Cựu TGĐ Phòng thiết kế hàng đầu Nga nói gì về 2 mẫu tàu chiến tối tân đặt riêng cho HQVN?

Bình Nguyên |

Ông Vladimir Yukhnin, Cựu TGĐ Phòng thiết kế Severnoye (Phương Bắc) vừa có một chia sẻ thú vị về các chương trình đóng tàu chiến hiện đại cho Hải quân Nga và Hải quân Việt Nam.

Trong Tạp chí quân sự Moscow Defense Brief số 3 năm 2017 của Trung tâm Phân tích về Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST), ông Vladimir Yukhnin, Cựu TGĐ Phòng thiết kế Severnoye (Phòng Thiết kế Phương Bắc) đã trả lời phỏng vấn của nhà bình luận quân sự nổi tiếng Andrey Frolov với nhiều thông tin thú vị.

Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết tình hình hiện tại của Phòng thiết kế Phương Bắc? Đâu là Dự án có nhiều triển vọng nhất cùng những vấn đề mà Văn phòng đang phải đối mặt?

Năm 2016 vừa rồi, Phòng thiết kế Phương Bắc đã tròn 70 năm thành lập, suốt quá trình lịch sử đó, chúng tôi đã đạt được rất nhiều thành tựu như thiết kế các thế hệ tàu chiến thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 của Nga kể từ sau Thế chiến 2, và hiện nay, Phòng thiết kế Phương Bắc đang bắt tay vào thiết kế tàu thế hệ thứ 4 với nhiều triển vọng lớn.

Những con tàu do chúng tôi thiết kế đã và đang phục vụ hiệu quả trong lực lượng Hải quân Liên Xô và nay là Hải quân Nga. Một số tàu chiến thế hệ 3 vẫn còn đang trong biên chế.

Chúng tôi đang tiếp tục phát triển những mẫu tàu mới, bao gồm tàu tuần tra biên phòng và tàu chiến cỡ nhỏ, đây là một thị trường mới của chúng tôi. Tất nhiên là chúng tôi cũng có những vấn đề nội tại, chẳng việc gì phải giấu.

Phòng thiết kế Phương Bắc có đủ nhân lực trình độ cao? Các chuyên gia trẻ chiếm số lượng bao nhiêu, có đủ lượng và chất để hoạt động hiệu quả?

Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều kỹ sư trẻ trong vài năm gần đây. Đa phần đều đã được đào tạo bài bản bởi Viện Công nghệ hàng hải Quốc gia St Petersburg.

Cựu TGĐ Phòng thiết kế hàng đầu Nga nói gì về 2 mẫu tàu chiến tối tân đặt riêng cho HQVN? - Ảnh 1.

Tàu khu trục thuộc Dự án 956 (ngoài cùng bên trái) của Hải quân Nga.

Liệu Phòng thiết kế có đủ năng lực để phát triển bất kỳ loại tàu nào, kể cả những tàu phức tạp nhất?

Đương nhiên. Không có loại tàu nào quá phức tạp đối với chúng tôi. Tuy vậy, những lĩnh vực mới đòi hỏi phải có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, và chúng tôi phải làm chủ được chúng.

Chẳng hạn khi chúng tôi chuyển đổi từ công nghệ tua bin hơi nước và gas tua bin sang phát triển một mẫu tàu tuần dương hạt nhân, chúng tôi cần phải tìm được những chuyên gia đúng chuyên ngành và đào tạo họ, đảm bảo các kỹ năng của họ sẽ được ứng dụng trên thế hệ tàu mới.

Chúng tôi hiện cũng đang thực hiện những dự án tích hợp máy bay, đặc biệt là trực thăng. Điều này đòi hỏi những chuyên gia có kỹ năng trong lĩnh vực này. Những dự án mới sẽ khiến cho các kỹ sư trẻ của chúng tôi đặc biệt bận rộn.

Ông nghĩ thế nào về thế hệ tàu chiến và tàu đổ bộ đệm khí tương lai?

Chúng tôi chủ yếu tập trung vào những tàu chiến có lượng choán nước lớn vì chúng có khả năng hoạt động trên các đại dương. Các tàu đổ bộ đệm khí hoàn toàn thích hợp để hoạt động trong mọi điều kiện khí hậu, địa hình và cả ở đại dương. Tóm lại là ở bất cứ đâu.

Ông có ý kiến thế nào về những phát triển tàu chiến tàng hình trong thời gian gần đây?

Đây là một công nghệ rất đặc biệt và chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong lĩnh vực này. Yếu tố quan trọng nhất chính là thiết kế. Thiết kế tàng hình rất khác biệt so với thiết kế truyền thống.

Có thể lấy ví dụ thế này, tàu khu trục thuộc Dự án 61 gần như chẳng tàng hình gì cả, nhưng sang Dự án khinh hạm 11356, các góc cạnh của chúng đã có thay đổi đáng kể. Tôi đã góp ý cụ thể với các đồng nghiệp về độ nghiêng của thành tàu cũng như các lớp sơn phủ đặc biệt để hấp thụ sóng radar.

Một điều quan trọng khác là giảm thiểu diện tích thừa của tất cả các loại tàu chiến. Chính vì thế, Phòng Thiết kế Phương Bắc đã áp dụng nhưng giải pháp để giảm tối đa diện tích thừa này trên tất cả các loại tàu chiến.

Đối với hai dự án 11356 và 22350, Giáo sư có thể cho biết biết những điểm khác biệt trong thiết kế?

Về kiến trúc, không có nhiều sự khác nhau giữa diện tích bộc lộ radar của chúng. Tuy nhiên, nhờ lớp sơn phủ đặc biệt, các tàu chiến thuộc Dự án 22350 có nhiều đặc điểm và trang bị "tàng hình" hơn so với các lớp tàu trước đó.

Nói chung, các tàu thuộc dự án Dự án 22350 trở nên "long lanh" và có uy lực tác chiến lớn hơn rất nhiều. Igor Shramko, là một trong những kỹ sư thông minh nhất, ông được cho là "ngôi sao kỳ tài nhất" của dự án này.

Cựu TGĐ Phòng thiết kế hàng đầu Nga nói gì về 2 mẫu tàu chiến tối tân đặt riêng cho HQVN? - Ảnh 2.

Tàu khinh hạm tên lửa thuộc dự án Dự án 22350 của Hải quân Nga.

Thậm chí cậu út nhà tôi (Vladimir Yukhnin) cũng được coi là một kỹ sư trẻ rất thông minh. Còn cậu cả đã phấn đấu trở thành nhà giám sát của Dự án nâng cấp và phát triển các tàu khinh hạm thuộc lớp Đô đốc Admiral Gorshkov, vốn đang được triển khai xây dựng và phát triển.

Với Dự án 1135, chúng chứa đựng một số bí quyết công nghệ tốt nhất mà Văn phòng thiết kế chúng tôi đã từng chuyển giao.

Hai mươi ba tàu chiến thuộc dự án này đã được chế tạo ở 3 nhà máy đóng tàu và bàn giao cho Hải quân Liên Xô, 7 chiếc khác cũng được bàn giao cho lực lượng biên phòng (1 trong số đó hiện thuộc biên chế của Hải quân Ukraine), và sau đó là 6 chiếc dành cho Ấn Độ.

Bí quyết thành công của những con tàu này chính là hệ thống tua bin tuyệt hảo và chế độ hoạt động tiết kiệm nhiên liệu được tính toán tối ưu. Tuy nhiên, thật không may là Zorya-Mashproekt, Ukraine - nhà cung cấp động cơ này đã đóng băng quan hệ hợp tác với Nga.

Vì thế, hiện nay Nga đang triển khai phát triển các loại động cơ mới để tự chủ nguồn cung, thay thế cho sản phẩm nhập khẩu từ Ukraine. Tôi tin rằng, động cơ mới do Nga chế tạo sẽ ưu việt hơn nhiều do ứng dụng các công nghệ tiên tiến và sử dụng phổ biến vật liệu mới.

Phòng Thiết kế Phương Bắc đã phát triển một số tàu khu trục cho Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn những năm 1990 và 2000 vậy hiện nay có dự án xuất khẩu nào tương tự như vậy không?

Chúng tôi vẫn đang hợp tác với đối tác duy nhất là Ấn Độ. Còn đối với Trung Quốc, họ là loại khách hàng đặc biệt, họ tự học cách chế tạo thông qua chương trình hợp tác với Nga, sau đó thì họ chẳng còn cần tới sự giúp đỡ của ai nữa.

Tuy nhiên, rõ ràng là chúng tôi đã giúp họ rất nhiều trong quá khứ, chính tôi cũng đã có nhiều chuyến công tác tới Trung Quốc. Người Trung Quốc rất giỏi trong việc "sao chép công nghệ": họ mua một số hàng mẫu, nghiên cứu rất kỹ rồi bắt đầu làm "hàng nhái".

Họ là bậc thầy về tình báo công nghiệp. Tôi phải nhắc lại rằng trong một chuyến đàm phán ở Bắc Kinh, căn phòng dành cho việc trao đổi nội bộ của đoàn Nga bị cài lén rất nhiều máy thu. Tôi phát hiện ra điều này và khiến họ ngạc nhiên khi bất ngờ xông vào phòng bên cạnh, bắt quả tang họ đang nghe trộm và ghi âm chúng tôi.

Trong những năm 1990, chúng tôi có 3 chương trình xuất khẩu lớn tới Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ là khách hàng lớn nhất vì chúng tôi thiết kế và đóng mới cho họ nhiều tàu chiến gồm các tàu khu trục thuộc Dự án 15 và Dự án 61ME, các tàu khinh hạm thuộc Dự án 17 và 17A, cũng như tàu hộ vệ thuộc Dự án 25 và 25A.

Trong khi các tàu thuộc những dự án khác đã bị loại biên thì hiện nay, các tàu khu trục thuộc Dự án 61ME vẫn đang còn phục vụ trong biên chế Hải quân Ấn Độ. Đây là một minh chứng sáng chói về hiệu quả hoạt động cũng như bảo đảm kỹ thuật.

Cựu TGĐ Phòng thiết kế hàng đầu Nga nói gì về 2 mẫu tàu chiến tối tân đặt riêng cho HQVN? - Ảnh 3.

Khinh hạm tên lửa Dự án 11356 của Hải quân Ấn Độ.

Tại sao Hải quân Ấn Độ lại chọn các tàu thuộc Dự án 11356?

Đây là một vấn đề thú vị. Lần ngược lại thời gian, cả Trung Quốc và Ấn Độ tiếp cận chúng tôi cùng lúc để tìm kiếm khả năng mua tàu chiến mặt nước.

Dự án 11356 được chào bán cho cả hai nước, nhưng riêng Trung Quốc đòi hỏi một số yêu cầu đặc biệt, họ muốn tàu được trang bị tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm Moskit với tầm bắn 110km và có đầu đạn hạng nặng để đảm bảo tiêu diệt các tàu chiến của Hải quân Mỹ.

Trong khi đó, Ấn Độ chỉ muốn có một lớp tàu linh hoạt với khả năng chống ngầm và phòng thủ tốt. Những con tàu này được trang bị tên lửa Club, cũng thuộc loại tốt nhưng có trọng lượng khá nặng và bay với tốc độ dưới âm. Chính vì thế, đích đến của 2 quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ là khác nhau.

Giáo sư đề cập tới khả năng bảo đảm kỹ thuật và vận hành. Dường như đây là một trong những vấn đề lớn nhất ngay cả đối với Hải quân Nga, và ví dụ điển hình chính là các tàu khu trục thuộc dự án 956. Vậy đâu là những lý do gây ra khó khăn?

Nguyên nhân chính là do công tác bảo dưỡng sửa chữa không đạt yêu cầu, nhất là đối với hệ thống máy động lực. Tuy nhiên, khó khăn lại không xảy ra đối với các tàu thuộc Dự án 956E và 956EM mà chúng tôi cung cấp cho Trung Quốc, với tổng cộng 4 chiếc, bởi vì Trung Quốc tuân thủ rất chuẩn chỉ các khuyến cáo kỹ thuật của chúng tôi.

Vậy tại sao chính hải quân Nga lại không làm được điều đó?

Hải quân của chúng ta (Nga) cũng có những góc khuất. Họ luôn ở trong tình trạng vội vã. Họ luôn cố gắng tìm cách loại biên những con tàu mới chỉ có 20 năm tuổi. Vì như thế họ sẽ dễ dàng trình bày với cấp trên rằng chúng tôi cần những con tàu mới hơn là tiến hành bảo dưỡng tàu cũ một cách chuẩn chỉ.

Đâu là lý do chính dẫn tới quyết định bán các tàu khu trục Dự án 956 cho Trung Quốc?

Có hai tàu loại này đã sẵn khung thân đang nằm chờ để được hoàn thiện ở Nhà máy đóng tàu Phương Bắc. Bản thân nhà máy đang đói việc. Bằng việc bán những con tàu này sẽ giúp Nhà máy tồn tại bởi họ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng.

Sau đó, phía Trung Quốc hài lòng với cặp tàu này và tiến hành đặt hàng đóng cặp tàu hoàn toàn mới tiếp theo thuộc Dự án 956EM. Tất cả đều được trang bị tên lửa Moskit phiên bản cải tiến với tầm bắn tăng lên 220km. Khách hàng Trung Quốc đã rất vui vẻ.

Cựu TGĐ Phòng thiết kế hàng đầu Nga nói gì về 2 mẫu tàu chiến tối tân đặt riêng cho HQVN? - Ảnh 4.

Tàu khu trục Ningbo số hiệu 139 của Hải quân Trung Quốc thuộc Dự án 956EM.

Chuyện gì xảy ra với những tàu khu trục cải tiến này nhẽ ra đã phải được đóng mới cho Hải quân Liên Xô và Hải quân Nga?

Thật khó nói về vấn đề này. Sergey Gorshkov, Tư lệnh Hải quân Liên Xô khi đó là một người thông minh. Ông ấy tin rằng các tàu thuộc Dự án 956 không cần tên lửa tầm xa, và nhiệm vụ của chúng đơn giản chỉ là hộ tống các tàu sân bay.

Ông có nhắc tới việc hợp tác với Việt Nam. Bản chất của chương trình hợp tác này là gì?

Chúng tôi đã thiết kế tàu tên lửa tấn công nhanh Dự án PS-500 cho họ. Nhưng ở thời điểm đó, đã có những khó khăn về mặt kỹ thuật mà chủ yếu là thiếu đội ngũ thợ và kỹ sư lành nghề nên việc tiến hành đóng mới hàng loạt những con tàu loại này ở các nhà máy đóng tàu nội địa của Việt Nam đã bị đình lại.

Sau đó, ở thời điểm thích hợp, họ đã chuyển sang đặt mua tàu thuộc Dự án 1241.8 Molniya.

Vậy đây có phải là tàu chiến cỡ nhỏ đầu tiên được phát triển bởi Phòng thiết kế Phương Bắc?

Vâng, đúng vây. Để tôi kể cho các bạn nghe. Một đoàn cán bộ Việt Nam đã đến Nga và họ có chuyến thăm tới Viện Krylov. Các chuyên gia của chúng ta đã giới thiệu với họ về lý thuyết và khoa học thực tiễn với họ, họ cho rằng có thể triển khai đóng mới ở các cơ sở trong nước, bao gồm cả việc xây dựng bể thử. Các bạn Việt Nam có vẻ khá tự tin.

Nhưng trên tất cả, Phòng Thiết kế Hải quân Trung ương Almaz đã đưa ra một mức giá quá cao, ngoài khả năng của Việt Nam. Do vậy, không còn cách nào khác, họ đã liên hệ với Phòng thiết kế Phương Bắc của chúng tôi.

Sau đó, có một nhóm kỹ sư Việt Nam, khoảng 15 người tất cả đã tới đây vừa học vừa làm với chúng tôi, ngay tại các cơ sở của chúng tôi.

Trở lại thời gian đó, khi cuộc khủng hoảng nổ ra, chúng tôi phải ngừng hoạt động, ở đây trời rất lạnh, hệ thống máy sưởi trung tâm bị ngắt, nhưng chúng tôi vẫn giành cho họ một số máy sưởi điện để họ có thể tiếp tục làm việc.

Cựu TGĐ Phòng thiết kế hàng đầu Nga nói gì về 2 mẫu tàu chiến tối tân đặt riêng cho HQVN? - Ảnh 5.

Tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000 nhìn từ phía trước. Ảnh: Phòng Thiết kế Phương Bắc.

Tại sao Hải quân Nga lại không quan tâm tới các tàu thuộc Dự án PS-500?

Bởi vì họ đã có những tàu được thiết kế bởi Almaz. Còn với Việt Nam, lúc đó họ chưa hề có bất cứ con tàu nào. Mặc dù dự án này không suôn sẻ như mong đợi, nhưng cá nhân tôi nghĩ thậm chí có thể nói với bạn rằng họ có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện dự án với những thân tàu đang đóng dở.

Ở thời điểm đó, bên cạnh PS-500, chúng tôi cũng có một thiết kế tàu hộ vệ tên lửa 2.100 tấn thuộc dự án KBO-2000 dành cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau cùng, cả 2 dự án đều bị đình lại.

Giáo sư Vladimir Yukhnin sinh năm 1937, tốt nghiệp Viện Đóng tàu Leningrad và được chỉ định về công tác tại Phòng Thiết kế Trung tâm số 53, sau này đổi tên thành Phòng thiết kế Severnoye (Severnoye PKB) hay còn gọi là Phòng Thiết kế Phương Bắc.

Tại đây, ông dành cả cuộc đời cống hiến, đi lên từ một kỹ sư tới tổng công trình sư, có bằng Tiến sĩ chuyên ngành công nghệ và cuối cùng là TGĐ điều hành.

Trong sự nghiệp vẻ vang của mình, ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển hơn 100 dự án tàu quân sự và 15 tàu dân sự. Với sự công hiến của mình, Giáo sư Vladimir Yukhnin đã được Nhà nước Liên Xô (và sau này là Nga) tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại