Sức mạnh mới của "sát thủ diệt hạm siêu thanh" Tu-22M3M

Tuấn Sơn (tổng hợp) |

Trong học thuyết tác chiến chống hạm đội tàu sân bay của Liên Xô, máy bay Tu-22 với tên lửa diệt hạm siêu thanh là thành tố chính. Học thuyết này hiện vẫn được Hải quân Nga vận dụng. Sau nhiều thập kỷ được trang bị, Không quân Nga vừa công bố phiên bản nâng cấp mới nhất của "sát thủ tàu sân bay siêu thanh" Tu-22M3 với đổi mới đáng kể về trang bị và vũ khí.

"Trong năm 2018, chiếc Tu-22M3M nâng cấp sâu đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga. Các máy bay nâng cấp sau đó sẽ được sản xuất theo chương trình mua sắm vũ khí quốc gia của Nga", Giám đốc Tập đoàn Typolev, Alexander Konyukhov tuyên bố.

Gói nâng cấp lớn nhất trong lịch sử của "sát thủ tàu sân bay"

Tu-22M3 (tên NATO: Backfire-C) được biết tới là biến thể nâng cấp mới nhất của gia đình máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M.

Trong quá trình phục vụ từ năm 1983 tới nay, các máy bay Tu-22M đã nhiều lần được nâng cấp, nhưng gói nâng cấp Không quân Nga vừa công bố được coi đặc biệt nhất trong lịch sử tồn tại của dòng máy bay ném bom chiến lược-chiến thuật này.

Sức mạnh mới của sát thủ diệt hạm siêu thanh Tu-22M3M - Ảnh 1.

Máy bay Tu-22M3 trong biên chế Không quân Nga. Ảnh: TASS.

Sức mạnh mới của sát thủ diệt hạm siêu thanh Tu-22M3M - Ảnh 2.

Một máy bay Tu-22M3 trong quá trình nâng cấp lên phiên bản mới. Ảnh: warfare.ru

Một trong những nhiệm vụ chính của máy bay Tu-22M3 là săn tìm và tiêu diệt hạm đội tàu sân bay của đối phương với tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh. Ở dải nhiệm vụ này, Tu-22M3 không có "đối thủ xứng tầm" trên thế giới.

Dưới thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô sử dụng học thuyết dùng tới 80 máy bay Tu-22M3 trang bị tên lửa diệt hạm đồng thời tiến công hạm đội tàu sân bay của đối phương. Với đòn tấn công vượt trội như vậy, tàu sân bay của đối thủ sẽ không có cơ hội sống sót. Chính vì tư duy này, Tu-22M3 đã được đặt biệt danh "sát thủ tàu sân bay".

Ở biến thể nâng cấp mới nhất, khả năng đối hạm của Tu-22M3M sẽ được nâng lên tầm cao mới với trang bị điện tử tương tự như máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2.

"Hệ thống điện tử trên Tu-22M3M sẽ được thay máu tương tự như trên máy bay Tu-160M2, trong đó đáng kể nhất là các nâng cấp ở hệ thống dẫn đường và điều khiển hỏa lực", nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Cụ thể, ngoài các nâng cấp về khung thân để kéo dài vòng đời phục vụ, Tu-22M3M được trang bị hệ thống ngắm bắn SVP-24-22 đã được thử nghiệm và hiệu chỉnh trên máy bay Su-24M2 và Su-25SM3; hệ thống ra-đa hàng không NV-45 mới và buồng lái nâng cấp thân thiện với phi công.

Cùng với đó, một trong những cải tiến đáng kể là việc Tu-22M3M được lắp đặt động cơ mới NK-32-02 có công suất lớn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, tương tự như loại trang bị trên máy bay Tu-160M2.

Những cải tiến trên sẽ tạo ra bộ mặt và khả năng tác chiến hoàn toàn mới cho Tu-22M3M.

Đánh giá về phiên bản nâng cấp mới của máy bay Tu-22M3M, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, Victor Bondarev nhận định: "Bên cạnh máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-160, phiên bản Tu-22M3 nâng cấp sẽ đảm bảo ưu thế của Không quân chiến lược Nga trong tương lai".

Theo lời ông V. Bondarev, gói nâng cấp mới cũng mở ra những cơ hội tích hợp tính năng mới cho máy bay Tu-22M3M.

"Izdeliye 715" – Mãnh hổ thêm cánh

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong gói nâng cấp của máy bay Tu-22M3M là việc nó được trang bị dòng tên lửa diệt hạm siêu thanh mới với tên kỹ thuật là "Izdeliye 715".

Thông tin về dòng tên lửa này không được công bố cụ thể, nhưng theo nhiều nguồn tin, tên lửa mới là biến thể nâng cấp của tên lửa X-32. Đạn tên lửa mới nặng 5,8 tấn; tốc độ bay đạt Mach 4.1 (hơn gấp 4 lần tốc độ âm thanh); trần bay đạt 40km và tầm bắn hơn 1.000km.

Tên lửa mới có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Các nguồn tin trong Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga khẳng định, "Izdeliye 715" có tính năng tiệm cận với các dòng tên lửa hành trình hiện đại bậc nhất của Không quân Nga là Kalibr và Kh-101.

Sức mạnh mới của sát thủ diệt hạm siêu thanh Tu-22M3M - Ảnh 3.

Hình ảnh được cho là Tu-22M3 đang thử nghiệm với đạn tên lửa hành trình siêu âm mới. Ảnh: TASS.

"Izdeliye 715" sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp quán tính, kết hợp định vị vệ tinh GPS/GLONASS và tự dẫn chủ động ở pha cuối. Theo đánh giá của giới chuyên gia, "Izdeliye 715" đã được khắc phục nhược điểm dễ bị gây nhiễu trên biến thể gốc X-32.

Với tầm bắn lên tới 1.000km, Tu-22M3M có thể tấn công mục tiêu ngoài tầm phòng không của đối phương và dễ dàng thoát ly an toàn.

Nguyên mẫu của "Izdeliye 715" đã được Không quân Nga chấp nhận vào năm 2016. Nó sẽ là vũ khí tiến công chính của máy bay Tu-22M3M trong tương lai.

Trong tuyên bố mới đây, Giám đốc Nhà máy sửa chữa hàng không Kazan, Boris Naishuller khẳng định, toàn bộ máy bay Tu-22M3 của Không quân Nga sẽ được nâng cấp lên phiên bản mới ngay trong năm 2018. Hiện tại, Không quân Nga sở hữu 63 chiếc Tu-22M3 và 1 chiếc Tu-22M biến thể trinh sát điện tử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại