Xung quanh việc còn nhiều đồn đoán, nhưng rõ ràng động thái mạnh tay của Damascus như một lời cảnh báo và có thể phá vỡ thế độc tôn về ưu thế trên không của Tel Aviv vốn được duy trì nhiều thập kỷ qua tại Trung Đông.
Tổ hợp tên lửa phòng Buk-M2E có thể đã bắn hạ F-16I
Ngay sau vụ việc máy bay F-16I của Israel trúng tên lửa phòng không Syria và rơi tại phần lãnh thổ Cao nguyên Golan do nước này kiểm soát, giới phân tích quốc tế đã đưa ra vấn đề lớn: Dòng vũ khí phòng không nào có thể hạ gục phiên bản có thể coi là hiện đại nhất của máy bay chiến đấu F-16 - F-16I Sufa.
Chiếc F-16I trúng tên lửa phòng không Syria rơi tại Cao nguyên Golan.
Những thông tin rò rỉ từ vụ tấn công cho biết, phi đội máy bay F-16I của Israel đã tiếp cận không phận Syria ở độ cao thấp giống như các đợt tấn công trước đó với chiến thuật khi tới khoảng cách thích hợp sẽ bất ngờ leo cao phóng tên lửa hành trình hoặc bom thông minh rồi thoát ly an toàn.
Tuy nhiên, kịch bản này không thành công vào vụ tấn công ngày 10-3, khi hệ thống phòng không Syria phản kháng mạnh mẽ với khoảng 20 đạn tên lửa phòng không từ các trận địa phòng không được phóng ra là 1 chiếc F-16I trúng đạn và theo nhiều nguồn tin là 1 chiếc F-15I khác trúng đạn, bị hư hỏng nghiêm trọng.
Từ các phần còn lại của đạn tên lửa phòng không Syria phóng lên, trong đó có dấu vết của đạn tên lửa S-200 Vega, S-125 Pechora và một số mảnh tên lửa có thể là của Buk-M2E, nhiều chuyên gia quân sự Israel và Trung Đông cho rằng, máy bay F-16I đã rơi vào “trận địa phục kích” của phòng không Syria và có thể đã trúng đạn tên lửa S-200. Tuy nhiên, sự thực có đúng như vậy?
Xét về mặt kỹ thuật, tổ hợp tên lửa S-200 vốn được thiết kế cho nhiệm vụ phòng không tầm xa với mục tiêu chính là nhằm vào các dòng máy bay ném bom, cảnh báo sớm cồng kềnh và chậm chạp, chứ không phải là các máy bay chiến đấu chiến thuật có khả năng cơ động cao.
Xét về tính năng chiến đấu, cũng như kinh nghiệm đối phó trên chiến trường, S-200 có rất ít cơ hội, thậm chí là không có khả năng bắn hạ máy bay F-16I nổi tiếng không chỉ ở khả năng cơ động, mà còn được trang bị hàng loạt hệ thống cảnh báo phòng không, đối phó điện tử hiện đại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, S-200 là nghi can bắn hạ chiếc F-16I.
Mặt khác, những nguồn tin rò rỉ từ Không quân Israel cho biết, chiếc F-16I trúng đạn là máy bay hoạt động thấp nhất trong đội hình tấn công gồm 4 máy bay. Chiếc F-16I trúng đạn ở độ cao 3km. Thông tin quan trọng này càng khẳng định rõ S-200 không phải là tổ hợp hạ gục máy bay F-16I.
Các đạn tên lửa S-200 được Syria phóng đi có thể nhằm mục tiêu khác như: Nghi binh hoặc nhằm vào các mục tiêu “chậm chạp hơn” như đúng mục tiêu thiết kế của nó như máy bay cảnh báo sớm trên không của Israel.
Cần phải nhấn mạnh rằng, ngoài S-200, Syria còn sở hữu nhiều tổ hợp tên lửa phòng không nguy hiểm khác là Buk-M2E, Kub và Pechora. Đây chính là các tổ hợp vũ khí phòng không được thiết kế chính cho mục tiêu ngăn chặn các mục tiêu bay chiến thuật, bay thấp như chiến thuật Không quân Israel sử dụng.
Mặt khác, sau nhiều lần dính đòn đau từ Không quân Israel, Syria rõ ràng đã chuẩn bị trước kịch bản cho đòn phản công mang tính chiến lược này. Chính giới chức Không quân Israel đã đưa ra nhận định, tổ hợp Buk-M2E là nghi can chính trong vụ việc máy bay F-16I bị bắn hạ.
Từ những thông tin đã được tiết lộ, Buk-M2E (ảnh trên) và Pechora (ảnh dưới) mới là loại vũ khí được sử dụng để bắn hạ F-16I.
Trong quá khứ, Syria không đánh trả vì tình thế chiến lược hoàn toàn khác: Đất nước nội chiến, nguy cơ bị can thiệp quân sự từ nước ngoài luôn luôn hiện hữu, nhưng ở thời điểm hiện tại thì đã khác. Syria đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ với sự hỗ trợ từ Nga. Và sự kiện hôm 10-2 có thể coi là lời cảnh báo từ Damascus.
Ưu thế kiểm soát bầu trời Trung Đông của Israel bị lung lay
Ngoài yếu tố về vấn đề kỹ thuật, sự kiện máy bay F-16I bị bắn hạ có thể coi là lời cảnh báo tới ưu thế tuyệt đối của Không quân Israel xác lập từ trước tới nay. Rõ ràng, sau sự việc, Không quân Israel sẽ không thể tự tin thực hiện các phi vụ tác chiến mà không lo ngại tới khả năng bị tổn thất.
Ngoài sự kiện máy bay F-16I bị bắn hạ làm 1 phi công thiệt mạng, các đợt tấn công trả đũa của Không quân Israel sau đó đã bị hệ thống phòng không Syria ngăn chặn tới 70%. Thông tin này tuy do phía Syria đưa ra và cần được kiểm chứng, nhưng rõ ràng điều này báo hiệu Israel có thể đã chùn tay.
Sự việc chiếc F-16I bị bắn hạ đã làm lung lay ưu thế tuyệt đối của Không quân Israel từ trước tới nay.
Liên quan tới sự kiện này, Chuyên gia quân sự Hadi Gholami Nohouji nhận định, các vụ tấn công trả đũa của Israel chủ yếu nhằm vào các mục tiêu nằm xung quanh Thủ đô Damascus và khu vực cách biên giới Israel - Syria khoảng 70km. Để tấn công các vị trí này, Không quân Israel không cần phải bay vào không phận Syria.
Điều này khác hoàn toàn với trước đây, khi máy bay Israel tự do tiến sâu vào không phận Syria tấn công các mục tiêu quân sự được coi là mối đe dọa với Tel Aviv. Không quân Israel trong tương lai chắc chắn phải hạn chế khả năng hoạt động tại Syria trước các mối đe dọa nguy hiểm từ tên lửa phòng không.
Chuyên gia H. Nohouji cho biết thêm, sau khi đánh bật phiến quân ra khỏi các khu vực xung quanh Thủ đô Damascus, Syria đã có thể thoải mái triển khai các trận địa phòng không để phòng ngừa khả năng Israel không kích. Mặt khác, vụ việc chiếc F-16I bị bắn rơi cũng giúp tăng đáng kể sĩ khí cho binh lính Syria, giúp họ có thêm tự tin trong các cuộc chiến trong tương lai.