Sức mạnh tên lửa hành trình dùng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik

Lê Ngọc |

Các vũ khí chiến lược mới của Nga đang là đề tài hot của truyền thông phương Tây và một trong số đó là tên lửa 9M730 Burevestnik (Chim báo bão).

Tên lửa 9M730 Burevestnik theo định danh của NATO là SSC-X-9 Skyfall và được giới tình báo Mỹ gọi là KY 30 (KY có thể là viết tắt tên bãi thử vũ khí Kapustin Yar - nơi tên lửa được bí mật thử nghiệm) là tên lửa hành trình có cánh, có thể gắn đầu đạn hạt nhân, dùng động cơ năng lượng hạt nhân với tầm bắn gần như không giới hạn, có thể bay vòng quanh thế giới trong nhiều ngày nếu cần, có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn nào.

Burevestnik được Tổng thống Putin tiết lộ lần đầu trong Thông điệp Liên bang ngày 1/3/2018. Theo tờ Kommersant, nhà sản xuất tên lửa hành trình này là Novator OKB với sự cộng tác của các chuyên gia từ Viện nghiên cứu Vật lý Thực nghiệm Toàn Nga ở Sarov.

Quyết định phát triển tên lửa được đưa ra vào tháng 12/2001, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước năm 1972 về giới hạn các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.

Thông tấn Nga cho biết, việc thử nghiệm động cơ hạt nhân dùng cho tên lửa hành trình Burevestnik đã diễn ra thành công tại một cơ sở nghiên cứu hồi tháng 1/2019. Động cơ bảo đảm được thông số như thiết kế, giúp tên lửa tấn công mọi mục tiêu trên thế giới; đây là tên lửa cận âm.

Tên lửa Burevestnik sử dụng nguyên lý động cơ phản lực dòng thẳng, trong đó quả đạn nén luồng không khí nhờ tốc độ rất cao trong khi bay, đốt nóng nó bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ bên trong và dùng luồng khí nóng này để tạo lực đẩy.

Trong quá trình bay, tên lửa liên tục đổi hướng nhằm vòng tránh các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không trên biển. Đây được coi là tính năng quan trọng, nhất là khi tên lửa có tầm bắn không giới hạn. Nó có thể bay vòng qua mọi tổ hợp phòng thủ và đánh trúng mục tiêu từ những hướng bất ngờ nhất.

Theo Tổng thống Nga, tên lửa sử dụng một động cơ hạt nhân hiệu suất cao, nhỏ gọn dành cho tên lửa hành trình phóng từ trên không và cả tên lửa hành trình phóng từ biển.

Quân đội Nga cho biết, với tầm bắn gần như không giới hạn, quỹ đạo bay không thể đoán trước và khả năng vượt qua các tuyến phòng không, sẽ rất khó bị hệ thống phòng không hiện tại và tương lai của đối phương ngăn chặn.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng, tên lửa này khó phát hiện hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), cả khi phóng lẫn khi tiếp cận mục tiêu và nó là một loại vũ khí nguy hiểm.

Báo Nga Nezavisimaya Gazeta cho biết, động cơ khởi động của tên lửa dùng nhiên liệu rắn, động cơ chính là động cơ phản lực dùng năng lượng hạt nhân. Kích thước: chiều dài khi bắt đầu phóng là 12 m, trong chuyến bay là 9 m, tiết diện nhìn từ phía trước có hình dạng của một hình elip 1 × 1,5 m.

Theo một số nguồn tin, Burevestnik có các thông số kỹ thuật: Sải cánh 5,3 m; dài 11,0 m; cao 18 m; khối lượng rỗng 1.605 kg; khối lượng đầy đủ 4.176 kg; tỷ số công suất/khối lượng 0,732; tải cánh 86,5 kg/m2.

Theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa có kích thước tương đương với tên lửa hành trình X-101 và do được trang bị động cơ năng lượng hạt nhân cỡ nhỏ, tầm bay dài hơn hàng chục lần so với X-101 - một phát triển làm thay đổi công nghệ động cơ tên lửa.

Thật ra, công nghệ này đã có lịch sử nhiều thập kỷ. Đầu những năm 1960, Mỹ đã tìm cách phát triển lửa tương tự sử dụng nhiên liệu hạt nhân. Được biết đến với tên gọi Pluto, dự án được thiết lập với mục tiêu chế tạo một loại vũ khí có tên Tên lửa độ cao thấp siêu âm (SLAM).

SLAM được cho là bay với tốc độ Mach 3.5 (4.174km/h) ở độ cao thấp và phóng ra các bom khinh khí (bom H) trên các mục tiêu của đối phương sau một hành trình bay dài. Nhưng dự án Pluto chết yểu do sự ra đời của các tên lửa ICBM và không thể thử nghiệm loại tên lửa này trong thực tế mà tránh khỏi việc phát tán phóng xạ khắp nơi.

Tên lửa của Nga, theo chuyên gia Kyle Mizokami, có thể không bay ở tốc độ Mach 3.5 và rải bom khinh khí (như ý tưởng của người Mỹ), nhưng nó có thể có một lợi thế lớn so với dự án Pluto - là vật thể bay có động cơ nhưng không xác định tầm bay.

Các tên lửa hành trình hiện đại sử dụng động cơ turbo phản lực (như máy bay tiêm kích) hoặc turbo cánh quạt (như các máy bay thương mại) và thường là có tầm bắn 1.500 - 1.600 km - giới hạn phụ thuộc lượng nhiên liệu tên lửa mang theo.

Tên lửa hành trình sử dụng nhiên liệu hạt nhân có thể bay lâu hơn rất nhiều, với đường bay phức tạp để khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng không của đối phương.

Tạp chí Popular Mechanics của Mỹ đánh giá cao Burevestnik khi cho rằng, một khi loại vũ khí này được đưa vào sử dụng, Nga sẽ có thể phóng tên lửa từ sâu trong lãnh thổ Châu Á, thiết lập để chúng bay qua Thái Bình Dương, đi vòng qua Nam Mỹ và xâm nhập vào không phận Mỹ từ vịnh Mexico.

Theo tác giả bài báo, tên lửa mới được thiết kế để có thể ở trên không vài ngày, tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bay vòng quanh hành tinh theo quỹ đạo rất phức tạp và hoạt động độc lập. Chỉ việc này thôi đã khiến Mỹ rất lo lắng, buộc phải chi ra rất nhiều tiền để nâng cấp hệ thống phòng không vốn luôn chỉ đề phòng các hướng bắc, tây, đông, trừ phía nam.

Tuy vậy, theo báo giới phương Tây, với 13 cuộc thử nghiệm và chỉ hai trong số đó thu được thành công phần nào, Burevestnik vẫn còn phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện.

Nó có thể sẽ không bao giờ đi vào phục vụ và thậm chí có thể được mang ra mặc cả trong một hiệp ước kiểm soát vũ khí trong tương lai. Động cơ nguyên tử kích thước nhỏ hiện đang trở thành ác mộng của phương Tây, còn đáng sợ hơn cả tên lửa siêu âm.

Việc phát triển thành động cơ sử dụng năng lượng nguyên tử kích thước nhỏ đã đẩy cuộc cách mạng công nghiệp quân sự lên một tầm cao mới. Công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ phải phát triển vũ khí phòng thủ vũ trụ nhằm ngăn chặn tên lửa Nga.

Hai cường quốc công nghệ Mỹ và Nga sẽ đưa chiến tranh ra ngoài khoảng không vũ trụ và một kỷ nguyên chạy đua vũ trang mới sẽ bắt đầu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại