Năm 2004, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã sưu tầm một số mảnh xác, động cơ máy bay B-52 ở đây làm hiện vật truyền thống nhằm tuyên truyền về chiến thắng tiêu biểu này.
Để vận chuyển được số động cơ máy bay B-52 từ nhà dân về Bảo tàng là một việc cực kỳ khó khăn vì muốn đưa ra phải phá dỡ nhà xây kiên cố, cổng sắt của gia chủ. Các phương án được Bảo tàng nghiên cứu làm sao đưa được động cơ máy bay ra ít tốn kém, thiệt hại nhất, đỡ phải phá dỡ nhà dân, đảm bảo an toàn.
Được sự phối hợp của Xưởng X80/ Cục Kỹ thuật/ Quân khu Thủ đô (nay là BTL Thủ đô Hà Nội), cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tự tạo xe vận chuyển (dài 1,2m; rộng 0,8m) và đường ray để vận chuyển hiện vật từ trong nhà dân ra đầu ngõ.
Sáng ngày 22/11/2004, Bảo tàng tổ chức vận chuyển phương tiện chuyên chở tập kết tại địa điểm theo kế hoạch, tiến hành tháo dỡ tường, chặt cây cối trong vườn nơi có xác máy bay, san mặt bằng chuẩn bị đường đi và sử dụng nhân công tiến hành vận chuyển động cơ ra ngõ Ngọc Hà. Các bước tiến hành đều được ghi hình làm tư liệu và lập hồ sơ khoa học cho hiện vật.
Người và hoa bên xác máy bay B-52 tại Hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Ảnh Tư liệu.
Sau hai ngày khẩn trương, cán bộ Xưởng X80 cùng cán bộ Bảo tàng dốc nhiều công sức, không quản ngày đêm đã di chuyển 2 động cơ máy bay B-52D ra khỏi nhà dân tới ngõ Ngọc Hà. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, khối động cơ và mảnh xác máy bay được vận chuyển từ xe tự tạo lên xe cẩu chở về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Qua quá trình nghiên cứu tài liệu từ Quân chủng Phòng không - Không quân, Bảo tàng Quân khu Thủ đô, tài liệu trao trả tù binh Mỹ và tài liệu từ phía Mỹ, những thông tin về hiện vật cũng được làm rõ.
Đêm ngày 27/12/1972, đêm thứ 9 của cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, 36 máy bay B-52 xuất phát từ căn cứ Guam, Utapao và 48 máy hộ tống bay chia làm 3 hướng: Đông Nam, Tây, Tây Bắc đánh vào các mục tiêu ở Hà Nội. Máy bay B-52 rải bom xuống Đông Anh, Yên Sở, Ngọc Hồi, Văn Điển... tiếp tục gây tội ác với nhân dân ta. Riêng xã Văn Đức (Gia Lâm) có 52 người dân bị chết, 17 người bị thương.
Căm thù lũ cướp trời, các chiến sĩ tên lửa dồn sức mạnh vào từng quả đạn bay tới máy bay quân thù. Kẻ gieo tội ác bị trừng phạt. Đêm đó, các lực lượng phòng không của ta bắn rơi 5 máy bay B-52, hai máy bay chiến thuật.
Góp phần vào chiến công đó, tại một cánh đồng huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Tiểu đoàn tên lửa 72, Trung đoàn 285 vừa cơ động từ Hải Phòng lên lập một trận địa mới, chặn địch từ hướng Đông Bắc.
Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt, kíp trắc thủ gồm: Nguyễn Văn Dựng (điều khiển); Dương Phương (góc tà); Nguyễn Đông Hướng (góc phương vị), Nguyễn Văn Tuyến (cự ly) phát hiện 3 máy bay B-52 ở độ cao 11.000m lao tới.
Xác định rõ phương hướng, tiểu đoàn trưởng hạ lệnh phóng 2 quả đạn, chế độ 6 giây. Hai quả đạn đỏ lừ vút lên và bùng nổ ở cự ly 34, 32.
Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Xưởng X80 vận chuyển động cơ máy bay B-52 bằng các phương tiện tự tạo. Ảnh Tư liệu.
Chiếc máy bay B-52 trúng đạn, cháy như một bó đuốc rồi lớn dần như một quả cầu lửa lao xuống quận Ba Đình, Hà Nội. Một phần xác máy bay phơi mình trên đường Hoàng Hoa Thám, cạnh vườn Bách Thảo, một phần khác rơi xuống hồ Hữu Tiệp, 2 chiếc động cơ rơi xuống nhà bà Nguyễn Thị Nề (Tổ dân phố 51, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).
Điều ngẫu nhiên là Tiểu đoàn 72 thành lập ở Yên Thế (Bắc Giang), quê hương của cụ Hoàng Hoa Thám, Tiểu đoàn 72 bắn rơi B-52 trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Máy bay bị trúng đạn, những chiếc dù trắng bung ra, rơi lả tả. Dưới mặt đất, nhân dân khắp nơi hò reo bắt phi công Mỹ. Vừa chạm đất, tốp phi công của chiếc máy bay bị bắn rơi đã bị tóm gọn.
Theo cuốn sách Pmsea (Sorined, 1- Date, Us of June, 1991, trang 47) của Mỹ, chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi là loại máy bay B-52D. Theo tài liệu trao trả tù binh Mỹ tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) do ông Nguyễn Phương và James R. Denett ký ngày 18/2/1973, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tổ lái của chiếc máy bay B-52D bị bắn rơi đêm ngày 27/12/1972, gồm 6 phi công, 4 bị bắt sống.
Đó là: 1. Condon James C - Thiếu tá không quân, số quân FV 268301369, sinh ngày 8/4/1934, nơi sinh Ohio, bị nhân dân Hà Bắc bắt; 2. Cuimano Samuel B - Đại úy không quân, số quân FV 423566462, sinh ngày 21/10/1946, nơi sinh ở Alabama, bị nhân dân Hà Bắc bắt; 3. Gough James W - Thượng sĩ không quân, số quân FV 567423458, sinh ngày 26/6/1931, nơi sinh ở Oklahoma, bị quân dân ta bắt ở phố Thụy Khê, Hà Nội; 4. Lewis Frank D - Đại úy không quân, số quân FV 308482235, sinh ngày 16/7/1944, nơi sinh ở Massachusetts, bị quân dân Hà Bắc bắt.
Hai phi công bị chết rơi xuống gần nhà máy bia Hà Nội, đó là: 1. Fryer ben L - Trung úy không quân; 2. Johnson Allen L - Thiếu tá không quân.
Động cơ máy bay B-52D được trưng bày tại triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12/2017. Ảnh BTLSQSVN.
Bốn phi công bị quân dân Hà Nội và Hà Bắc bắt được đưa tới “Khách sạn Hilton, Hà Nội” (trại giam Hỏa Lò).
Hơn 3 tháng sau, ngày 29/3/1973, bốn phi công được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Hai phi công bị chết, được nhân dân chôn cất và hài cốt được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ ngày 30/9/1977 và ngày 4/12/1985.
Xác máy bay gồm 2 động cơ và một số mảnh rơi xuống góc vườn nhà bà Nề. Đó là đống sắt vừa to, vừa nặng, lại nằm ở góc khuất nẻo, gấp khúc, che chắn bởi nhiều nhà dân và cây cối xung quanh nên trong một thời gian khá dài vẫn nằm im tại đó.
Năm 1978, bà Nề bán phía sau khu vườn của mình cho gia đình hoạ sĩ Lê Thanh, trên khu đất đó có 2 động cơ máy bay B-52.
Gia đình hoạ sĩ Lê Thanh cũng không làm cách nào để di chuyển khỏi khu vườn phía sau nhà. 32 năm trôi qua, 2 chiếc động cơ máy bay B-52 vẫn nằm kẹt tại góc vườn nhà hoạ sĩ Lê Thanh ở số nhà 8, tổ 10, ngách 158, ngõ 51 phố Ngọc Hà, Hà Nội.
Mất 2 năm tìm giải pháp và làm thủ tục vận chuyển, đêm ngày 23/11/2004, 2 động cơ máy bay B-52 đã được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với những thông tin khoa học của một hiện vật bảo tàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là chiếc B-52D.
Ngay sau khi đưa về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các hiện vật nhanh chóng được tiến hành bảo quản và lần đầu tiên được đưa ra trưng bày nhân dịp kỷ niệm 32 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972 – 2004).
Đây cũng là một bằng chứng về tội ác và sự thất bại của đế quốc Mỹ đối với nhân dân miền Bắc trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối năm 1972.
Kể từ đó, trong các triển lãm kỷ niệm về sự kiện này, hiện vật về động cơ máy bay B-52D thường được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đưa ra trưng bày, gần đây nhất là triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/2017).