Định hướng của các nước phương Tây
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các nước NATO đã chú trọng tới súng ngắn như một phần không thể thiếu trong trang bị người lính.
Với yêu cầu có độ tin cậy cao, dễ duy tu bảo dưỡng, ổn định khi bắn, cơ số đạn lớn trên 15 viên, tầm bắn hiệu quả tới 50m, có thể trang bị đại trà, các thiết kế súng ngắn tiêu chuẩn phải đạt hoặc vượt những chỉ tiêu trên, đồng thời đáp ứng những yêu cầu tác chiến đặc biệt của các lực lượng đặc nhiệm.
Năm 1982, quân đội Áo đưa vào trang bị súng ngắn Glock-17 có khối lượng không đạn chỉ 625g, do thân súng làm từ nhựa tổng hợp. Điểm hỏa bằng kim hỏa thay vì búa cò ngoài giúp súng gọn gàng hơn và giảm thao tác.
Hộp tiếp đạn 17 viên, nhiều hơn đa số các súng ngắn cùng thời. Cò súng được thiết kế với cơ chế an toàn để súng chỉ khai hỏa khi người bắn bóp cò.
Glock-17 hiện nay đã được phát triển thành nhiều phiên bản với kích thước khác nhau, sử dụng nhiều cỡ đạn. Glock hiện nay là dòng súng ngắn phổ biến nhất thế giới, là hình mẫu cho đa số súng ngắn hiện đại.
Mẫu súng ngắn CZ P-07 của Cộng hòa Séc. Ảnh: J.D
Quân đội Mỹ sử dụng súng ngắn Beretta-92 (M9) từ năm 1985. Với ưu điểm độ bền cao, hộp tiếp đạn 15 viên và ổn định khi bắn, M9 là loại súng ngắn đáng tin cậy. Tuy nhiên, súng có nhược điểm là khá nặng (950g không đạn) và cần nhiều thao tác để sử dụng, làm giảm tính phản ứng nhanh khi chiến đấu.
Ngày 29-1-2017, súng ngắn P320 do chi nhánh tại Mỹ của Công ty Sig & Sauer (Thụy Sĩ) phát triển đã thắng thầu dự án thay thế súng ngắn M9 của quân đội Mỹ.
So với M9, P320 có khối lượng nhẹ nhờ thiết kế thân súng bằng nhựa tổng hợp cùng khả năng đổi cỡ đạn bằng cách thay các chi tiết như khối trượt, lò xo và hộp tiếp đạn tại chỗ, giúp sản xuất, bảo dưỡng súng dễ dàng hơn.
Tại Đức, súng USP do hãng Heckler & Koch phát triển trở thành súng ngắn tiêu chuẩn của quân đội Đức vào năm 1995, hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia. Súng được thiết kế nhiều phiên bản với nhiều cỡ đạn.
USP trở thành nền tảng của súng ngắn Mk-23 trang bị cho các lực lượng thuộc Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt (SOCOM) của quân đội Mỹ. Mk-23 được chấp nhận sau khi vượt qua thử nghiệm bắn 10.000 viên đạn .45 ACP (11.23mm) liên tục mà không giảm độ chính xác.
Với độ bền cao, đạn có sức công phá lớn, Mk-23 được sử dụng như vũ khí chính của lực lượng đặc biệt để đánh tầm gần.
Một nhược điểm cố hữu của súng ngắn là cỡ đạn nhỏ và nòng ngắn khiến súng có khả năng xuyên giáp kém.
Một giải pháp được công ty Fabrique Nationale (Bỉ) đưa ra là súng ngắn FN-57 có khối lượng chỉ 610g, do ngoài thân súng khối trượt cũng được làm một phần từ nhựa tổng hợp. Súng được trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm, cảnh sát của hơn 40 quốc gia kể từ năm 1991.
FN-57 sử dụng loại đạn cỡ 5.7x28mm SS190, có đầu đạn chỉ 2.02g nhưng sơ tốc đầu nòng đến 650m/s, nhằm mục đích xuyên áo giáp chống các loại đạn súng ngắn thông thường. Cỡ đạn nhỏ làm súng có độ giật thấp, hộp tiếp đạn lớn chứa tới 20 viên.
Sự độc đáo và "hội nhập" của các nước XHCN (cũ)
Trong khi đó, quân đội các nước theo hệ vũ khí của Liên Xô (Nga ngày nay) không trang bị đại trà mà coi súng ngắn như vũ khí phòng thân của sĩ quan, lính tăng-thiết giáp, xạ thủ B40/41 hoặc vũ khí chuyên biệt cho đặc nhiệm.
Phải đến những năm 90 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu súng ngắn tiêu chuẩn cho quân đội mới được đẩy mạnh, cỡ đạn chuyển dần sang 9x19mm như phương Tây.
Nhằm mục đích thay thế các súng ngắn cũ từ thời Liên Xô, súng PYa được thiết kế thêm khả năng bắn loại đạn 9x19mm 7N21 xuyên giáp mạnh hơn đạn 9x19mm thông thường.
Được trang bị cho quân đội và cảnh sát Nga từ năm 2004, PYa được đánh giá cao vì hộp tiếp đạn chứa tới 18 viên, tin cậy, đạn 7N21 có sức xuyên tốt, dù súng có thiết kế khá "bảo thủ" do vẫn sử dụng thép thay vì nhựa tổng hợp hoặc hợp kim nhôm như các súng ngắn hiện đại khác.
Yêu cầu về súng ngắn của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc lại có điểm tương đồng với khẩu FN-57 của Bỉ.
Do đó, QSZ-92 được thiết kế để bắn loại đạn 5.8x21mm DAP92 tính năng gần tương đương đạn 5.7x28mm SS190, hộp tiếp đạn 20 viên. Súng có 2 phiên bản khác bắn cỡ đạn 9x19mm và 7.62x25mm vốn được dùng trong súng TT-33 (tên gọi K54 ở Việt Nam).
Đáng chú ý rằng vỏ đạn 9x19mm có đường kính tương đương với đạn 7.62x25mm, điều này giúp công tác chuyển đổi cỡ đạn khi sản xuất đơn giản mà không phải thay đổi nhiều chi tiết bên trong súng.
Tại Tiệp Khắc, súng CZ-75 ra đời năm 1975 có nhiều ưu điểm hơn hẳn các súng ngắn thời bấy giờ như hộp tiếp đạn chứa 16 viên, khối trượt gọn nhẹ giúp giảm độ giật của súng, cấu tạo đơn giản, dễ tháo lắp và bảo dưỡng.
Sau khi Liên Xô tan rã, súng nhanh chóng thay thế các súng ngắn cũ trong quân đội Cộng hòa Séc, cũng như được xuất khẩu rộng rãi. Hiện tại CZ-75 được hơn 20 công ty của các nước như: Mỹ, Italy, Thụy Sĩ, Israel… sản xuất với các biến thể khác nhau.
Để bắt kịp với xu thế, các bản cải tiến của CZ-75 được ra đời để bắt kịp với yêu cầu tác chiến hiện đại. Thân súng được làm bằng nhựa giúp giảm khối lượng tới 33%. Súng có thêm nhiều phiên bản với kích thước và cỡ đạn khác nhau. Dòng súng CZ-75 được trang bị trong quân đội và cảnh sát nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Yêu cầu về súng ngắn tiên tiến cho các lực lượng đặc nhiệm cũng được đặt lên hàng đầu. Năm 1998, đặc nhiệm "Spetsnaz" Nga tiếp nhận súng GSh-18 có khối lượng chỉ 590g, hộp tiếp đạn 18 viên, được thiết kế để bắn đạn 9x19mm 7N31 mạnh hơn đạn 7N21 trang bị cho súng PYa.
Năm 2011, súng PSS-2 được cải tiến từ thiết kế từ năm 1983 với khả năng bắn đạn "triệt âm" không gây tiếng động, khói hay chớp lửa cũng được chấp nhận đưa vào trang bị.