chúng ta cũng có những vấn đề lớn ở phía Mỹ liên quan đến tiếp nhận kiến nghị."

Xin mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại