Súng tiểu liên K61 của anh hùng Đặc công Lê Bá Ước

Phạm Tố Loan - Bảo tàng Đặc công |

Nhắc đến Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước) không thể không nhắc đến những chiến công vang dội đã làm nên lịch sử - người được mệnh danh là “pho sử sống”, từng là “linh hồn” của Đặc công rừng Sác anh hùng.

Đại tá Lê Bá Ước (bí danh Lê Lai) sinh ngày 12/4/1931 trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng ở xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, tham gia Vệ Quốc đoàn, Ban Tình báo C70. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1965, ông vượt Trường Sơn trở về miền Nam chiến đấu, công tác cho đến lúc nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Súng tiểu liên K61 với số đăng ký BTĐC: 763-K3-163 của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công rừng Sác được Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam tặng trong dịp ông về dự nghị chiến dịch tổng hợp tại căn cứ cách mạng của Trung ương cục miền Nam và nhận nhiệm vụ trở về làm Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Rừng Sác lần 2 năm 1971.

Súng tiểu liên K61 của anh hùng Đặc công Lê Bá Ước - Ảnh 1.

Khẩu súng K61 – kỷ vật của anh hùng Đặc công Lê Bá Ước. Ảnh BTĐC.

Từ năm 1969 – 1970, ông là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Năm 1971 làm Phó Chủ nhiệm Chính trị phân khu Bà Rịa – Long Khánh.

Tháng 10 năm 1971 tại khu vực sông Sa Lông, bên kia biên giới Campuchia, Bộ Tham mưu miền Nam mời ông vào gặp đồng chí Nguyễn Minh Châu, Tham mưu trưởng để giao quyết định của Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam phân công ông trở lại Rừng Sác đảm nhiệm Đoàn trưởng kiêm chính ủy Đoàn 10 lần 2 để cùng chiến trường triển khai chiến dịch Quang Trung với hai mục tiêu chiến lược đánh Kho bom Thành Tuy Hạ và Kho xăng Nhà Bè.

Cùng với quyết định nhận nhiệm vụ mới ông còn được Thượng tướng Trần Văn Trà cấp tặng khẩu súng K61 và 100 viên đạn. Khẩu súng từ đó luôn được ông mang bên mình lặn lội khắp các chiến trường từ Củ Chi, Chiến khu Đ đến Rừng Sác…

Ông tham gia chỉ huy đánh nhiều trận như: kho bom thành Tuy Hạ (12/1972), đốt cháy kho xăng Nhà bè (12/1973), pháo kích kiểu đánh đặc công 70 vào Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy…

Trong trận đánh kho xăng Nhà Bè (12/1973) nhằm phá hủy cơ sở vật chất chiến lược của địch, Đội 5 Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác được giao nhiệm vụ đặc biệt này. Nơi đây cách Sài Gòn 12km về phía Đông Nam.

Kho được xây trên một địa hình bốn mặt đều có sông lạch và sình lầy bao bọc. Tại đây có 3 khu chứa xăng dầu của các hãng Shell, Esso, Cantex. Hãng Shell có lượng xăng dầu lớn nhất, bảo đảm 60% xăng dầu cho hoạt động quân sự và dân sự ở miền Nam và cung cấp xăng dầu cho cả quân ngụy Campuchia từ năm 1973.

Súng tiểu liên K61 của anh hùng Đặc công Lê Bá Ước - Ảnh 2.

Đại tá Lê Bá Ước (người thứ 3 từ trái sang) cùng Bộ đội Đặc công Rừng Sác đã làm nên những chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh Tư liệu.

Do yêu cầu đánh địch bất cứ lúc nào khi có lệnh và đảm bảo chắc thắng, có hiệu suất cao, từ 6 tháng trước ông đã chỉ đạo tổ trinh sát của Đại đội 5 do đồng chí Hà Quang Vóc phụ trách đã 14 lần bơi qua sông rộng, nước sâu, luồn lách ở nhiều hướng, vượt qua nhiều tuyến phòng thủ, khắc phục các loại vật cản để đột nhập vào kho nghiên cứu mục tiêu, tìm hiểu quy luật hoạt động của địch.

Đêm ngày 2 rạng ngày 3/12/1973, 8 đồng chí của Đại đội 5 do Đại đội phó Hà Quang Vóc chỉ huy đi đánh kho xăng Nhà Bè. Bằng các kỹ thuật điêu luyện, các đồng chí đã tiếp cận mục tiêu, lợi dụng chúng sơ hở các tổ đi đánh đã đặt mìn hẹn giờ vào các bồn xăng của địch.

Kết quả hơn 70 bồn chứa hoàn toàn bị thiêu hủy, 140 triệu lít xăng dầu, 1 tàu trọng tải 12.000 tấn đậu ở cảng và toàn bộ hệ thống lọc dầu bị đốt cháy… Theo báo Đại đoàn kết dân tộc Sài Gòn số ra ngày 4 và 5 tháng 12 năm 1973 thì chỉ tính riêng số xăng dầu bị cháy, hãng Shell bị thiệt hại tới 70 tỷ đồng Sài Gòn.

Trận Nhà Bè là một trong những điển hình về tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí , táo bạo, luồn sâu, đánh hiểm, đánh thắng giòn giã, đạt hiệu suất cao của Bộ đội Đặc công trong đó có sự chỉ huy tài tình của Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Lê Bá Ước.

Súng tiểu liên K61 của anh hùng Đặc công Lê Bá Ước - Ảnh 3.

Báo chí đưa tin kho xăng Nhà Bè bị cháy. Ảnh Tư liệu.

Tính từ năm 1966 – 1973 Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã tổ chức 740 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 6.200 tên địch, đánh cháy đánh chìm 356 tàu thuyền chiến đấu, đánh chìm tại các bến cảng 145 tàu vận tải quân sự và bắn cháy, bắn chìm trên sông Lòng Tàu hơn 100 chiếc tàu vận tải quân sự khác, bắn rơi 23 máy bay lên thẳng.

Với những chiến công vang dội đó Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác do ông chỉ huy đã được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 13 tháng 9 năm 1973.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ở mặt trận của hướng cánh Đông do ông làm Chính ủy đã hiệp đồng tác chiến với 2 Quân đoàn là Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An chỉ huy và Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ trong vòng 12 ngày đêm ông cùng đơn vị đã hết sức khẩn trương tìm mọi cách quán triệt, triển khai nhiệm vụ phải di chuyển đội hình khẩn cấp để tác chiến đúng theo yêu cầu của 2 Quân đoàn chiếm giữ 5 cây cầu lớn nhất là trục hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 2, đảm bảo cho xe tăng ta vượt qua.

Đặc biệt đã kịp thời tổ chức cho Trung đoàn 116 Đặc công thay bộ binh đi cùng và yểm trợ cho xe tăng của Lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 tiến đánh chiếm Dinh Độc Lập đúng vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Súng tiểu liên K61 của anh hùng Đặc công Lê Bá Ước - Ảnh 4.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước. Ảnh BTĐC.

Năm 1978, trên cương vị là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Đồng Nai, khẩu súng K61 này vẫn cùng ông có mặt ở khắp trận địa Kapongthom (Campuchia), ông chỉ huy đơn vị địa phương tham gia chiến đấu đánh quân Pôl-Pốt bảo vệ nhân dân ở tuyến biên giới Lộc Ninh – Bù Đốp, cùng hành quân trấn phản, quét sạch tàn quân ngụy ở Đồng Nai.

Với những đóng góp to lớn của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 26/7/2012 ông đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2013, với 83 tuổi đời, 63 tuổi đảng, khẩu súng vẫn gắn bó với ông thân thương suốt 42 năm qua. Đó là kỷ niệm của một danh tướng đã tặng cho ông.

Đến ngày 9/9/2013, ông đã tặng lại khẩu súng cùng 30 viên đạn lại cho Bảo tàng Đặc công làm hiện vật lịch sử. Đây là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử trong chiến tranh chống Mỹ của bộ đội Đặc công trên chiến trường Miền Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại