Ngày 21.6, Mỹ đã nhắc lại đề nghị tôn trọng “vùng phi leo thang căng thẳng”, cảnh báo Tổng thống Syria và đồng minh Nga “sẽ bị trả đũa nghiêm trọng” vì sự vi phạm thỏa thuận. Mỹ cũng cáo buộc Syria phát động không kích, nã pháo và tấn công bằng rocket.
Ngày 22.6, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi dừng lập tức leo thang quân sự ở vùng tây nam Syria, ông “quan ngại nguy cơ những cuộc tấn công này gây ra nhiều nguy hiểm cho an ninh khu vực".
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley nói hoạt động leo thang quân sự của Syria “vi phạm trắng trợn” thỏa thuận “vùng phi leo thang căng thẳng” và 11.000 người đã phải sơ tán. Bà tuyên bố: “Trên hết, Nga phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ sự leo thang nào ở Syria”.
Tổng thống Bashar al-Assad đã thề tái chiếm khu vực tây nam giáp Jordan và Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng. Tuần này, quân đội Syria tăng cường tấn công lớn ở khu vực này, thách thức lời kêu gọi của Mỹ là Syria nên ngưng tấn công.
Ngày 19.6, Syria đã rải truyền đơn cảnh báo sắp tấn công, kêu gọi dân chúng giúp chính phủ loại trừ bọn nổi dậy ở khu vực tây nam, nhưng đây là nơi đầu tiên nổi dậy chống chính quyền kể từ đầu cuộc nội chiến.
Ngày 22.6, Đài truyền hình nhà nước Syria chiếu cảnh các đơn vị bộ binh tấn công “hang ổ và hoạt động của bọn khủng bố” tại khu vực.
Người phát ngôn Abu Bakr al-Hassan của nhóm quân nổi dậy Jaish al-Thawra trong Lực lượng vũ trang Syria tự do (FSA) nói với Reuters rằng bom thùng giội xuống 3 thị trấn và làng mạc, trong khi chiến đấu cơ tấn công một vùng khác.
Ông cho rằng vụ thả bom nhằm kiểm tra hai điều: sự kiên trì của các tay súng FSA cũng như mức độ Mỹ tuân thủ thực hiện “vùng phi leo thang căng thẳng” ở Nam Syria.
Trong khi đó, Nassim Abu Arra, chỉ huy một nhánh quân nổi dậy FSA cáo buộc Iran âm mưu phá hoại thỏa thuận “vùng phi leo thang quân sự” và thề quyết liệt kháng cự: “Chúng tôi có nhiều tay súng. Nếu chế độ Assad mở bất kỳ cuộc tấn công nào ở miền Nam thì họ sẽ phải đối mặt với núi lửa”.
Chính quyền Tổng thống Assad phủ nhận rằng không hề ném bom thùng (là các thùng chứa chất nổ, ném từ trực thăng và không thể thả chính xác vào mục tiêu) nhưng các thanh sát viên LHQ đã ghi nhận việc chính quyền sử dụng chúng trong cuộc nội chiến.
Quân chính phủ Syria mạnh tay sử dụng pháo kích và tấn công bằng rocket, họ chưa dùng đến không quân để tái chiếm các vùng do quân nổi dậy, nghe nói máy bay Nga cũng chưa tham gia.
Đại sứ Nga tại Lebanon, ông Alexander Zasypkin nói với báo Al-Akhbar thân tổ chức vũ trang Hezbollah: “Quân đội Syria có Nga yểm hộ đang tái chiếm đất ở miền Nam, phục hồi quyền của nhà nước Syria. Israel không thể viện lý do gì để thực hiện các hành động cản trở cuộc chiến chống khủng bố của Syria”.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, từ Anh, theo dõi nội chiến Syria) nói trực thăng chính phủ Syria đã ném 12 quả bom thùng xuống khu vực quân nổi dậy kiểm soát, gây nhiều tổn thất nhưng không cho biết số thương vong.
Ngày 21.6, SOHR nói quân Iran, lực lượng vũ trang Hezbollah (ở Lebanon) đã rút khỏi Cao nguyên Golan ở vùng biên giới giáp Israel khoảng 40km, theo yêu cầu của Nga tiếp sau một cuộc đàm phán giữa Nga-Israel hồi đầu tháng 6.
Khu vực tây nam nước này là một mối quan ngại chiến lược cho Israel. Trong năm nay, Israel ráo riết tấn công các cánh vũ trang có Iran “chống lưng” đã liên kết với chế độ Assad, ví dụ Hezbollah.
Tuy nhiên, sau thông tin về thỏa thuận Nga-Israel, tướng Masoud Jazayeri của Iran nói không có chuyện rút quân.